Chủ nhật, 29/9/2013, 22h09

Giúp người mù làm… nhiếp ảnh gia

Bạn Kim Uyên đang giúp một thành viên trong Hội Người mù tỉnh Bình Dương chụp ảnh
Để có một tấm ảnh đẹp, nhiều người phải vất vả tìm góc chụp, “cân đong đo đếm” thế nào cho bố cục chặt chẽ… Vì thế, ít ai nghĩ rằng người mù có thể tự chụp ảnh bởi ánh sáng họ còn không thể nhìn thấy, huống chi tạo bố cục cho đẹp. Thế mà những người mù ở tỉnh Bình Dương lại làm được điều này khi có sự hướng dẫn của một nhóm sinh viên (SV).
Nhóm SV này gồm 4 bạn là Trần Nguyễn Linh Thùy (nhóm trưởng, Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế), Dương Hoàng Tuấn (Khoa Kinh tế đối ngoại), Lữ Kim Uyên (Khoa Tài chính ngân hàng) và Huỳnh Lê Diệu Minh (Khoa Kinh tế đối ngoại) Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II TP.HCM.
Tập làm… “nhiếp ảnh gia”
Khi Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) tổ chức chương trình Photovoice (kể chuyện qua những bức ảnh, đoạn phim) với chủ đề “Cuộc sống quanh tôi đã thay đổi như thế nào”, nhóm của Trần Nguyễn Linh Thùy đã đăng ký tham gia. Ban đầu nhóm chỉ nghĩ tới làm gậy thông minh (dẫn đường cho người mù) rồi chụp lại ảnh chứ chưa có ý nghĩ táo bạo này. Thế mà khi bắt tay vào hoạt động thì nhóm lại thay đổi ý tưởng bởi nhận thấy cây gậy này đã quá quen thuộc, người mù cần phải tự thể hiện cuộc sống của mình qua hình ảnh mới thật sự có ý nghĩa. Vậy là đầu tháng 2-2013, nhóm bắt đầu ra Hà Nội để tham dự một khóa tập huấn chụp ảnh do viện tổ chức. Trần Nguyễn Linh Thùy cho biết: “Nhóm mình chọn các cô, bác là chủ tịch hội người mù ở các huyện của tỉnh Bình Dương để sau lớp học này, họ sẽ về chỉ lại cho những người khác. Tuy nhiên, mình cũng không ngờ là nhóm phải chạy xuôi chạy ngược mãi mới được các cô, bác đồng ý”.
Ý tưởng đã có, cách chụp hình và những chuyên gia hỗ trợ cũng sẵn sàng nhưng làm sao để thuyết phục được người mù tham gia cùng dự án thì lại là điều không dễ. Nhóm đã năm lần bảy lượt đến Hội Người mù tỉnh Bình Dương nhưng đều bị từ chối. Có lẽ, đối với người mù, họ nghĩ việc tự tay chụp ảnh là một điều không thể. Không nản chí, các thành viên trong nhóm vẫn tiếp tục xuống thuyết phục người mù cùng tham gia. Nhận thấy lòng nhiệt tình, sự chân thành của các bạn trẻ, Hội Người mù cuối cùng cũng đồng ý mặc dù trong lòng còn nhiều phân vân.
Làm sao để những người mù bẩm sinh có thể chụp ảnh, nhóm đã dùng khung ảnh để hướng dẫn họ mường tượng về bố cục, còn về ánh sáng thì dùng bóng đèn để nói cho họ biết ánh sáng soi ở đằng trước và đằng sau sẽ khác nhau như thế nào. Người mù có thính giác rất nhạy nên nhóm SV đã hướng dẫn tính năng của các nút chụp bằng việc nghe tiếng động để phán đoán. Sau một ngày chỉ dẫn, các bác đã biết chụp ảnh dù các bức ảnh có thể thiếu cái này hụt cái kia, chân dung đôi khi thì mất đầu, đôi khi lại mất cánh tay…
Không chỉ hướng dẫn chụp ảnh, nhóm SV còn chỉ cho họ cách viết lời bình để người xem hiểu rõ hơn về nội dung mà họ muốn gửi đến. Chỉ sau 3 ngày của khóa tập huấn đầu tiên, nhóm trao cho những người mù 5 máy chụp hình (cứ 2 người sử dụng 1 máy) để họ về nhà tự chụp. Rồi sau một tháng, các bạn đến sưu tập lại các bức ảnh. Linh Thùy chia sẻ: “Tháng đầu tiên, các cô, các bác thường chụp ảnh sinh hoạt ở nhà, tụi mình lại tổ chức thêm các buổi tập huấn để hướng dẫn chụp ảnh về lao động sản xuất, phong cảnh… Từ tháng 3 đến tháng 7, các bác đã chụp được hàng trăm tấm ảnh, tụi mình chọn ra hơn 15 ảnh để tham dự triển lãm do Viện ISEE tổ chức”.
Thế giới người mù được thể hiện
Những bức ảnh được gửi ra Hà Nội để triển lãm vào trung tuần tháng 9 vừa qua, nhiều khách tới xem không nghĩ rằng nó được chụp bởi người bình thường mà nhìn nhận như những “nhiếp ảnh gia” thực sự khiến cho người mù và nhóm SV này hết sức xúc động.
Anh Trần Văn Hân bị mù ngay từ khi mới chào đời nhưng vẫn tìm được “nửa” còn lại của mình nhờ vào đức tính cần mẫn và tấm lòng chân thành. Anh chia sẻ: “Từ lâu, mình muốn tự tay tặng vợ một món quà thật ý nghĩa nhưng vẫn chưa nghĩ ra. Vì thế ngay từ khi biết chụp ảnh, mình đã nghĩ ngay đến việc chụp chân dung của vợ. Mình không thể nhìn thấy bức ảnh ra sao nhưng đó là tất cả tấm lòng trân trọng của mình dành cho vợ nên cô ấy rất vui”.
Còn với chị Nguyễn Thị Hoa (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) thì mới đầu rất rụt rè nhưng ngay sau buổi tập huấn, chị đã hăng hái chụp được rất nhiều ảnh. Những bức ảnh chị chụp về cảnh lao động sản xuất của người mù như làm chổi, làm tăm tre hay các buổi họp của hội rất sinh động. “Lúc đầu, tôi nghĩ tự cầm máy để chụp ảnh là điều không thể vì từ lúc sinh ra đã không nhìn thấy ánh sáng màu gì nên rất tự ti. Tuy nhiên, khi được các bạn trẻ hướng dẫn chụp ảnh, bức ảnh đầu tiên của tôi được mọi người nhận xét là khá hoàn hảo vì không bị mất đầu, mất tay của ai nên tôi bắt đầu có động lực để chụp nhiều hơn” - chị vui mừng kể.
Với những thành viên trong nhóm SV - “cầu nối” giúp người mù thể hiện thế giới của mình qua ảnh cũng rất ngạc nhiên trước những gì mà người mù đã làm. Bạn Dương Hoàng Tuấn (thành viên của nhóm) chia sẻ: “Khi tiếp xúc với những người mù, mình đã hoàn toàn thay đổi cách nghĩ về họ. Trước đây, mình nghĩ người mù khó có thể làm được nhiều việc như những người bình thường khác nhưng khi tiếp xúc với họ, mình thấy họ có rất nhiều kỹ năng, đặc biệt khi hướng dẫn chụp hình thì họ đã tiếp thu rất nhanh, chỉ trong một buổi mà 50% bức ảnh họ tự chụp có bố cục rõ ràng. Từ đó, mình đã hoàn toàn thay đổi cách nghĩ về người mù và cảm thấy những đóng góp của nhóm mình tuy rất nhỏ nhưng đã giúp họ có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống đầy khó khăn này”…
Bài, ảnh: DƯƠNG BÌNH
 
Những bức ảnh mà người mù chụp được đối với người khác có thể là điều bình thường, còn nhiều thiếu sót nhưng với riêng họ, đó là những gì tốt đẹp nhất mà họ muốn dành cho người thân yêu, cho các hoạt động gần gũi với cuộc sống của mình.