Thứ ba, 29/11/2016, 20h54

Giáo viên tránh hành xử bạo lực

Những chuyện về giáo viên (GV) hành xử bạo lực ngay trên lớp học thực sự không chỉ là hình ảnh xấu mà còn vi phạm đạo đức nghề giáo. Ở Thanh Hóa, một GV nam đã đánh một nam sinh lớp 8A vì trong lúc chơi đùa với bạn, em này đã vô tình ném chai nước bằng nhựa từ tầng hai xuống sân trường, suýt trúng đầu GV đó. Dù em đã xin lỗi, nhưng vẫn bị thầy tát vào mặt; khi em che mặt thì bị đá vào bụng, cào cấu vào ngực; thậm chí, theo phản ánh của học sinh (HS), thầy giáo này còn dùng lời lẽ không chuẩn mực với em…

Hành xử bạo lực trong nhà trường của GV dù đối với ai, dù trong hoàn cảnh nào và dù hậu quả như thế nào cũng là điều không hay. Ở trường, GV phải thể hiện sự gương mẫu trong lời ăn tiếng nói, tác phong, sinh hoạt; đồng thời nhất quán thể hiện điều đó ở nơi khác, chứ không phải cố tạo ra một hình ảnh hoàn toàn khác khi vào trường, lên lớp. Khi còn ở trong trường, GV phải luôn thể hiện nghiêm túc mình là một người đứng đắn, gương mẫu. Các hành vi, lời nói, thái độ… có tính xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học là vi phạm Luật Giáo dục, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong một số trường hợp, hành xử không đúng chuẩn mực có thể vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo. Chẳng hạn, khoản 4 điều 5 của Quy định 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16-4-2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu: “Trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học”; khoản 4 điều 6 nêu: “Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác”...

Hành xử chuẩn mực của GV trong nhà trường là góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, gần gũi, văn minh, tích cực. Theo quan điểm đổi mới giáo dục thì chính điều này tạo điều kiện quan trọng để thực hiện việc lấy người học là trung tâm. Câu mà nhà trường vẫn thường nói đến là “thầy ra thầy, trò ra trò” tuy có mặt hạn chế nhất định nhưng vẫn xem là một điều cần hướng đến, bởi người thầy lẫn lộn với người khác hoặc không thể hiện được mình với tư cách một người thầy thì rõ ràng rất khó có thể đứng lớp hiệu quả. Không chỉ vậy, hành xử chuẩn mực của GV còn để làm gương cho HS trong việc hình thành những thói quen tốt và dần hoàn thiện nhân cách. Một GV hay sử dụng bạo lực (dù được cho là để giáo dục HS) thì liệu có thuyết phục được HS khi kêu gọi các em không được đánh nhau, không được xúc phạm bạn? Một GV chạy xe qua cổng trường dù có bảng “dắt bộ” thì liệu có thuyết phục được HS phải biết xuống xe, biết tuân thủ nội quy, kỷ luật của nhà trường? Một GV hay nói bỗ bã, văng tục liệu có thuyết phục được HS biết lễ phép với người lớn, lịch sự với bạn bè? Tức là, hành vi của người thầy trong nhà trường không chỉ còn là hành vi riêng của người thầy nữa mà có thể là một chỉ dấu để HS noi theo hoặc bắt chước, không chỉ ở nhà trường mà còn ra ngoài xã hội.

Việc sử dụng bạo lực dù dưới bất cứ hình thức nào, mục đích gì, với ai cũng là không nên, do đó phải rất cân nhắc đến hậu quả. Không chỉ vậy, để HS hạn chế có những hành vi bạo lực, bản thân GV phải hết sức tránh xử sự theo hình thức bạo lực, dù là bạo lực về thể xác hay tinh thần.

Nguyễn Minh Hải