Thứ bảy, 15/7/2017, 21h45

Giúp người dân ĐBSCL tìm sinh kế bền vững

Trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) làm sao để ĐBSCL phát triển bền vững, là nội dung hội thảo do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức ngày 14-7 tại TP.Cần Thơ. Những kiến nghị và giải pháp nêu ra trong hội thảo sẽ là cơ sở để Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ, bổ sung dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL”.

Tại đây, các nhà khoa học, chuyên viên trong và ngoài nước đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch ĐBSCL như: thiếu gắn kết, còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu tính khả thi trong các giải pháp ứng phó với BĐKH và phát triển sinh kế của người dân.

Chẳng hạn với mục tiêu đưa VN thành quốc gia xuất khẩu gạo mạnh trên thế giới, ngành nông nghiệp đã khuyến khích mở rộng diện tích lúa 3 vụ. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH-ĐH Cần Thơ, cảnh báo: “Là khu vực sản xuất lúa lớn nhất VN, qua nghiên cứu tại ĐBSCL, những vùng canh tác lúa 3 vụ càng dài thì chất lượng tài nguyên đất càng suy giảm. Vùng đê bao do không nhận được phù sa khiến năng suất cây lúa càng giảm dù chi phí bón phân và phun thuốc trừ sâu tăng. Lúa nhiều nhưng giá thành giảm trong khi mọi dịch vụ liên quan sản xuất đều tăng. Hệ quả còn mở rộng hơn trên toàn đồng bằng, nếu xem xét các yếu tố môi trường nông thôn, thiệt hại cơ sở hạ tầng do diện tích ngập và xói lở mở rộng, tổn thất kinh tế lớn trên toàn vùng, không chỉ ở quy mô nông hộ… Hiện nay và tương lai, những luồng di dân từ nông thôn lên các vùng đô thị sẽ diễn ra nhanh hơn tạo ra những hệ lụy xấu về mặt xã hội cũng như môi trường”.

Vấn đề nóng hiện nay là tình trạng sạt lở, các nhà khoa học chỉ ra ngoài cấu tạo địa chất gồm lớp sét và cát xen kẽ nên rất dễ bị trôi do tác động của dòng chảy, còn do lượng phù sa ở khu vực chỉ còn khoảng 5% so với trước đây. Lượng cát dưới dòng sông chủ yếu là cát đã trầm tích trước đây, không phải được tích tụ từ thượng nguồn về theo dòng chảy. Việc khai thác cát tạo ra những hố xoáy, khu vực xung quanh hố xoáy này sẽ sạt lở dần do mất ổn định. Ngoài ra việc gia tăng tải trọng như công trình, nhà ở, kho bãi, phương tiện giao thông cũng là yếu tố làm tăng khả năng mất ổn định của bờ, kè.

Cũng theo các chuyên gia, để ĐBSCL phát triển bền vững trong tình hình BĐKH, nước biển dâng và những tác động về vấn đề nguồn nước xuyên biên giới, cần phải có một quy hoạch tổng thể và đối sách hợp lý. Và phải xuất phát từ cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể của toàn vùng với một tầm nhìn dài hạn, trong sự phối hợp và tham gia của ngành kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng với khô hạn và nhiễm mặn và sản xuất những giống gạo chất lượng...

Đan Phưng