Thứ bảy, 17/9/2016, 20h28

Giáo viên chưa linh hoạt trong xử lý tình huống

Giáo viên đang hướng dẫn HS khuyết tật học hòa nhập viết chữ (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Vấn đề này được nêu ra tại buổi báo cáo đúc kết kinh nghiệm về dạy học sinh (HS) khuyết tật học hòa nhập ở bậc tiểu học, giai đoạn 2012-2015 do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) tổ chức ngày 16-9.

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2012-2013, thành phố có 3.270 HS tiểu học học hòa nhập, chuyên biệt; năm 2013-2014 có 3.360 em và năm 2014-2015 là 3.492 em. Tuy nhiên, tỉ lệ HS khuyết tật học chuyên biệt và can thiệp sớm chỉ đạt 1,22%, thậm chí có đơn vị không có HS khuyết tật ra học hòa nhập sau khi học chuyên biệt. Thực trạng này ảnh hưởng đến nề nếp học tập chung của lớp hòa nhập và gây không ít khó khăn cho giáo viên.

Ông Nguyễn Hữu Tâm (chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học) cho biết đa số giáo viên dạy HS khuyết tật hòa nhập được bồi dưỡng kiến thức, phương pháp giáo dục HS khuyết tật nhưng chưa chuyên sâu. Điều này dẫn đến một số giáo viên chưa linh động về phương pháp, phân bổ thời lượng tiết học, xử lý tình huống chưa linh hoạt… Ngoài vấn đề trên, sự thiếu quan tâm của phụ huynh đến con em mình, không thừa con em mình khuyết tật, không xin giấy xác nhận, thiếu hợp tác cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho giáo viên. Một giáo viên chia sẻ: “Ở điều 4 của Thông tư 42 (thông tư quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật) quy định kết quả giáo dục môn học hoặc hoạt động giáo dục mà người khuyết tật đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục chung được đánh giá như HS bình thường (nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập). Để đáp ứng yêu cầu này, đòi hỏi HS khuyết tật phải có giấy xác định dạng tật cụ thể. Thế nhưng, vì một số lí do nào đó, phụ huynh không thừa nhận con em mình khuyết tật. Cũng có phụ huynh thừa nhận song việc cấp giấy chứng nhận còn nhiều bất cập gây khó khăn cho họ”. Giáo viên này chia sẻ thêm, thiếu giấy chứng nhận sẽ làm ảnh hưởng đến dự toán kinh phí chính sách cho HS khuyết tật và cả giáo viên dạy HS đó...

Tại buổi báo cáo đúc kết kinh nghiệm, lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học yêu cầu các cơ sở giáo dục khuyết tật cần tăng cường nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên và phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề trong việc thực thi Đề án 1019 của Chính phủ về trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2012-2020. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cần có chủ trương tăng cường sự phối hợp giữa ngành giáo dục với ngành y tế, tham mưu bổ sung định biên cán bộ y tế và chuyên viên tâm lý cho các trường chuyên biệt. Giúp cơ sở giáo dục khuyết tật có điều kiện thực hiện tốt công tác chẩn đoán, phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật từ 0-3 tuổi, 3-6 tuổi; qua đó góp phần giảm thiểu những khó khăn của trẻ trước khi hòa nhập lớp bình thường.

Trinh Ngọc