Chủ nhật, 8/11/2015, 09h15

Giúp con thoát “còm bóc tem”

Có những đứa trẻ luôn hứng thú với việc được bình luận đầu tiên (còm bóc tem) cho dòng trạng thái của mọi người trên facebook, dù người đăng tin là bạn cũ hay mới, biết rõ hay không rõ về người bạn đó.

Phương Thảo (học sinh lớp 9 tôi dạy kèm ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là một trường hợp như vậy, em luôn túc trực bên smartphone để sẵn sàng “còm” cho bạn cũ, bạn mới ngay cả trong giờ học. Đây là một dạng nghiện internet, nghiện facebook ở lứa tuổi mới lớn, do chưa làm chủ được thời gian, chưa biết sàng lọc thông tin, chưa biết nên tiếp cận cái gì trước cái gì sau… Chị Liên (mẹ của Thảo) lo lắng, sợ con mất tập trung trong học tập, quên bài vở, sa đà vào thế giới ảo nên một dạo chị cấm con dùng internet hay mắng chửi khi thấy con cố tình lấy smartphone để lên facebook.

Trong cuộc sống, có rất nhiều thông tin, nhiều kiến thức, vì thế một cá nhân “tham lam” sẽ muốn biết hết, nắm hết mọi thứ, song không ai có thể thu giữ mọi kiến thức và thông tin. Mỗi cá nhân cần trình tự cho phép mình tiếp cận và nắm bắt theo mức độ của từng vòng tròn lớn nhỏ. Vòng tròn trong cùng là cái mà ai ai cũng “phải biết”, vòng tròn thứ hai lớn hơn và bao bọc vòng tròn thứ nhất là cái “cần biết” cần thiết cho cuộc sống và vòng tròn ngoài cùng là cái “nên biết”. Cái nên biết thì có thể biết cũng được mà không cũng được, không quá ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Con người tiếp thu kiến thức như thế sẽ không dẫn đến quá sa đà vào việc cập nhật tin tức.

Theo tác giả Bảo Nhi (tâm lý viên học đường, tác giả cuốn sách Để mẹ nắm tay con): “Để xóa một hành vi, một thói quen xấu thì bao giờ cũng cần thay thế bằng một hành vi tốt, một thói quen tốt. Việc tạo sân chơi là điều cần thiết bậc nhất trong việc cai nghiện internet cho con”. Muốn con cái không còn chăm chăm ở facebook thì cha mẹ nên cho con chơi thể thao, làm việc nhà nhẹ nhàng, gây hứng thú với công việc chung của gia đình, hướng trẻ gặp gỡ chia sẻ với mọi người xung quanh... Như vậy, thay vì cài password (mật khẩu) để con không dùng máy tính hay không cho con dùng máy tính, các bậc làm cha mẹ nên “học và phải học” cách nói chuyện cùng con về cái tốt - cái xấu của internet, của mạng xã hội; sau đó với hiểu biết về con mình hãy tin tưởng và cho con vào internet bất cứ khi nào con muốn. Đương nhiên là phải có thỏa ước, quy định về thời gian sử dụng tối đa trong ngày, ví dụ không quá hai giờ mỗi ngày. Nếu chúng ta cài password hay bằng nhiều cách gắt gao khác thì trẻ sẽ trốn học ra những tiệm net quanh trường, và vì thế mọi cấm đoán mà cha mẹ đặt ra không chút tác dụng mà còn gây ra nhiều hệ lụy xấu.

Đúc kết, theo tác giả Bảo Nhi: “Niềm tin vào con cái là hết sức quan trọng. Niềm tin của cha mẹ khiến con cái tự tin, tự thấy có trách nhiệm với bản thân mình và tự điều chỉnh thái độ, hành vi theo chiều hướng tốt mà cha mẹ kỳ vọng”.

Y.HÂN (TP.HCM)