Thứ ba, 29/11/2011, 22h11

Giáo viên yếu năng lực là còn nợ học sinh

Sáng 29/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ, khó khăn lớn nhất của đề án ngoại ngữ quốc gia là thiếu giáo viên có chất lượng và mỗi giáo viên phải nhận thức được rằng yếu về năng lực là còn nợ với học sinh.
- Sau 4 năm triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia, ông thấy hiện còn thách thức nào khiến việc dạy và học ngoại ngữ chưa đạt kết quả tốt?
- Khó khăn lớn nhất của đề án là thiếu giáo viên có chất lượng. Đây là vấn đề khó vì chúng ta chưa có sẵn nguồn lực lượng giảng dạy và cũng chưa đào tạo đội ngũ này. Giáo viên ngoại ngữ bậc tiểu học xuất phát từ những nguồn khác nhau, ngoài việc yếu về ngôn ngữ họ còn thiếu phương pháp dạy học.
Thêm vào đó, họ lại có thói quen dạy coi trọng ngữ pháp, mà theo đề án thì phải dạy theo hướng giao tiếp, coi trọng 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Khó khăn nữa là về thiết bị dạy học, cơ sở vật chất và chỉ khoảng 50% trẻ tiểu học được học 2 buổi một ngày, trong khi để thực hiện đề án thì phải học 2 buổi một ngày.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ có 8 trung tâm ngoại ngữ được xây dựng ở 8 vùng trên cả nước. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Khi đề án triển khai rộng trên cả nước, nhu cầu giáo viên ngoại ngữ càng lớn và bài toán giáo viên có chất lượng sẽ được giải quyết như thế nào?
- Khi đề án được phê duyệt, quy mô triển khai rất lớn, nhưng bắt đầu triển khai Bộ nhận thấy năng lực của giáo viên còn hạn chế rất nhiều. Giáo viên lại là yếu tố quyết định nhất đến chất lượng dạy học nên phải điều chỉnh đề án theo phương châm coi trọng chất lượng, không vì mức độ mở rộng mà hạ thấp.
Đây cũng là kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, nơi nào giải quyết được vấn đề giáo viên thì mới thành công. Chúng ta chủ trương nơi nào đủ điều kiện mới cho triển khai đề án, nơi nào chưa đủ thì tích cực chuẩn bị. Cụ thể, với khối tiểu học để thực hiện được thì học sinh phải học 2 buổi một ngày, giáo viên phải đạt trình độ ít nhất là B1 (mức độ thứ 3 - là thông lệ chung của thế giới).
Bộ GD&ĐT đang xây dựng 8 trung tâm dạy ngoại ngữ cho 8 vùng trên cả nước. Đó là những trường đại học, cao đẳng bồi dưỡng chất lượng giáo viên. Lớp bồi dưỡng chỉ tập trung giáo viên trong 1-2 tuần để hướng dẫn phương pháp tự học.
Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng trang web chung, miễn phí để giáo viên có thể vào học tập. Vấn đề quan trọng là mỗi giáo viên phải nhận thức được khi mình đang yếu về năng lực là mình còn nợ với học sinh, nợ với ngành giáo dục, từ đó phải coi trọng việc tự học.
- Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để khuyến khích, hỗ trợ giáo viên ngoại ngữ bồi dưỡng nâng cao năng lực, gắn bó với nghề?
- Điều kiện học ngoại ngữ chưa bao giờ dễ như bây giờ. Ngoài học trực tiếp, giáo viên còn có thể học qua phần mềm, học trên mạng. Khó khăn về lương là tình trạng chung của giáo viên tất cả các môn chứ không riêng gì ngoại ngữ.
Còn vấn đề biên chế là do các địa phương giải quyết. Khi học 2 buổi mỗi ngày thì mức biên chế rộng hơn. Ở những nơi học một buổi mỗi ngày, mức quy định là 1,2 giáo viên mỗi lớp thì nơi học 2 buổi là 1,5 giáo viên cho một lớp. Đã có chuẩn về năng lực nên người được tuyển phải đạt được chuẩn đó. Còn những người trót được nhận mà chưa đạt chuẩn thì phải cố gắng để đạt.
Đề án ngoại ngữ quốc gia từng bước thực hiện nâng cao năng lực ngoại ngữ từ học sinh tiểu học. Ảnh: HD.
- Trước những khó khăn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, ông nhận định thế nào về khả năng hoàn thành mục tiêu của đề án?
- Chúng ta sẽ cố gắng giải quyết các khó khăn chủ yếu trong giai đoạn đầu, từ nay đến năm 2015. Sau đó, khi các điều kiện đã được chuẩn bị đầy đủ thì sẽ tăng tốc về chất lượng, phạm vi đề án. Vì vậy, chúng ta có thể cơ bản đạt được các mục tiêu của đề án đã được phê duyệt, mặc dù cũng có thể phải điều chỉnh một số tiêu chí vì cái quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của đại sứ quán và các tổ chức quốc tế trong việc triển khai đề án này?
- Thời gian qua chúng ta đã có được sự hỗ trợ của các Đại sứ quán Anh, Mỹ, Nhật... và các tổ chức quốc tế. Chúng tôi đã giới thiệu cho họ nội dung cụ thể của đề án này bởi trước đó nhiều quốc gia băn khoăn rằng đề án chỉ được triển khai ở môn tiếng Anh. Nhưng thực tế các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Nga, Nhật... vẫn đang được giảng dạy.
Các đại sứ quán và tổ chức quốc tế sẽ giúp chúng ta rất nhiều về việc triển khai môn ngoại ngữ mới như Nhật, Pháp... Họ hỗ trợ các điều kiện như giáo viên, biên soạn sách giáo khoa, phương pháp dạy học. Ngoài ra, ta sẽ tranh thủ được kinh nghiệm viết sách, chương trình dạy cũng như việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Được triển khai từ năm 2008, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng) dự kiến năm 2020 sẽ giúp đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá.
Sau 4 năm triển khai, 3.000 giáo viên bắt đầu tập trung học nâng cao trình độ về ngôn ngữ và năng lực sư phạm tiếng Anh, xây dựng giáo trình dạy tiếng Anh cho các trường tiểu học và THCS. Quan điểm của Bộ là coi trọng chất lượng đầu ra và trình độ ngoại ngữ của học sinh, lấy khung năng lực châu Âu làm chuẩn.
Trong hội nghị triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân sáng 19/10, nhiều giám đốc Sở đã nhận định đa số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn, nói tiếng Anh bằng giọng Việt hay còn kém chuẩn 3, 4 bậc...
Theo Hoàng Thùy
(vnexpress)