Thứ sáu, 26/3/2010, 08h03

Giờ Trái đất 2010: Hành động nhỏ cho sự thay đổi lớn

Hàng trăm người dân Việt Nam sẽ tham gia tắt những thiết bị chiếu sáng không cần thiết để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra từng ngày vào đêm 27-3-2010.
Được bắt đầu từ Thành phố Sydney (Úc) vào năm 2007, sự kiện Giờ Trái đất (Earth hour) ngày càng nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người, hàng nghìn doanh nghiệp tại các quốc gia trên thế giới. Sự kiện Giờ Trái đất năm 2009 đã thu hút được hơn 1 tỷ người tại 4.013 thành phố, thị trấn… Sự kiện Giờ Trái đất lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2009 với sự tham gia của 6 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Huế, Hội An, Nha Trang, Cần Thơ. Sự kiện 1 giờ tắt điện này đã tiết kiệm cho nước ta 140.000 KW điện năng, tương đương với 132 triệu đồng (7.500 USD). Theo trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, sự kiện Giờ Trái đất năm nay sẽ góp phần tiết kiệm được 900.000 KW điện năng cho TP.HCM. Đây quả là con số hết sức ý nghĩa đối với thành phố tiêu thụ hết 18-20% năng lượng điện của cả nước.
Đêm 27-3, sự kiện Giờ Trái đất sẽ được Việt Nam tiến hành tại điểm chính là Nhà hát lớn TP.HCM với biểu tượng tắt điện của các điểm: UBND Thành phố, bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, hồ Con Rùa. Cùng thời điểm này, 19 tỉnh thành trên cả nước cũng sẽ chìm trong “bữa tiệc nến” lung linh, huyền ảo.
Tuy nhiên, sự kiện tắt điện trong 1 giờ (20h30 - 21h30) cũng dễ khiến nhiều người hiểu nhầm. Nhiều người dân cho rằng đến ngày giờ đó, toàn thành phố sẽ buộc phải cúp điện để tham gia chương trình tiết kiệm điện năng. Thực ra, việc tắt điện vào Giờ Trái đất là hành động tự nguyện bắt nguồn từ ý thức bảo vệ môi trường, ý thức ngăn chặn sự BĐKH của mỗi người trên thế giới. “Sự kiện Giờ Trái đất không phải là lời kêu gọi mọi người trên thế giới tham gia chiến dịch tiết kiệm điện. Đó chỉ là biểu tượng chứng minh rằng mỗi cá nhân chúng ta nếu hợp tác cùng nhau sẽ tạo nên thay đổi lớn trong việc chống hiện tượng BĐKH. Những gì chúng ta gánh chịu hôm nay là hậu quả của quá trình khai thác, sử dụng không hợp lý của 20 - 30 năm về trước. Và những gì chúng ta làm hôm nay là để có sự thay đổi cho 20 năm sau. Bên cạnh việc tắt điện, mỗi chúng ta chỉ bằng những hành động rất nhỏ cũng góp phần ngăn chặn những thảm họa về môi trường, khí hậu cho thế hệ sau”, chị Hoàng Thị Minh Hồng, người hai lần đặt chân thám hiểm Nam cực cho chiến dịch bảo vệ môi trường, phân tích. Bằng những hành động rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, mỗi quyết định của chúng ta, từ người nông dân đến chính trị gia đều có thể tác động đến cả thế giới.
Tường Vy