Thứ tư, 13/12/2017, 14h40

Giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 8/12/2017 trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đã tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 – Nhận định – Cơ hội – Thách thức – Nắm bắt”.

Gần 500 đại biểu từ các trường ĐH, CĐ, các trung tâm, các viện trong và ngoài thành phố và các đơn vị trong trường đến tham dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Cao Hào Thi – Hiệu trưởng, Trường STU cho biết: Nhà trường thành lập đến nay vừa tròn 20 năm. Mỗi năm, trường STU không ngừng cố gắng, nỗ lực và từng bước gây dựng nên một ngôi trường ĐH đạt chuẩn chất lượng và có uy tín trong nước và ngày càng tiếp cận các chuẩn Quốc tế. Với mục tiêu đó, hội thảo khoa học này cũng là một trong các hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập trường (1997-2017). Hội nghị được tổ chức với  mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, báo cáo viên trình bày các nghiên cứu và tham luận của mình nhằm tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu và đánh giá sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đối với giáo dục ĐH Việt Nam nói chung và trường STU nói riêng. Từ đó, đề ra các chiến lược và kế hoạch hành động để phát triển Nhà trường.

PGS. TS. Cao Hào Thi phát biểu mở đầu chương trình Hội nghị

Hội nghị diễn ra sôi nổi với nhiều chủ đề, nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được các báo cáo viên trình bày như vấn đề đào tạo nhân lực, các kỹ năng cho người lao động, trí thông minh nhân tạo, sự thay đổi các ngành nghề… và đặc biệt là giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0. Những ý kiến đóng góp, những suy nghĩ tích cực và cả những nỗi băn khoăn, trăn trở của các đại biểu tham dự cũng như các báo cáo viên đều được trao đổi thẳng thắn, cởi mở cho thấy tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng này là vô cùng lớn lao và quan trọng.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị

Đứng trước nỗi lo chung của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị là: công nghệ phát triển sẽ thay thế con người, các vị trong đoàn chủ tọa như PGS. TS. Cao Hào Thi, PGS. TS. Lê Văn Hảo, TS. Nguyễn Đức Nghĩa đều có chung nhận định: Con người sẽ luôn song hành, hòa nhập cùng công nghệ, và con người tạo ra công nghệ, giúp cuộc sống phát triển hơn, vì vậy dù công nghệ có tiên tiến nhưng vẫn luôn phụ thuộc vào con người và nguồn lực con người không thể thay thế được. 

Hoàng Diệu