Thứ hai, 19/9/2011, 11h09

Giáo viên tiếng Anh tự chọn ở tiểu học: Thiếu “lượng”, yếu “chất”

Giờ học TA tự chọn tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi

Để xóa bỏ tình trạng học sinh học tiếng Anh nhiều năm nhưng vẫn không nghe và nói được, ngành GD-ĐT thành phố đang ra sức nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt trình độ đội ngũ giáo viên (GV). Tuy nhiên, không chỉ giải bài toán về “chất” mà ngay cả về “lượng” GV tiếng Anh cũng đang thiếu trầm trọng…

Mời sinh viên năm 2 đứng lớp
Sau hai tuần đứng lớp thực tập dạy tiếng Anh (TA) tại Trường Tiểu học (TH) Phù Đổng (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Thị Kim Dung, sinh viên năm 2 ngành ngữ văn Anh (hệ văn bằng hai, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) được đánh giá có khả năng đứng lớp giảng dạy và đã trúng tuyển.
Thực tế hiện nay, nhu cầu sinh viên giảng dạy TA như Kim Dung không ít và nhu cầu tuyển dụng GV dạy TA tự chọn tại các trường TH cũng không nhỏ. Thầy Trần Văn An, Hiệu trưởng Trường TH Đặng Trần Côn (Q.4) cho hay: “Nhà trường cũng đang hợp đồng với hai GV của Trung tâm Ngoại ngữ Atlanta”. Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cũng tương tự, hợp đồng với hai GV thỉnh giảng TA tự chọn từ các trung tâm ngoại ngữ.
Lý giải nguyên do này, thầy An cho biết: “Nhà trường cần đến ba GV dạy TA tự chọn nhưng không có lấy một bộ hồ sơ dự tuyển, vì thế trường phải nhờ đến trung tâm ngoại ngữ”. Cô Nguyễn Thúy Hà (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi) cũng thừa nhận: “Hiện nay hầu hết các trường TH đều thiếu GV giảng dạy TA tự chọn, vì thế bắt buộc phải hợp đồng từ các trung tâm. Đấy là chưa kể, Trường TH Nguyễn Văn Trỗi phải nhờ GV dạy TA tăng cường kiêm nhiệm thêm việc dạy TA tự chọn”.
Thả nổi chất lượng
Việc hợp đồng với sinh viên giảng dạy cũng khiến các trường không tránh khỏi lo lắng vì sinh viên có thể nghỉ việc bất cứ khi nào. Cô Hà chia sẻ: “Năm trước, lương trả cho các GV theo dạng này chỉ 10.000 đồng/tiết, năm nay, nhà trường phải trả đến 20.000 đồng/tiết”. Trường TH Đặng Trần Côn thì trả đến 30.000 đồng/tiết, mặt khác trường còn phải cắt giảm một GV để tăng số tiết, kéo cao thu nhập lên cho những GV khác. Nếu không làm cách này thì khó giữ chân được GV.
Theo nhiều GV đang giảng dạy tại các trường TH thì hiện nay, nhu cầu cho con học TA không nhỏ. Mở ra lớp học TA tự chọn được nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ. Điều này lí giải vì sao các trường phải chấp nhận hợp đồng tăng lương lên cho GV. Song thực trạng thiếu GV bắt buộc các trường phải hợp đồng GV bên ngoài cũng khiến không ít người lo ngại đến chất lượng giảng dạy.
“Khi HS học hết chương trình lớp 3 thì phải biết phát âm đúng, biết cách sử dụng các cụm từ đơn giản hàng ngày như come in (mời vào); sit down (mời ngồi); open your book (mở sách của bạn ra); I can’t find you all (tôi không thể tìm thấy các bạn)…, viết được các cụm từ đơn giản. Còn đối với HS học hết chương trình lớp 4 phải nghe nhận biết trọng âm từ, nghe hiểu hướng dẫn đơn giản của GV cũng như trả lời được câu hỏi, nói được các câu chữ đơn giản, đọc thành tiếng các câu hỏi, viết được các câu trả lời đơn giản”, ông Hoàng Văn Vân, Tổng chủ biên sách giáo khoa TATH cho biết.
Thế nhưng thực tế hiện nay thì “Học sinh được học 2 tiết/tuần. Kết quả kiểm tra cuối kỳ chỉ dựa trên bài kiểm tra viết, các kỹ năng khác không có. Điều này cho thấy, việc học và giảng dạy chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Mong muốn các em có thể nói những câu đơn giản cũng rất khó”, cô Hà khẳng định.
Về mặt phát âm trong cách giảng dạy tại các trường TH hiện nay, thầy Trần Văn An cũng đặt nghi vấn: “Đối với HSTH, việc học ngoại ngữ là một sự bắt chước, đặc biệt đòi hỏi phải nói nhiều và không nghiêng nhiều về ngữ pháp như các cấp lớn hơn. Điều này đòi hỏi GV phải phát âm chuẩn, việc phát âm sai sẽ kéo theo các em cũng phát âm sai và khó sửa đổi về sau. Thế nhưng, trình độ đội ngũ GV giảng dạy mà nhiều trường đang hợp đồng, liệu có đảm bảo GV đạt kỹ năng phát âm chuẩn không?”. Vì “đa số GV dạy TA tự chọn chỉ cần đạt một chứng chỉ TA nào đó là có thể tham gia giảng dạy. Thật khó có được GV phát âm chuẩn và thống nhất”, cô Thúy Hà chia sẻ thêm.
Thực tế, để thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp ngành ngoại ngữ vào giảng dạy TA thì rất khó. Với mức lương 20.000-30.000 đồng/tiết thì hầu hết sinh viên khi ra trường không mặn mà tìm đến trường học, ngược lại họ đều nhắm đến các trung tâm hoặc các công ty làm việc. Tại đây, các trung tâm có thể trả cho họ mức lương từ 80.000-100.000 đồng/tiết. Xuất phát từ khó khăn này, nhiều trường đành chấp nhận chọn GV theo kiểu “tiền nào của đó” và cũng rất khó giữ chân GV được lâu.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục TH, Sở GD-ĐT cho biết: “Để quy định trình độ giảng dạy TA tự chọn cho GV thì khó làm xuể. Nhưng đối với các trường mở lớp TA tự chọn, đòi hỏi trình độ đội ngũ GV giảng dạy phải đạt những trình độ nhất định. Khi hợp đồng, nhà trường nên xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng trình độ của GV mà trung tâm đưa đến”.