Thứ hai, 22/10/2012, 15h10

Giao tiếp - kỹ năng mềm - “chìa khóa thành công”

Giao tiếp thông minh là cách để SV “lấy lòng” nhà tuyển dụng. Ảnh chụp SV phỏng vấn ứng tuyển vào doanh nghiệp tại Ngày hội việc làm

Một trong nhiều yếu tố quyết định thành công của các bạn trẻ trên đường đời và trong sự nghiệp là giao tiếp thông minh.
Ngay từ năm nhất, sinh viên (SV) đã chú trọng kỹ năng giao tiếp bằng cách học “ăn - nói - gói - mở” để hòa nhập, thích nghi môi trường ĐH; đồng thời “ghi điểm” đối với những doanh nghiệp mà họ muốn được tuyển dụng.
“Hãy nói theo cách của bạn!”
Đã qua rồi cái thời SV gặp đám đông là đỏ mặt rụt rè, nói năng lắp bắp, không rõ câu cú… gây mất thiện cảm đối với người nghe. Thế hệ trẻ bây giờ biết từ bỏ nhút nhát để giao tiếp tự tin, bởi theo họ đó là cách đầu tiên tạo ấn tượng với người đối diện. Bên cạnh việc học tập từ thực tế cuộc sống, SV chịu khó có mặt trong những khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp để tích lũy những kinh nghiệm căn bản nhất.
Buổi tư vấn về nghệ thuật giao tiếp thuộc chương trình “Chìa khóa thành công” do Trung tâm Hỗ trợ HSSV TP.HCM phối hợp cùng K88 - HP Premium Store tổ chức tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa qua bắt đầu bằng một số tình huống thực tế của chính SV. “Tại sao có những người bạn em nói hoài không hết chuyện nhưng lại có những người cố gắng nhiều lần vẫn không thể thân thiện được” - SV Trà My (lớp Y2012 Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chia sẻ. Anh Nguyễn Cảnh Hiền (Giám đốc kinh doanh Bách khoa Computer) gợi mở các em bằng hình tượng biển lớn. Anh Hiền cho rằng, biển chứa được nhiều nước bởi biển thấp hơn những thứ khác. Nếu SV thực sự mở lòng khi giao tiếp sẽ khắc phục được tình trạng trên. Cuộc thảo luận sẽ không đi đến đâu nếu ai cũng tỏ ra mình hơn người khác, luôn ở thế “kẻ trên” mà không chịu lắng nghe, nhường nhịn người đối diện.
“Khi bạn bè giận nhau, em chọn cách lặng yên để suy nghĩ xem lý do vì sao mình giận bạn, rồi đặt mình vào vị trí của bạn để biết bạn không vừa ý mình chỗ nào, chuyện có đáng để phản ứng như vậy không…” - SV Nguyễn Vân Anh (năm 3, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) bộc bạch. Cách ứng xử này khá “cơ bản” nhưng lại nhận được nhiều sự đồng tình của SV bởi thực tế “chiêu” này ai cũng biết nhưng một khi cái tôi đã “phình to” lên thì không phải người nào cũng thực hiện được. Giám đốc điều hành Vinalinks Group Nguyễn Trương Tuyến nói thêm, xung đột trong cuộc sống là khó tránh và phải có nghệ thuật ở khâu giải quyết những tình huống này. Trong quá trình hòa giải chúng ta cần biết lắng nghe để thấu hiểu người khác, đôi khi cũng phải tranh luận (nhưng không nên tranh cãi bởi sẽ dẫn đến kết quả xấu). Cũng theo ông Tuyến, giao tiếp tốt chính là đã truyền cho đối phương một nguồn năng lượng mạnh.
Dẫn lối thành công
Không chỉ vậy, giao tiếp thông minh còn là yếu tố dẫn dắt con người đến thành công. Ông Tuyến nhấn mạnh, kỹ năng giao tiếp rất quan trọng vì mỗi người khi sinh ra và lớn lên có rất nhiều mối quan hệ từ gia đình đến trường lớp, xã hội. Bản thân từng người có thăng tiến, phát triển được các mối quan hệ, có thành công trong cuộc sống và sự nghiệp của mình hay không phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng giao tiếp.
Thế nhưng, ông Tuyến thừa nhận, SV hiện chưa được đào tạo hoặc hướng dẫn rèn luyện một cách bài bản về giao tiếp, thậm chí ngay từ bậc học phổ thông vấn đề này đã bị bỏ ngỏ. Có những em khi bước vào môi trường ĐH đã tự tìm đến các khóa học kỹ năng mềm song số này không nhiều. Vẫn còn một lượng không nhỏ SV sau khi tốt nghiệp không kiếm được công việc như ý chỉ vì yếu kỹ năng.
Đơn cử như khi viết đơn xin việc, có em “vô tư” sử dụng ngôn ngữ “khó hiểu” kiểu teen, sai chính tả, viết tắt vô tội vạ… Những hồ sơ này thường bị loại thẳng ngay từ vòng đầu tiên do gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng mặc dù có thể ứng viên đó đủ khả năng đáp ứng công việc.
Bác sĩ Trương Trọng Hoàng (Trưởng bộ môn khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cũng lý giải thêm, tình trạng SV thiếu mạnh dạn trong giao tiếp có nhiều lý do, trong đó nổi bật là hai vấn đề văn hóa và giáo dục. Nếu như giới trẻ phương Tây ngay từ nhỏ đã được rèn luyện kỹ năng, cách thảo luận nhóm, làm việc nhóm… thì với văn hóa phương Đông mà đặc trưng là lối sống khép kín, HS lại được dạy học theo xu hướng cá nhân dẫn đến hạn chế khả năng giao tiếp.
Để cải thiện tình hình này, bác sĩ Hoàng cho rằng, tùy tính cách mà mỗi em có thể trang bị kỹ năng giao tiếp thông qua hoạt động Đoàn hội hoặc những môi trường mà các em có điều kiện cọ xát, ứng dụng giao tiếp hiệu quả nhất.
Đặc biệt, khi SV ý thức được kỹ năng là quan trọng thì các em sẽ tự kiếm ra phương cách học hỏi, rèn luyện (có thể là thông qua sách báo, hoạt động xã hội, các khóa kỹ năng)… SV Trần Thị Thủy Trúc (năm nhất ngành y đa khoa, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nhìn nhận: “Giao tiếp là việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ ngay từ lúc chúng ta còn nhỏ đến khi trưởng thành nhưng không phải ai cũng “khéo ăn khéo nói”. Do đó, giao tiếp sao cho tránh được xung đột, mất lòng người khác cũng cần phải học. Những năm phổ thông, do chú trọng nhiều đến bài vở, ít có thời gian nên việc học giao tiếp chưa được em và các bạn chú tâm lắm. Vì vậy mà trong nhiều trường hợp, chúng em khá thiếu tự tin. Ở môi trường ĐH, nếu được đào tạo giao tiếp bài bản thì chúng em không chỉ đối nhân xử thế tốt mà còn biết cách thể hiện tâm đức của người thầy thuốc”. Lê Thành Phương (lớp Y2012C) cũng định hướng: “Sắp tới, em muốn kiếm việc làm thêm nhằm tích lũy kinh nghiệm. Để lọt qua vòng phỏng vấn của nhà tuyển dụng, em thấy rất cần trang bị một số kỹ năng nhất là giao tiếp. Điểm yếu lớn nhất ở em và cả nhiều bạn trẻ chính là thiếu tự tin trong giao tiếp do đó khó diễn đạt được hết những điều mình muốn, dẫn đến dễ làm tuột mất cơ hội”.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Được thực hiện tại 20 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM, chương trình “Chìa khóa thành công” bên cạnh trang bị kỹ năng giao tiếp còn giúp tân SV hội nhập và thích nghi; học ĐH hiệu quả; tư duy sáng tạo trong học tập cũng như làm việc; phỏng vấn tìm việc thành công.