Chủ nhật, 27/6/2010, 08h06

Giày cao gót làm vẹo ngón chân

Nếu đi giày cao gót quá nhiều, thời gian quá lâu, trên những đôi giày quá chật hoặc quá cứng, có thể dẫn đến hai chứng bệnh và phải phẫu thuật để điều trị.

TS Ngô Văn Toàn, trưởng khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức), cho biết gần đây ông đã phải phẫu thuật điều trị cho một số bệnh nhân là phụ nữ, tất cả đều trên 40 tuổi, đều có tiền sử đi giày cao gót lâu năm.

Hội chứng giày cao gót
“Giày cao gót rất thời trang, nhưng hai biến chứng có thể gặp là vẹo trục ngón một bàn chân gây đau, tạo miếng chai lồi mất thẩm mỹ hoặc cân của gan bàn chân bị căng giãn quá mức cũng gây đau. Bệnh này đã xuất hiện nhiều ở châu Âu, châu Mỹ do phụ nữ nơi đây có thời gian sử dụng giày cao gót kéo dài, nhưng gần đây đã có những bệnh nhân như vậy ở VN” - TS Toàn cho biết.
Theo ông Toàn, khi đi giày mũi nhọn, mũi giày thường có xu thế ôm chân, ngón cái hướng vẹo vào trong. Khi thời gian đi giày mũi nhọn nhiều, kéo dài, giày không phù hợp, chủ nhân các đôi giày cao gót có thể gặp một biến chứng là ngón chân cái bị biến dạng, vẹo tới mức ngón chân cái chồng lên trên ngón chân thứ hai, trong y khoa gọi biểu hiện này là biến dạng diện khớp của bàn ngón. Các biểu hiện kèm theo là dây chằng biến dạng, diện xương biến dạng, gân cơ lệch trục và gây đau cho người bệnh.
“Mất thẩm mỹ là một chuyện, nhưng đau đến mức không đi được giày cao gót, thậm chí không đi bộ được vì chân bị mất cân bằng” - TS Toàn nói. Theo ông Toàn, phần ngón chân bị lệch trục, biến dạng khiến chân mất tư thế vững, bởi khi đứng thì phần trụ chính là phần ngón chân cái, không ai trụ phần ngón chân út. Phần xương bị lệch trục lồi ra sẽ chèn ép vào các dây thần kinh ngay dưới da, ảnh hưởng các tư thế đi chân đất, đi bộ...
“Khi đứng bình thường thì sức nâng của cổ bàn chân chỉ phải chịu một lần trọng lượng cơ thể, nhưng khi đi nhanh thì khớp cổ bàn chân phải chịu trọng lượng gấp 3 lần cơ thể, khi chạy phải chịu gấp 5 lần. Khi đi giày cao gót chị em đã bắt chân luôn chạy bước nhỏ, ở một tư thế và tì đè vào ngón chân cái là chính” - TS Toàn nói.
Có trường hợp phải mổ
Theo TS Toàn, với bệnh lý giày cao gót, các trường hợp diện khớp của ngón cái đã biến dạng nhiều, thậm chí ở mức ngón chân cái chồng lên ngón thứ hai thì phải chỉ định phẫu thuật.
Các bác sĩ sẽ mở phần bị biến dạng, chỉnh lại xương, làm lại dây chằng, một số trường hợp phải sửa lại xương và đóng đinh, bắt vít các phần bị lệch, cân bằng diện khớp như vốn có. Sau mổ chỉnh hình, bệnh nhân sẽ phải tập phục hồi chức năng.
Bên cạnh tình trạng vẹo trục ngón một bàn chân, chị em mê giày cao gót, nhất là các trường hợp đi giày cao gót nhiều năm, có thể gặp tình trạng đau ở gót chân. TS Toàn cho biết tình trạng này thường thấy ở phụ nữ đã đi giày cao gót nhiều năm, lứa tuổi 50 trở lên. Khi thấy bệnh nhân kêu đau ở gót chân và được chụp chiếu chẩn đoán, có trường hợp bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị gai gót chân.
“Trong trường hợp này, có thể bệnh nhân bị căng giãn quá mức ở cân của gan chân, phần cân gan chân được nuôi dưỡng kém. Những trường hợp này phải tập vật lý trị liệu, xoa bóp, có khi phải sử dụng cả thuốc giảm đau” - TS Toàn hướng dẫn.
Phàm là phụ nữ thì ai cũng mê thời trang, hiện nay phần lớn chị em phụ nữ ở thành phố, thị xã, thị tứ đều có giày gót cao. Giày làm phụ nữ đẹp hơn nhiều. Chưa kể phụ nữ VN vốn có chiều cao vừa phải và các chị cũng muốn “ăn gian” thêm một chút cho xinh hơn. Nhưng hướng dẫn của thầy thuốc là không đi giày quá cao, mũi quá nhọn và nếu được nên hạn chế đến mức thấp nhất những lúc phải đi giày cao gót, nếu không muốn gặp loại bệnh lạ lùng là bệnh lý giày cao gót.
Lan Anh
Theo Tuổi trẻ