Thứ ba, 8/3/2011, 15h03

Giúp học sinh đất Quảng chọn đúng trường, học đúng ngành

Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM ThS. Tạ Văn Doanh phát biểu trong chương trình tư vấn tại Quảng Ngãi
Ngày 4-3, chương trình “Tiếp bước trường thi” do Báo Giáo Dục TP.HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Cơ sở Quảng Ngãi (số 938 Quang Trung, TP. Quảng Ngãi).
Tham dự chương trình tư vấn là đại diện đến từ các trường: ĐH Công nghiệp, ĐH Sài Gòn, ĐH Hoa Sen, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Bình Dương, CĐ Nguyễn Tất Thành, ĐH Đông Á, CĐ Phú Lâm, CĐ Quốc tế Kent, CĐ Kỹ thuật - Công nghiệp Quảng Ngãi, CĐ Nghề Kỹ thuật công nghệ Dung Quất…
Định hướng chọn ngành, chọn trường phù hợp
Háo hức, sôi động là không khí tại buổi tư vấn tuyển sinh ở Quảng Ngãi với sự góp mặt của gần 1.000 học sinh đến từ các trường THPT chuyên Lê Khiết, THPT Trần Quốc Tuấn, THPT Bình Sơn, THPT Sơn Tịnh, THPT Tư Nghĩa 1, THPT Mộ Đức… Đặc biệt, nghe thông tin về buổi tư vấn, nhiều HS của Trường THPT Lý Sơn đã “lặn lội” vượt gần 60km về Trường ĐH Công nghiệp để được tư vấn trực tiếp.
Mở đầu chương trình, ThS. Tạ Văn Doanh, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, cho biết: “Chương trình tư vấn tuyển sinh mang chủ đề “Tiếp bước trường thi” được Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức nhằm góp phần cung cấp kịp thời cho các em học sinh, các bậc phụ huynh những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011, giúp cho các em có thể định hướng chọn ngành, chọn trường phù hợp. Nhân đây, thay mặt BTC, tôi xin gửi lời cảm ơn thiết thực nhất đến các cơ quan ban ngành, Sở GD-ĐT, Đài PTTH của tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho Báo Giáo Dục TP.HCM triển khai chương trình tư vấn “Tiếp bước trường thi 2011” tại tỉnh nhà Quảng Ngãi. Đặc biệt, BTC xin cảm ơn Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chi nhánh tại Quảng Ngãi đã góp phần hỗ trợ mọi mặt, giúp cho chương trình tổ chức thành công tốt đẹp”.
Thầy Vũ Đức Tế, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng nhắc nhở cho học sinh những điều lưu ý quan trọng trong kỳ thi năm nay: “Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), các TS cần lưu ý mục số 2 và mục số 3. Nếu đăng ký NV1 vào trường có tổ chức thi thì ghi đầy đủ tên trường, mã trường, khối thi, mã ngành vào mục số 2, mục số 3 bỏ trống. Trường hợp các TS dự định xét tuyển NV1 vào trường không tổ chức thi (thi nhờ) thì mục số 2 ghi tên trường dự định thi nhờ (chọn trường đúng khối xét tuyển NV1), ghi tên trường, mã trường, khối thi, không ghi mã ngành; còn mục số 3 ghi tên trường có tổ chức thi TS cũng phải ghi thật cẩn thận mục đối tượng dự thi. Bên cạnh đó, trên hồ sơ ĐKDT, các TS cố gắng ghi số điện thoại đang sử dụng để các trường liên lạc khi hồ sơ có sai sót. TS cần lưu ý về quy chế thi vì nếu vi phạm, TS sẽ bị kỷ luật. Đặc biệt, TS không được mang điện thoại di động vào phòng thi vì có sử dụng hay không, TS cũng đều lập tức bị đình chỉ thi”.
Hàng trăm câu hỏi được giải đáp
Em Trần Thị Tuyết (THPT Tư Nghĩa) hỏi: “Em muốn tìm hiểu kỹ hơn về quy chế thi 3 chung của Bộ GD-ĐT? Em trúng tuyển NV1 rồi có được đăng ký xét tuyển NV2, 3 không ạ?”.
Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện thi 3 chung. Tuy không có gì mới nhưng với học sinh thi lần đầu thì 3 chung là thi chung đợt (3 đợt), dùng chung đề và sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Đề thi do Cục Khảo thí Bộ GD-ĐT ra, cấu trúc đề thi đã được công bố trên website của bộ, học sinh căn cứ vào đó để ôn tập. Thí sinh trúng NV1 không được đăng ký xét tuyển NV2, 3; chỉ thí sinh không trúng NV1 mới xét tuyển NV2, 3.
Một HS Trường THPT Trần Quốc Tuấn: “Trường CĐ Nghề Kỹ thuật công nghệ Dung Quất đào tạo những ngành nghề nào? Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 là bao nhiêu?”.
CĐ Nghề Kỹ thuật công nghệ Dung Quất: Trường trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH, chuyên đào tạo các ngành như: Cơ khí, điện, hóa dầu, CNTT với các bậc đào tạo hệ CĐ nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, hệ ĐH liên kết đào tạo với các trường ĐH như: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng… Năm 2011, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 2.000 gồm 1.500 chỉ tiêu bậc CĐ, TC nghề và 500 chỉ tiêu hệ đào tạo ĐH liên kết.
HS Nguyễn Thị Như Ngọc (THPT Tư Nghĩa 1): “Ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Tài chính - Marketing gồm bao nhiêu chuyên ngành, điểm chuẩn năm 2010 ra sao?”
ĐH Tài chính - Marketing: Ngành quản trị kinh doanh của trường có rất nhiều chuyên ngành như: Quản trị kinh doanh tổng hợp, thương mại quốc tế, kinh doanh quốc tế, du lịch lữ hành, thẩm định giá, kinh doanh bất động sản, quản trị bán hàng, quản trị khách sạn - nhà hàng. Điểm chuẩn năm 2010 của trường khá cao: A: 16,5; D1: 17,5.
Một học sinh THPT Mộ Đức, hỏi: “Em muốn học ngành nữ công gia chánh thì phải thi vào ngành nào của trường nào?”.
ĐH Sài Gòn: “Các bạn có thể thi vào chuyên ngành kinh tế gia đình của chúng tôi. Nếu học ngành này, SV sẽ được học những môn học về nữ công gia chánh như: Cắm hoa, nấu ăn, làm bánh…
Một HS Trường THPT Bình Sơn: “Trường Cao đẳng Quốc tế Kent đào tạo những chuyên ngành nào? Điều kiện để theo học?”.
CĐ Quốc tế Kent: Cao đẳng Quốc tế Kent là trường đầu tiên của Úc được Bộ GD-ĐT Việt Nam cấp giấy phép đào tạo chương trình Diploma và Advanced Diploma của Úc tại Việt Nam. Sinh viên có thể chọn chương trình đào tạo CĐ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt với các ngành đào tạo: quản trị kinh doanh, quản trị marketing, phát triển website, truyền thông đa phương tiện. Điều kiện nhập học: Chuyên ngành quản trị kinh doanh và quản trị marketing thì đối với chương trình dạy bằng tiếng Việt (tốt nghiệp THPT), đối với chương trình dạy bằng tiếng Anh (chứng chỉ IELTS 5.0 hoặc tương đương) chuyên ngành phát triển website và truyền thông đa phương tiện: Học viên đã tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và không yêu cầu tiếng Anh.
HS Mai Thị Tường Vy (THPT Trần Quốc Tuấn): “Xin cho biết đâu là những khối ngành nghề dễ tìm việc nhất khi ra trường tại ĐH Bình Dương?”.
ĐH Bình Dương: Trường chúng tôi mạnh nhất ở hai khối, khối kinh tế mạnh nhất ngành ngân hàng, quản trị kinh doanh, ngoại thương, marketing, du lịch và khối kỹ thuật mạnh nhất là ngành công nghệ sinh học, điện - điện tử. Những ngành thế mạnh của trường cũng chính là nhu cầu thực tế tại tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, thông tin trên cũng chỉ mang tính tham khảo, hiện tại, nhu cầu tuyển dụng tại tỉnh Bình Dương rất đa dạng, ngành nghề gì cũng đang rất thiếu nhân lực giỏi. Chính vì vậy, các bạn có thể đăng ký học bất cứ ngành nghề nào bản thân mình yêu thích và đam mê.
Sau hai giờ tư vấn trực tiếp, các chuyên gia đã tham gia trả lời gần 100 câu hỏi của các bạn học sinh. Theo nhận xét của các chuyên gia tư vấn, câu hỏi, các vấn đề thí sinh nêu ra tại buổi tư vấn năm nay khá phong phú, thiết thực và cụ thể, bám sát những thông tin về ngành, nghề mà xã hội đang cần nhân lực.
Nhóm PV