Thứ bảy, 1/4/2017, 22h52

Giúp con giải tỏa những vấn đề tâm lý

Hiện nay, do những áp lực từ nhiều phía, càng nhiều đứa trẻ gặp vấn đề tâm lý như căng thẳng, khủng hoảng, rối nhiễu, mất ngủ… thậm chí là trầm cảm. Một trong những nguyên nhân đó chính là do áp lực quá lớn từ việc học tập. Để giúp trẻ giải tỏa những vấn đề ức chế tâm lý, cha mẹ cần chú ý đến phương pháp giáo dục và cách tác động đến con mình sao cho hiệu quả.

Cha mẹ nên thường xuyên gần gũi, lắng nghe và giúp trẻ giảm bớt những áp lực (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

1.Hà Loan (Bình Thạnh, TP.HCM) năm nay học lớp 1. Do kết quả làm bài thi học kỳ I còn thấp, chưa được như mong muốn nên cô bé luôn cảm thấy buồn bã, tự ti. Đến mức đi ngủ mà em còn nói mê sảng rằng: “Con sẽ được điểm 10, cha mẹ hãy tin con!”. Gia đình bé Hà Loan luôn nhắc nhở con gái: “Con phải cố gắng hết sức để đạt học sinh giỏi năm nay nhé!”. Hằng ngày, cứ đón con đi học về thì câu cửa miệng của cha mẹ là “Hôm nay cô giáo có khen con không? Cô ra bài tập con có xung phong lên trước lớp để làm không?”… Điều này đã gây nên áp lực tâm lý cực lớn trong đời sống tinh thần của đứa trẻ. Do đó, mỗi khi cô giáo nhận xét chưa tốt về bài tập toán hoặc bài tập tiếng Việt là Hà Loan rất lo lắng, ánh mắt u buồn, ăn ngủ không ngon. Cha mẹ Hà Loan đã tìm cách trò chuyện, mong lấy lại tinh thần phấn chấn cho bé, nhưng đâu vẫn lại đó. Bé vẫn luôn căng thẳng và không muốn nói chuyện học tập với bất kỳ ai.

Việc giáo dục trẻ là một quá trình lâu dài, không thể một sớm một chiều có thể gặt hái được kết quả. Cha mẹ cần kiên nhẫn thực hiện từng bước một. Trong đó, trình độ nhận thức, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng giao tiếp trong xã hội, năng lực xử lý các tình huống thực tế… đều được rèn luyện và bồi dưỡng trong một thời gian dài. Giáo dục gia đình là một môn nghệ thuật, cha mẹ vừa là người đạo diễn, vừa là những diễn viên tài hoa. Do đó, không nên đặt ra những kỳ vọng quá cao đối với con cái, không nên lúc nào cũng cứ chăm chăm vào những thành tích của con mà nên dành cho con những khoảng thời gian, không gian để vui chơi, thư giãn, tạo ra tâm trạng vui vẻ, hứng khởi cho cuộc sống.

2. Theo các chuyên gia tâm lý, nếu trẻ phải chịu áp lực quá lớn trong thời gian kéo dài thì trẻ sẽ hình thành nên một chuỗi những phản ứng về tâm sinh lý để “chống cự” gây nên những triệu chứng u uất, bực bội, mất ngủ, lo sợ… Áp lực trong học tập còn khiến trẻ bị rối loạn trong tư duy, biểu đạt ngôn ngữ, không chuyên tâm trong học tập, tự ti, thu mình. Ngoài ra, những căng thẳng trong cuộc sống trẻ không tự mình tháo gỡ sẽ dẫn đến sự phản kháng, khiến chúng không vâng lời, không chịu học bài.

Khi thấy con có những kết quả chưa tốt trong học tập, cha mẹ nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. Sau đó, cùng con tăng cường luyện tập về nhiều mặt bằng những phương pháp phong phú, sinh động. Chỉ có khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tăng cường khả năng chịu được áp lực, mới có thể giúp trẻ vượt qua nỗi lo lắng của bản thân mình, vươn tới những mục đích cao hơn. Cha mẹ không nên trách mắng khi con chưa đạt kết quả như mong muốn, không nên luôn miệng bảo con “chỉ có thành công, không được phép thất bại”. Khi cha mẹ thay đổi quan niệm giáo dục sai lầm đó, mới giảm được áp lực tinh thần, tạo niềm tin, tính tích cực cho con trẻ.

3. Để giúp trẻ giải tỏa những vấn đề ức chế tâm lý, cha mẹ cần chú ý đến phương pháp giáo dục và cách tác động đến con mình sao cho hiệu quả.

Thứ nhất, cha mẹ hướng dẫn con cần tránh làm nảy sinh tâm lý chống đối. Nếu vì để đạt mục đích giáo dục mà để con trẻ căng thẳng nảy sinh tâm lý chống đối, phản kháng thì chứng tỏ cha mẹ còn hạn chế trong cách tác động đến con. Để trẻ tự trải nghiệm, nếm trải thất bại, sai lầm. Nhưng kịp thời đồng hành với trẻ để chúng không buông xuôi.

Thứ hai, cha mẹ nên thường xuyên gần gũi, lắng nghe và giúp trẻ giảm bớt những áp lực. Nói cho trẻ hiểu trong cuộc sống không thể né tránh áp lực. Quan trọng là phải biết cách chế ngự nó trong khả năng có thể của bản thân, nếu chưa thể giải tỏa được thì dùng đến sự trợ giúp của người lớn nhiều kinh nghiệm, vốn sống…

Thứ ba, cha mẹ cần thỏa thuận, thương lượng với con. Cho con cơ hội được tự tìm hiểu và thể hiện khả năng của mình. Cha mẹ là người tạo ra những quy ước trong gia đình để giáo dục con. Vì vậy, khi không còn phù hợp nữa thì hãy mạnh dạn thay đổi, thậm chí là hủy bỏ để lấy lòng tin con trẻ. Điều này không khiến bạn trở thành người thiếu lập trường, dễ bị thuyết phục, mà thực tế bạn sẽ trở nên linh hoạt, hợp lý. Đôi khi cha mẹ cũng cần hòa mình vào cuộc sống của con, để chúng thấy cha mẹ đã công bằng và luôn muốn tốt cho con. Trong giáo dục, uốn nắn con cha mẹ cần có sự thỏa thuận, song không được quá lạm dụng.

Thứ tư, cha mẹ luôn phát hiện ra mặt tốt, kịp thời động viên, khích lệ. Một đứa trẻ được cha mẹ luôn quan tâm, nhìn nhận được những tiến bộ của mình sẽ có động lực để hoàn thiện.

Nguyễn Văn Công (Giảng viên tâm lý)