Thứ ba, 6/2/2018, 20h56

Giữ ánh sáng cho HS tiểu học

Mất hơn ba tháng với những buổi trưa không về nhà, với những đêm thiếu ngủ và những ngày nghỉ vẫn lọ mọ đến trường…, để rồi thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm và cô Trương Thị Hồng Ngọc cùng 87 học sinh (HS) Trường THPT Ten lơ man đã làm nên điều kỳ diệu là góp phần gìn giữ ánh sáng đôi mắt cho HS tiểu học khi thực hiện đề tài “You can see - Đèn đỏ, bỏ sách”.

Thầy trò Trường THPT Ten-lơ-man hướng dẫn cách sử dụng gậy ánh sáng cho một giáo viên trong trường

Hiện thực hóa những kiến thức khô khan

Xuất phát từ thực tế HS ít quan tâm đến sức khỏe của mắt, thiếu kiến thức về cách bảo vệ mắt dẫn đến tỷ lệ cận thị học đường ngày càng tăng, thầy Lãm đã nảy sinh ý tưởng thực hiện một dự án để giúp các em hiểu rõ hơn về đôi mắt, từ đó có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ mắt của mình. Dự án được thực hiện từ tháng 9-2017 đến tháng 1-2018 với sự tham gia của 87 HS nhiều lớp. Các em được chia thành 4 nhóm thực hiện những nhiệm vụ khác nhau: một nhóm khảo sát thực trạng và nguyên nhân của cận thị học đường ở HS các cấp, mẹo hỗ trợ người cận thị trong cuộc sống; một nhóm tìm hiểu những biện pháp đã được áp dụng khắc phục dị tật trong học đường và nghiên cứu thiết kế kiểu dáng, kích thước, vật liệu chế tạo thanh ngang hạn chế cận thị; một nhóm tìm hiểu kỹ năng giao tiếp, bảng chữ nổi của người cận thị, đồng thời thiết kế kiểu dáng, cấu tạo mạch cho gậy ánh sáng hỗ trợ người khiếm thị khi đi ngoài đường; nhóm còn lại quay phim, chụp hình, thu âm, lồng tiếng… để dựng phim về các hoạt động trong quá trình thực hiện dự án. Để hoàn thành những mục tiêu đề ra ban đầu, cả thầy và trò đã mất nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm vật lý, phòng lab, khảo sát thực tế ở nhiều địa điểm, nhiều đối tượng... Và rồi hàng loạt sản phẩm ra đời đánh dấu sự thành công của dự án. Sản phẩm đầu tiên là “Thanh ngang hạn chế cận thị” của nhóm 2, được thiết kế với… 4 phiên bản gồm ống nhựa, nhựa trong, gỗ và inox để ngăn HS không cúi đầu quá thấp khi viết. Đặc biệt, thanh ngang này có thể nâng lên, hạ xuống, tháo ráp và điều chỉnh dễ dàng trên bàn học. Đi kèm với thanh ngang là mạch cảm biến ánh sáng với tên gọi “đèn đỏ, bỏ sách”. Theo một kết quả nghiên cứu, khi cường độ ánh sáng hơn 300 lux mới đảm bảo cho việc học, còn dưới 300 lux sẽ không tốt cho mắt, gây ảnh hưởng đến thị giác. Lúc này, mạch cảm biến sẽ hiện lên màu đỏ báo động người dùng nên thay đổi cho ngồi hoặc tăng cường ánh sáng để tránh gây hại cho mắt.

Song song với việc chế tạo mạch cảm biến, nhóm HS cũng nghiên cứu thiết kế “gậy ánh sáng” cho người khiếm thị với tiêu chí đẹp, gọn và tiện dụng. Gậy có hai chức năng: khi bấm công tắc sẽ sáng đèn, còi hú để tạo sự chú ý cho người đi đường, đồng thời khi phát hiện vật cản phía trước thì bộ phận cảm biến siêu âm sẽ rung lên, báo cho người dùng nguy hiểm phía trước để tránh.

Không chỉ nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm, nhóm cũng thực hiện các buổi tuyên truyền nhằm giúp các bạn HS nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ mắt. Buổi sinh hoạt ngoại khóa “Your light - your life” được tổ chức tại sân Trường THPT Ten lơ man với sự tham gia của HS Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu không chỉ nhắc nhở các em về việc giữ gìn đôi mắt, mà còn thức tỉnh các em về ý thức, nghị lực vươn lên ở mỗi người, dù ở trong hoàn cảnh mịt mù nhất.

Thầy là người truyền cảm hứng

Chia sẻ tại buổi báo cáo dự án, em Trần Nguyễn Phát Lộc (lớp 11A1) xúc động cho biết: “Trước khi bắt đầu dự án này, em và một số bạn đã sợ thất bại vì mọi việc ban đầu rất khó khăn, các bạn trong nhóm lại chưa thật sự đoàn kết. Thế nhưng, sau thời gian thực hiện, chúng em đã biết giảm bớt “cái tôi” lại, đoàn kết để cùng nhau tìm ra hướng giải quyết. Em rất thương thầy Lãm và cô Ngọc đã vì chúng em mà miệt mài suốt những buổi trưa để nghiên cứu sản phẩm, cùng chúng em rong ruổi khắp nơi để gặp gỡ người khiếm thính; và khi sản phẩm chưa hoàn thiện như ý muốn lại đau đáu cùng chúng em tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao, chưa được ở chỗ nào, và cách nào để khắc phục. Chính thầy cô là người truyền cảm hứng cho chúng em”.

Các em học sinh chế tạo hộp cảm biến
Khi chế tạo ra “Thanh ngang hạn chế cận thị”, nhóm thực hiện dự án đã chủ động liên hệ với Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1) để lắp đặt, giúp các em HS có tư thế ngồi đúng khi học bài. Ngoài ra, nhóm cũng gửi tặng gậy ánh sáng cho nhiều người khiếm thị mưu sinh trên đường phố. Hiện nhóm tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm hộp cảm biến ánh sáng “đèn đỏ, bỏ sách” trước khi thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.

Nói với HS của mình, thầy Lãm cũng thú nhận: “Khi mới bắt đầu dự án, thầy là người băn khoăn về tính khả thi của dự án. Có lúc sản phẩm tưởng như đã hoàn thiện, nhưng khi tiếp xúc với những người khiếm thị lại nhận ra sản phẩm còn thiếu sót rất nhiều. Vậy là thầy trò lại mày mò tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách khắc phục”.

Trong buổi giới thiệu về dự án, thầy Lãm và cô Ngọc đã lùi ra phía sau sân khấu, chấp nhận xem mình như một khách mời để các em có “đất diễn”, được đóng tròn vai người tổ chức sự kiện của chính mình. “Sau dự án này, thầy tin là các em sẽ học được thêm nhiều điều bổ ích cho bản thân. Thầy chưa phải là người giỏi nhất, nhưng thầy mạnh dạn là miếng ghép đầu tiên để các em hoàn chỉnh bức tranh của mình. Chính những vết cắt, những vết hàn bỏng tay những ngày vừa qua sẽ cho các em có thêm niềm tin và nghị lực để chinh phục cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0 sắp tới”, thầy Lãm khẳng định.

Ngọc Anh