Chủ nhật, 18/10/2015, 10h48

Giáo dục yếu kém là do bao cấp kéo dài

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ 

Đóng góp ý kiến về Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng liên quan đến giáo dục (GD), PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đều cho rằng cần phải xóa bỏ bao cấp trong GDĐH.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: 30 năm qua, GDĐH đã phát triển mạnh mẽ cả số trường và số sinh viên. Từ chỗ thời gian đầu chỉ có mấy chục trường, nhưng giờ gần 450 trường ĐH, CĐ. Trước đây chỉ có trường công lập, nhưng từ năm 1988 khi ĐH Thăng Long thành lập đánh dấu sự ra đời của loại hình trường ngoài công lập (NCL) đầu tiên. Gần đây có Nghị quyết 72 của Chính phủ về vấn đề tự chủ của các trường ĐH, tự chủ tài chính, cũng là dấu ấn dần để chuyển các trường công lập sang trường NCL, tư thục, đó là xu hướng chung của quốc tế. Nhưng xu hướng này mới chỉ bắt đầu, tất nhiên vẫn còn trở ngại cần phải phấn đấu thêm. Hiện nay chúng ta có chưa tới 20% tổng số các trường NCL. Thời gian vừa qua chúng ta đã phát triển quá nhiều trường công lập, không chú ý tới trường NCL. Mặt tích cực của chủ trương này là toàn bộ hệ thống GD đã phát triển đáng kể từ Trung ương tới địa phương. Khi Nhà nước đề ra “GD là quốc sách hàng đầu”, về mặt nhận thức là đúng đắn, nhưng thực tiễn do nhiều khó khăn chưa thực hiện được đúng như nhận thức. 20% ngân sách chi cho GD là một sự cố gắng lớn của ngành, nhưng vấn đề sử dụng 20% đó thì cơ chế như thế nào để hiệu quả, chính chỗ này còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới đây. Văn kiện cũng đề ra xây dựng xã hội học tập, xã hội tham gia GD bằng nhiều phương thức khác nhau, tôi cho đó là cái được của ngành.

Dự thảo tiếp tục khẳng định cần mở rộng mô hình trường ĐH NCL, nhưng có thực trạng nhiều trường hiện nay khó tuyển sinh, dẫn đến nguy cơ giải thể, ông nghĩ sao?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Chính điểm này là rất tốt và tôi mong mô hình này phát triển, tiến tới tự chủ các trường và chuyển các trường công lập dần dần thành tư thục có phần tham gia của Nhà nước. Nếu có thể làm được, tôi nghĩ cần phải tới 80% GDĐH theo hình thức này, Nhà nước chỉ cần 20% loại trường nằm trong bao cấp như các trường hành chính, quốc phòng. Tuy nhiên, cần công bằng hơn đối với những người nghèo, cần có chính sách vay vốn không lãi, rồi sau đi làm và trả. Dứt khoát Nhà nước không bao cấp mà cần phát huy quyền của cơ sở.

Còn theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, GD trong những năm qua cũng đã có những mũi nhọn, GD chúng ta cũng không thua kém với thế giới, một số mô hình các trường đã thay đổi, đảm bảo chất lượng GD. Tuy nhiên, trong dự thảo văn kiện có nêu “Chất lượng GD-ĐT có tiến bộ”, theo tôi nói như thế cũng không rõ như thế nào. Thực tế, dự thảo văn kiện cũng khẳng định, chất lượng GD còn thấp so với yêu cầu, đặc biệt là GDĐH và GD nghề. Tuy nhiên đánh giá này là đúng, nhưng chưa cơ bản. Nhược điểm GD của chúng ta trong những năm qua là không phân cấp một cách triệt để, không giao quyền tự chủ cho các cơ sở GD (vì chất lượng GD là do các cơ sở GD-ĐT chứ không phải do Bộ GD-ĐT). GD chúng ta yếu kém trong thời gian vừa qua là do kéo dài cơ chế bao cấp, chưa đi đúng quy luật kinh tế thị trường, trong khi đất nước đã bước vào nền kinh tế thị trường.

 

Có một điều mà lâu nay nhiều người vẫn lo ngại, khi quy luật kinh tế thị trường xâm nhập thì kèm theo đó GD sẽ có tính thương mại hay không, thưa ông?

TS. Nguyễn Tùng Lâm

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Theo quy luật, kinh tế thị trường sẽ tạo ra giá trị, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và phải chạy theo lợi ích. Những người tham gia giám sát GD của chúng ta ít, trong khi các nước đang tiến tới điều này. Những người hưởng lợi ở dịch vụ GD phải tự được quyết định đánh giá, giám sát. Thứ nữa, trong những năm qua GD của chúng ta chưa đầu tư đúng cho việc thực hiện xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đào tạo, bồi dưỡng thường làm nửa vời, tuyển chọn không đúng người tài, đặc biệt là khâu đãi ngộ không tương xứng thì không thể có chất lượng GD. Nhưng chẳng nhẽ chúng ta cứ loanh quanh mãi như hôm nay?

Trong dự thảo văn kiện có nêu tiếp tục đổi mới thi cử, ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tôi nghĩ chúng ta có thể bỏ sớm. Vì thực tế trong kỳ thi quốc gia vừa qua đã xảy ra 3 mâu thuẫn lớn của ngành. Thứ nhất, tạo ra sự thuận lợi cho học trò được chọn môn thi, nhưng vô tình bỏ đi quan điểm GD toàn diện. Thứ hai, hiện nay để giảm nhẹ cho việc đi lại nên bộ đã chia thành hai loại cụm thi. Tuy nhiên, cải tiến này dẫn đến tình trạng phân loại học trò không đúng, có thể học sinh xác định thi vào ĐH thì cố gắng học, còn thi tốt nghiệp thì nửa vời.

Trong khi đó, nguyên tắc của GD là “khích lệ” và “động viên” học trò. Do đó, tôi đề xuất tất cả đều là một đối tượng và mỗi tỉnh là một điểm thi, các trường ĐH vẫn được quản lý. Quan trọng nhất của mỗi kỳ thi là trung thực và khách quan. Nhưng thực tế, chúng ta đã trung thực chưa? Kỳ thi vừa qua vẫn có phòng thi dễ, phòng thi khó. Chúng ta cần phải làm rõ yêu cầu phải có tỷ lệ trượt, vì không học thì trượt. Thứ ba, nói là chúng ta bỏ được một kỳ thi ĐH để các trường ĐH tự chủ, nhưng trong tự chọn của học sinh vẫn để cho học sinh không phát huy tiềm năng cá nhân, đi theo định hướng nghề nghiệp mà chỉ cốt chạy vào trường ĐH nào đó. Đó là không đúng theo mục tiêu đổi mới GD, do đó phải xác định lại khâu này.

Xin cảm ơn hai ông!

Nghiêm Huê