Thứ bảy, 13/1/2018, 09h34

Giáo sư ĐH Trung Quốc bị đuổi sau cáo buộc quấy rối

 

Một giáo sư đại học ở Trung Quốc đã bị sa thải sau khi bị bêu tên trong bài viết của một cựu sinh viên, kể lại việc cô bị ông này quấy rối tình dục trong quá khứ.

Giáo sư ĐH Trung Quốc bị đuổi sau cáo buộc quấy rối - Ảnh 1.

Các nạn nhân bị quấy rối tình dục trong quá khứ lên tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc, đòi công bằng và chấm dứt kiểu suy nghĩ rằng họ bị quấy rối là lỗi của chính họ - Ảnh: SCMP

#MeToo (tạm dịch: Tôi cũng vậy) - phong trào tố giác những tên yêu râu xanh trong quá khứ, sau hơn một năm tạo hiệu ứng mạnh mẽ trên khắp thế giới, đã lan tới Trung Quốc.

Theo BBC ngày 12-1, Lou Xixi - cựu sinh viên Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh (Đại học Beihang), đã chia sẻ câu chuyện của mình lên Weibo (mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc), hồi đầu tháng này.

Lou kể rằng cách đây 13 năm, khi còn là sinh viên, giáo sư Chen Xiaowu đã dụ cô đến nhà chị gái của ông ta, đè lên người cô và có các hành động quá đáng. Mọi việc chỉ chấm dứt khi Lou sợ đến phát khóc.

Lou nói cô không phải là nạn nhân duy nhất của giáo sư Chen. Cô sau đó đã liên lạc với nhiều phụ nữ khác, thu thập bằng chứng kể cả các đoạn băng ghi âm về những hành vi đồi bại của ông Chen trước khi tố cáo ông ta với Trường Beihang và chia sẻ lên mạng. 

Cuối bài viết, Lou để hashtag #MeToo như một cách để hưởng ứng phong trào cùng tên trên thế giới và truyền thêm động lực để những nạn nhân như cô dũng cảm lên tiếng.

Trong vòng 24 giờ sau khi được đăng tải, câu chuyện của Lou thu hút hơn 3 triệu lượt xem, đồng thời dấy lên làn sóng phẫn nộ và cuộc tranh luận sôi nổi về nạn quấy rối tình dục tại Trung Quốc.

Ngày 11-1, Đại học Beihang tuyên bố sa thải giáo sư Chen, hủy các thành tích giảng dạy của ông với lý do "vi phạm nghiêm trọng" các nguyên tắc ứng xử của nhà giáo và cho biết sẽ "cải thiện và rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học này".

Lou nói chính phong trào #MeToo tại các nước phương Tây đã truyền cho cô dũng khí để nói lên sự thật. 

Dù ông Chen đã bị trừng phạt còn bài viết của Lou tạo ra được cuộc tranh luận mạnh mẽ tại Trung Quốc, sẽ còn khá lâu nữa phong trào #MeToo tại Trung Quốc mới được như các nước khác.

Hồi năm ngoái, một phụ nữ ở Thượng Hải đã khởi đầu phong trào #MeToo ở Trung Quốc bằng việc kể lại chuyện cô bị một người đàn ông lớn tuổi quấy rối liên tục trong 4 năm trời. 

Bài viết thu hút được sự chú ý đặc biệt như câu chuyện của Lou nhưng nhanh chóng bị cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc xóa ngay sau đó.

BẢO DUY/TTO