Thứ bảy, 3/12/2016, 19h22

Giờ sinh hoạt dưới cờ sinh động

Không còn gò bó trong những nghi thức trang trọng, thông báo tình hình thi đua giữa các khối lớp, hay “nêu gương” những học sinh chưa ngoan…, các tiết sinh hoạt dưới cờ (giờ chào cờ đầu tuần) gần đây của Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) trở nên gần gũi, học sinh thấy hào hứng hơn nhờ những... cải tiến mới.

Các em học sinh tiếp tục trao đổi với thầy Huỳnh Thanh Phú về chuyên đề “Sống thật” sau giờ chào cờ

Lắng mình với chuyên đề “Sống thật”

Giờ chào cờ đầu tuần qua, ngay sau phần nghi thức chào cờ, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) đã triển khai ngay chuyên đề “Sống thật” - một đề tài rất gần gũi với tất cả học sinh hiện nay. Hầu hết thời gian giờ chào cờ hôm ấy, thầy hiệu trưởng giữ vai trò chủ đạo, nhưng thay vì chăm chú vào phê phán học sinh chưa ngoan, sống “ảo” trên mạng xã hội khiến các em cảm thấy nặng nề thì thầy Phú lại dẫn dắt các em bằng những câu chuyện mang tính thời sự, những câu thơ lay động lòng người, hay ngâm thơ khiến học sinh thích thú.

Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ chuyên đề “Sống thật” với các em học sinh trong giờ chào cờ tuần qua

Thầy Phú thông tin: “Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, mỗi giây có khoảng 2 người chết, chúng ta có mặt ngày hôm nay hạnh phúc hơn rất nhiều người. Ngày hôm nay chúng ta không trải qua chiến tranh thì hạnh phúc hơn 1 tỷ người. Ngày hôm nay chúng ta có cơm ăn, áo mặc, có cuộc sống bình yên thì chúng ta hạnh phúc hơn 70% người có mặt trên trái đất… Những gì chúng ta đang có, chúng ta phải sống trọn vẹn. Các em đến trường thì việc của hôm nay phải giải quyết cho xong, đừng đùn đẩy việc học cho ngày mai, ngày kia…, bởi vì kiến thức ngày càng bị hổng thì các em lại càng gặp nhiều khó khăn”.

Sau những thông tin khiến không ít học sinh giật mình suy ngẫm, thầy Phú đi ngay vào vấn đề trọng tâm: Giữa “sống thật” và “sống ảo” thật mong manh, nếu lười biếng thì cuộc sống của các em dễ lâm vào… “sống ảo”. Thầy đưa ra dẫn chứng: “Nếu các em thực sự cố gắng trong học tập, sử dụng kiến thức của mình để làm bài đạt điểm cao thì hạnh phúc trọn vẹn sẽ đến với các em. Còn nếu điểm số của các em đến bằng sự vay mượn kiến thức của người khác thì các em có hạnh phúc không hay chỉ là “lối sống ảo”, sống thiếu trung thực”.

Cùng với việc học tập, một thực trạng đáng buồn của giới trẻ hiện nay nữa là nhiều em lao vào mạng xã hội cả ngày cả đêm, “giết” thời gian bằng những trò vô bổ thay vì học hỏi những điều hay từ những hữu dụng của công nghệ này. “Nhiều em phí phạm thời gian như nuôi gà, trồng rau, làm vườn trên… facebook để làm “anh hùng bàn phím”. Phí phạm thời gian như vậy thật là vô ích, hàng trăm hàng ngàn lượt “like” có biến thành tiền được không?, có biến thành vaccine để chữa bệnh cho trẻ bị ung thư được không?, có trở thành mái ấm cho những người già neo đơn được không?”, thầy Phú băn khoăn. Những câu hỏi ấy khiến không ít học sinh sững sờ nhìn nhận lại bản thân xem “có hình bóng của mình thấp thoáng trong đó không”.

Rồi rất nhiều dẫn chứng, nhiều câu chuyện xúc động nữa được thầy Phú kể ra trong giờ chào cờ nhưng là những bài học thiết thực cho học sinh, giúp các em cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn.

Hào hứng với nhiều tiết mục bổ ích

Học sinh chăm chú lắng nghe những câu chuyện xúc động

Cùng với việc thực hiện các chuyên đề, giờ chào cờ của học sinh Trường THPT Nguyễn Du còn có nhiều hoạt động sinh động khác tạo ra một sân chơi thú vị, bổ ích.

Em Nguyễn Thị Minh Nguyệt (học lớp 11B4) phấn khởi nói: “Những giờ chào cờ đầu tuần trước đây chúng em thường lắng nghe các thầy cô tổng kết các hoạt động khen thưởng, thi đua trong tuần, phổ biến những hoạt động của tuần tới… Tuy nhiên, những tháng gần đây các giờ chào cờ có nhiều thay đổi làm chúng em thích thú hơn”.

Nói về sức hấp dẫn của những giờ chào cờ, em Trịnh Huỳnh Hoa (học lớp 11B7) chia sẻ: “Em cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn, học hỏi được nhiều điều hơn. Có giờ chào cờ chúng em thực hiện chuyên đề gắn liền với các thông tin thời sự; có giờ lại rất hào hứng, sôi nổi bởi các hoạt động văn hóa văn nghệ… Vì vậy chúng em không còn cảm thấy nhàm chán mà ngược lại là rất hứng thú”.

Quả thật, nếu những giờ chào cờ đầu cứ rập khuôn, máy móc theo từng nghi thức thì sẽ khiến học sinh mệt mỏi, chán nản, thậm chí có không ít học sinh trốn tiết. “Sinh hoạt dưới cờ chúng tôi không cho tổng kết tuần như ngày xưa nữa mà thường là Đoàn Thanh niên múa hát để giảm bớt căng thẳng cho học sinh hoặc là thực hiện các chuyên đề, có lúc chỉ là những câu chuyện hay mà thầy cô nắm bắt được để kể cho các em nghe…”, thầy Phú chia sẻ.

Dương Bình