Thứ ba, 27/9/2016, 22h26

Giới trẻ và câu chuyện khởi nghiệp

Khởi nghiệp - không phải là từ ngữ quá xa lạ vì hôm nay nó đã trở thành nhiệm vụ, khát khao và hoài bão… Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu đúng về từ khởi nghiệp này. Điều quan trọng nhất cần nhận ra là hãy khởi nghiệp bằng chính mình thay vì trông chờ vào điều kỳ diệu.

Sản phẩm khởi nghiệp giày vẽ tay nghệ thuật tham gia chương trình Khởi nghiệp 

Giới trẻ - Thay đổi tư duy để thành công

Không ít bạn trẻ sau khi tốt nghiệp có xu hướng chờ việc làm, hiện tại cơ quan bố mẹ đang tổ chức lại nhân sự, con ở nhà chờ thêm một thời gian nữa rồi sẽ được sắp xếp đâu vào đấy… rất nhiều người trẻ chờ việc trong mỏi mòn. Sao lại chờ việc? Sao không tự mình đi tìm một công việc để làm, nếu cứ thụ động chờ công việc tới thì sẽ không bao giờ tìm được công việc như mong muốn, không những thế, sức ỳ tâm lý của các bạn ngày một tăng lên, làm cho người trẻ trở nên thụ động và lười biếng.

Nếu muốn khởi nghiệp, muốn có công việc thành công phải bước ra ngoài, chủ động làm mọi công việc, thậm chí ngay đã có việc trong tay cũng chủ động tự xây dựng kế hoạch để không chỉ dừng lại ở mức hoàn thành công việc mà còn phát triển, nâng tầm giá trị công việc lên. Kinh tế phát triển, thị trường mở cửa, đồng nghĩa với điều đó là thị trường lao động cũng được mở ra, luôn có những công việc cho các người trẻ thử sức và làm việc, nhưng giới trẻ phải thực sự năng động thì mới nắm bắt được cơ hội đến.

Thay vì chờ việc thì tạo ra công việc

Không ít bạn trẻ đi làm được dăm bữa nửa tháng xin nghỉ, hỏi ra thì các bạn nói công việc chán, lên văn phòng công ty ngồi từ sáng đến chiều về như một bình hoa di động, ngồi riết chỉ thấy mỡ bụng tích lại chứ không được gì nên quyết định xin nghỉ. Mọi thứ đều thuộc về nguyên nhân khách quan chăng? Không, đã đến thời điểm thay vì chờ việc được giao thì chính giới trẻ phải tạo ra công việc. Một khi doanh nghiệp đã tuyển bạn vào ắt hẳn đã có ý đồ từ trước, chẳng doanh nghiệp nào đi tuyển nhân viên suốt ngày ngồi nhìn thế giới xung quanh thay đổi. Vậy nên, quan trọng là óc quan sát của các bạn, để biết công việc này đang thiếu người, văn bản kia vừa gửi tới đang cần dịch, hợp đồng cần được soạn thảo… nhìn người đi trước làm việc để làm bài học cho bản thân, thay vì im lặng thì giao tiếp với mọi người, bạn phải làm, phải hành động thì người khác mới đánh giá năng lực bạn đến đâu từ đó tin tưởng giao việc cho bạn làm. Có thể ngay từ đầu không quen, nhưng từ từ sẽ hoàn chỉnh hơn, thay vì ngồi nhìn thế giới thay đổi thì điều đầu tiên là thay đổi chính mình, cứ làm ốc sên mãi sao được!

Người trẻ, biết mình đang ở nơi đâu

Khởi nghiệp, nghề nghiệp và phát triển bản thân không bao giờ là đơn giản, cùng tốt nghiệp một trường đại học, nhưng sau năm bảy năm có người thành công, có kẻ thất bại, người làm chủ, người làm công. Quan trọng là bạn trẻ phải biết mình đang ở đâu, có năng lực, kỹ năng mình như thế nào để định hướng phát triển.

Không còn là của ngày xưa, bạn chỉ cần lo học, mọi thứ đều được gia đình thu xếp, cũng không còn việc bạn cứ lo học và ra trường đã có một chân đâu đó, chỉ cần có bằng là vào làm và cũng không nên nuôi suy nghĩ nhất nhất phải tìm được việc đúng chuyên ngành. Quy luật của phát triển, nếu bạn không tiến lên ắt hẳn sẽ lùi lại, nếu bạn không tìm được việc đúng chuyên ngành có thể linh động tìm việc khác trong quá trình tìm kiếm cơ hội, việc gì cũng xứng đáng, quan trọng là làm bằng năng lực của chính mình. 

Tư duy tích cực

Một trong yếu tố giúp các bạn trẻ thích ứng được với những môi trường khác nhau, chủ động trong công việc và khởi nghiệp thành công là tư duy tích cực, trước mọi khó khăn, thử thách luôn nhìn ra điểm tích cực của vấn đề, không rơi vào bi quan và chán nản, nếu bước đầu của công việc không thuận buồm xuôi gió thì coi như đó là một cơ hội để trải nghiệm, một bài học để về sau có thể làm tốt hơn. Nếu có gặp phải những người tính tình kì lạ thì tự rèn luyện kỹ năng giao tiếp, biết nhận ra trong cuộc sống này không ai giống ai, quan trọng nhất vẫn là bản thân mình luôn sống có nhân cách và giữ được sự tử tế.

Dù bất kì ở thời đại nào thì chính mỗi người sẽ làm chủ vận mệnh bản thân, chọn được nghề nghiệp phù hợp giống như tìm được một người bạn đời tâm đầu ý hợp, vì nó sẽ gắn bó suốt đời. Một điều nữa vô cùng quan trọng là nghề nghiệp không tạo nên con người mà chính con người sẽ làm cho nghề nghiệp đó trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Người trẻ, cho dù làm bất kì công việc gì, nếu bạn làm bằng cả trái tim, nhiệt huyết và cống hiến hết mình thì bạn sẽ nhận về được kết quả xứng đáng. Khi người trẻ sẵn sàng bước ra bên ngoài, chủ động trước sự thay đổi của thế giới thì bạn luôn có cơ hội để thành công, vì mọi cơ hội đều được chia đều. Có lẽ, đã đến lúc cần thay đổi chính mình và chinh phục những con đường của tuổi trẻ phải không nào!

Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Thảo