Thứ ba, 15/7/2014, 22h07

Giới trẻ tìm đến nhạc cổ điển

Giới trẻ tìm đến những chương trình âm nhạc cổ điển với thái độ trân trọng, lịch sự
Thời gian gần đây, nhạc cổ điển đã dần thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Họ đến với các chương trình biểu diễn nhạc cổ điển không chỉ để giải trí mà còn trau dồi thêm kiến thức về dòng nhạc này thông qua những cuộc nói chuyện, diễn giải sôi nổi, hài hước.
Biểu diễn kết hợp diễn giải
Hiện nay, nhạc cổ điển đã được đông đảo giới trẻ đón nhận, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Sau ba năm kể từ ngày ra đời, chương trình Giai điệu trẻ - một chương trình nghệ thuật giao hưởng - nhạc kịch và vũ kịch dành cho giới trẻ TP.HCM, do Thành đoàn TP.HCM và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) phối hợp tổ chức đã dần khẳng định được sức hút khi có một lượng khán giả trẻ ngày càng đông đảo. Cứ 20 giờ ngày 29 hàng tháng, có mặt tại Nhà hát TP xem chương trình mới cảm nhận được sự hùng hậu của lực lượng này. Dù là chương trình nghệ thuật miễn phí nhưng Ban tổ chức luôn đặt tiêu chí nghệ thuật lên hàng đầu nhằm tạo cơ hội cho giới trẻ tiếp xúc với nhạc cổ điển.
Niềm vui thể hiện rõ trên gương mặt nghệ sĩ khi nhiều bạn trẻ đặt những câu hỏi, thắc mắc về nhạc cổ điển gửi lên sân khấu cho các nghệ sĩ sau khi chương trình vừa kết thúc. Chính không khí gần gũi này đã tạo sự hào hứng, thú vị cho giới trẻ. Bạn Lê Thành Đạt (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết: “Trước đây mình chủ yếu nghe thể loại nhạc Rock, Pop nhưng khi đi theo người bạn tham dự một đêm nhạc Giai điệu trẻ với chủ đề về nhạc thính phòng, mình đã thực sự bị cuốn hút. Nhạc cổ điển không hề chán như mình từng nghĩ”.
Nhằm tạo sân chơi cho giới trẻ yêu nhạc cổ điển, Nhạc viện TP.HCM cũng đang triển khai chương trình hòa nhạc hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên với phương cách thuyết trình, diễn giải, trình chiếu kết hợp với biểu diễn để giúp khán giả có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Nhiều bạn đã kết hợp với nhau thành lập các nhóm nhỏ để tạo ra sân chơi cho những người yêu nhạc cổ điển được biểu diễn và thưởng thức. Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn là một trong những nhóm có nhiều hoạt động để lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc cổ điển tại TP.HCM.
Bạn Nguyễn Võ Lâm, phụ trách Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn chia sẻ: “Nhóm thường tổ chức các buổi biểu diễn chuyên đề có thuyết trình, diễn giải để người nghe hiểu rõ hơn về tác phẩm cũng như các thông tin liên quan về tác giả, bối cảnh lịch sử... Trước đây, nhóm làm các chương trình chỉ có phần thuyết trình, trao đổi nhưng các thành viên đều nhận thấy cách tổ chức như vậy thiếu sự thu hút nên sau đó đưa phần này vào trong các chương trình biểu diễn chuyên đề”. Hiện nay, nhóm có những chương trình cố định hàng quý, và một số chương trình không nằm trong kế hoạch. “Thông tin về chương trình At Grand Theater With Mozart vừa được đăng trên mạng thì chỉ khoảng 4 tiếng sau đó nhóm đã chốt danh sách với trên 250 người đăng ký” - một thành viên của nhóm vui vẻ kể.
Một tín hiệu vui
Hiểu biết về nhạc cổ điển không còn giới hạn trong các sinh viên Nhạc viện mà đã lan tỏa rộng đến nhiều bạn trẻ. Nhạc cổ điển cũng không còn bó hẹp trong phạm vi cố định của nhà hát mà đã lan tỏa đến đường phố hay những không gian nhỏ, thân thiện, tạo sự gần gũi, sẻ chia giữa người biểu diễn và người thưởng thức.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó phòng Tổ chức biểu diễn, phụ trách truyền thông của HBSO cho biết: “Những chương trình đầu tiên của Giai điệu trẻ rất thưa vắng người nghe nhưng đến nay, tình trạng “cháy” vé thường diễn ra sau khi có thông báo của Ban tổ chức chỉ vỏn vẹn trong vài ngày. Điều đáng mừng là giới trẻ đã dành nhiều sự quan tâm đến nhạc cổ điển”. HBSO cũng đã nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới, tìm hướng đi để chương trình Giai điệu trẻ không gây cảm giác nhàm chán cho khán giả. Các nghệ sĩ của HBSO đã làm mới những tác phẩm cổ điển bằng sự pha trộn với phong cách nhạc Rock và được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt.
Có thể nói đây là một tín hiệu vui khi điều kiện tiếp xúc với âm nhạc cổ điển trong giới trẻ không còn hạn chế. Sự phát triển của mạng xã hội và sự tiếp cận với các nguồn tư liệu phong phú trên internet đã góp phần không nhỏ trong việc giúp giới trẻ đón nhận nhạc cổ điển được thuận lợi hơn rất nhiều.
Trẻ hóa đối tượng thưởng thức nhạc cổ điển là điều hết sức cần thiết trong nhịp sống đô thị hiện nay. Thiết nghĩ, cần tạo nhiều sân chơi cho giới trẻ được giao lưu, học hỏi và quan trọng hơn cả là giúp các bạn trẻ có cơ hội được đứng trên sân khấu và truyền tải niềm đam mê nhạc cổ điển của mình đến với người thưởng thức.
Bài, ảnh: Yên Hà
Luôn trong tình trạng “cháy” vé
Các chương trình nhạc cổ điển luôn trong tình trạng “cháy” vé. Điều đó cho thấy được sự mong chờ của giới trẻ khi họ muốn hướng đến một cách tiếp cận nhạc cổ điển gần gũi. Cũng chính từ các đêm nhạc này đã tạo cơ hội cho các bạn trẻ yêu nhạc cổ điển có cơ hội giao lưu, thể hiện niềm đam mê âm nhạc của mình.