Thứ năm, 7/1/2016, 20h23

Giao thông năm 2016: Sẽ khởi sắc từ quy định mới…

Chính thức dừng thu phí xe máy đường bộ, ô tô phải trang bị bình cứu hỏa, cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động, cải cách kiểm định ô tô, thanh tra giao thông mặc quân phục mới; tàu, thuyền bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình… là những quy định mới liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường thủy trong năm 2016 này.

Giao thông đường bộ

Chính thức dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ 1-1-2016

Một trong những điểm mới đầu tiên là quy định tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-1-2016 do Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đề xuất. Nguyên nhân tạm dừng do công tác thu phí khó khăn, chưa đồng bộ giữa các địa phương, chế tài xử phạt đối với các trường hợp không nộp phí chưa khả thi và đặc biệt số tiền thu được không cao. Trong hai năm 2013 và 2014, mỗi năm chỉ thu được trên 550 tỷ đồng và 175 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2015.

So với xe máy, xe ô tô có nhiều quy định đổi mới hơn gồm: Xe ô tô phải trang bị bình chữa cháy, đổi mới về kiểm định an toàn kỹ thuật và cấp bằng lái xe số tự động. Theo Thông tư số 57/2015/TT-BCA vừa được Bộ Công an ban hành quy định, kể từ ngày 6-1-2016, ô tô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hay bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg. Theo đó, các chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng nếu không thực hiện đúng quy định việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như đã quy định ở trên.

Cũng theo Thông tư số 70 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ GTVT vừa ban hành, từ ngày 1-1-2016, các cơ quan kiểm định sẽ không yêu cầu chủ xe xuất trình giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu khi đưa xe đi lập hồ sơ và kiểm định lần đầu, mà sẽ chủ động tra cứu trên mạng tại Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT và của Chính phủ. Mục đích của quy trình này góp phần làm giảm giấy tờ đầu vào và đặc biệt ngăn chặn được tình trạng một số đối tượng cố tình sửa chữa giấy chứng nhận nhập khẩu nhằm lừa khách hàng để trục lợi.

Riêng việc cấp bằng lái xe số tự động, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT sửa đổi thông tư để cấp riêng hai loại giấp phép lái ô tô số sàn và số tự động theo nhu cầu của người học. Theo đó, tính từ đầu năm 2016, các trung tâm sát hạch lái xe được phép tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho các học viên với thời gian đào tạo là 476 giờ (136 giờ lý thuyết và 340 giờ thực hành). Được biết bằng lái hạng B1 được cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe gồm ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải, máy kéo rơ-moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.

Giao thông đường thủy

Tàu, thuyền nếu được trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ hành trình sẽ góp phần giảm thiểu TNGT đường thủy

Trang phục mới của ngành giao thông

Bên cạnh những quy định mới về giao thông đường bộ và đường thủy, từ 1-1-2016, Thanh tra Sở GTVT cũng sẽ sử dụng phù hiệu, cờ hiệu, trang phục mới theo quy định của Bộ GTVT. Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, thanh tra viên, đội trưởng, phó chánh, chánh thanh tra GTVT khi kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trên đường phải mặc áo sơmi xuân hè ngắn tay màu xanh da trời, quần màu xanh tím, đầu đội mũ kepi hoặc mũ bảo hiểm... Trên hai ve áo có gắn hai cành tùng; trên vai áo có gắn cấp hiệu nền màu đỏ, cấp hàm có sao và vạch màu trắng bạc; biển tên màu xanh dương phía trên ghi tên cơ quan Sở GTVT TP.HCM, ở giữa ghi tên họ và dưới cùng là chức danh (thanh tra viên, đội trưởng hoặc phó chánh thanh tra…). Ông Việt lưu ý, chỉ những thanh tra đeo đủ cấp hiệu, cấp hàm, cành tùng, biển tên… mới được kiểm tra, xử phạt người vi phạm giao thông.

Nhằm đẩy mạnh triển khai cuộc vận động xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các phương thức vận tải, chú trọng các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng và bảo đảm ATGT của phương thức vận tải đường thủy nội địa; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quy định lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động (AIS) đối với phương tiện thủy kinh doanh vận tải hành khách từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo. Được biết, máy AIS phát đi các thông tin hàng hải chính xác như tên tàu, số MMSI (số nhận dạng trạm di động tạm thời), kích thước, loại tàu, mớm nước, loại hàng, thời gian dự kiến và nơi đến, kinh độ/vĩ độ, hướng đi, tốc độ tàu...

Bên quy định lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động, Phó Thủ tướng cũng đề xuất mở rộng loại hình phương tiện bắt buộc là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, huy động các nguồn vốn đầu tư một số cảng thủy nội địa đầu mối để tăng năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, kết nối các phương thức vận tải khác, đặc biệt trên tuyến Bắc - Nam, các tuyến vận tải thủy chính để giảm áp lực vận tải đường bộ, giảm ùn tắc và TNGT.

Đề xuất trên từng được ông Cao Kim Phụng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa kiến nghị tại hội thảo lấy ý kiến góp ý về sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy nội địa cách đây 2 năm. Theo ông Phụng, phương tiện thủy nội địa ngày càng phát triển mạnh, phổ biến là tàu, thuyền có trọng tải từ 200 đến 1.000 tấn, thậm chí có loại 2.000 tấn. Tuy nhiên, trang thiết bị rất thô sơ, thiếu các thiết bị hỗ trợ hành trình như máy đo độ sâu, hải bàn, ra đa, thiết bị định vị, nên trong nhiều vụ tai nạn chìm tàu, việc xác định vị trí và nguyên nhân rất khó khăn. Do đó, nếu được trang bị các thiết bị hỗ trợ sẽ tránh được những rủi ro đáng tiếc cũng như góp phần giảm thiểu TNGT đường thủy.

Bài, ảnh: Đinh Vũ