Thứ sáu, 10/3/2017, 00h35

Giúp thí sinh định hướng vào lớp 10: Bài 2: Muốn giành điểm cao phải vận dụng tốt

Đề thi vào lớp 10 của Sở GD-ĐT TP.HCM những năm gần đây đã có nhiều đổi mới, tăng cường tỷ lệ câu hỏi thực tiễn nhằm giúp học sinh (HS) phát huy năng lực vận dụng kiến thức vào thực tế, từ đó phát huy tính sáng tạo của các em. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi HS không thể luyện thi theo kiểu học mẫu, học vẹt mà phải thay đổi cách học theo hướng trải nghiệm cuộc sống...

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2016. Ảnh: D.Bình

Mở rộng câu hỏi thực tiễn!

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khi trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM về định hướng nội dung đề thi lớp 10 THPT công lập tại TP năm học 2017-2018.

Theo ông Hiếu, nội dung đề thi vào lớp 10 năm nay nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9. “Đây là kỳ tuyển sinh nên đòi hỏi thí sinh phải có sự chuẩn bị kỹ kiến thức căn bản. Tuy nhiên, định hướng của kỳ thi là kiến thức mở, biết vận dụng kiến thức cao mới đạt điểm tối đa. Đề có độ phân hóa khoảng 40% để phân loại HS, 60% còn lại HS học lực trung bình có thể làm được”, ông Hiếu cho biết.

Nói riêng về đề thi môn văn, ông Hiếu chia sẻ, năm nay đề sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng mở. Đề không ra theo kiểu đưa một tác phẩm rập khuôn trong SGK để các em phân tích mà có thể chọn những tác phẩm đã từng học. Điều này đòi hỏi các em phải hiểu văn bản, biết phương pháp và kỹ năng làm bài để phân tích, đánh giá, bình luận…

Phân tích cụ thể hơn, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn, Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP cho hay: “Đề thi hướng đến việc kiểm tra các năng lực cơ bản mà môn ngữ văn đã trang bị cho HS, đó là năng lực đọc hiểu, năng lực sử dụng ngôn ngữ để trình bày một vấn đề nhằm thuyết phục người khác hoặc năng lực cảm thụ tác phẩm văn học…”.

Theo ông Thành, cấu trúc đề gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm) và phần tạo lập văn bản (7 điểm gồm viết văn bản nghị luận xã hội (NLXH) và văn bản nghị luận văn học (NLVH)). Ở phần đọc hiểu, văn bản được chọn có thể thuộc các thể loại khác nhau (văn bản NLXH, văn bản văn học, văn bản nhật dụng…) và hệ thống câu hỏi đặt ra theo các cấp độ tư duy từ dễ đến khó (nhận diện, thông hiểu, vận dụng); Ở phần tạo lập văn bản, nội dung bàn luận ở câu NLXH cũng đa dạng, phong phú, có thể bàn về các giá trị phổ quát, cũng có thể là các vấn đề thời sự, các vấn đề tuổi trẻ quan tâm…

Về môn toán, ông Hiếu thông tin: “Năm ngoái là năm đầu tiên Sở GD-ĐT TP đưa bài toán thực tiễn vào đề thi nên bài toán này đơn giản để các em làm quen. Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường bài toán thực tiễn nhưng ở dạng sâu hơn”.

Ngay từ đầu học kỳ, giáo viên bộ môn đã được Sở GD-ĐT định hướng kỹ cách dạy và ôn tập cho các em. Thầy Nguyễn Thanh Tịnh, giáo viên môn toán, Trường THCS Nguyễn Du, Q.1 cho biết: “Theo định hướng của Sở GD-ĐT, năm nay cấu trúc đề thi thay đổi khá nhiều, tăng cường tính thực tiễn vào đề thi. Nếu năm ngoái sở có giới hạn bài toán thực tiễn là lãi suất ngân hàng thì năm nay không giới hạn nữa mà có thể là bài toán tính điện, nước, cước taxi… Hơn nữa, ngay ở phần đại số câu 1.b cũng có định hướng là bài toán thực tế. Phần đại số ngay ở câu giải phương trình đã khác với năm ngoái, năm ngoái đề cho 3-4 câu dạng chuẩn nhưng nay HS phải biến đổi để đưa về dạng chuẩn tắc. Hay câu đồ thị và hàm số thì mọi năm thường có đường thẳng tiếp xúc parabol nhưng năm nay có thể là cắt hoặc không cắt…”.

Rèn theo mẫu khó đạt điểm cao

Việc ra đề theo hướng mở như vậy liệu có tạo thêm áp lực cho HS? Bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp, cho rằng: “Đã tham gia kỳ tuyển sinh mà nói là không áp lực thì không đúng. Tuy nhiên, với cách ra đề này sẽ tránh được áp lực học thuộc lòng, học từng bài từng chương mà đòi hỏi HS phải năng động để lĩnh hội kiến thức xã hội, phải đọc nhiều, quan sát xã hội nhiều, trải nghiệm nhiều”.

Về vấn đề này, ông Hiếu chia sẻ, Sở GD-ĐT tăng cường câu hỏi mở nhằm khuyến khích HS học là để hiểu và vận dụng kiến thức vào cuộc sống chứ không phải học, luyện thi theo mẫu, theo kiểu… gà công nghiệp.

Riêng đối với từng môn, HS phải rèn luyện theo những phương pháp riêng. “Môn toán không thể đọc thuộc lòng, học vẹt, học mẫu. Nhiều HS cứ học thuộc lòng, rồi luyện đi luyện lại theo mẫu, đến khi đề cho cùng công thức thì làm được nhưng qua một bước biến đổi lại lúng túng. Vì vậy các em phải rèn luyện nhiều dạng toán, có kỹ năng làm bài, suy luận mới làm được”, thầy Tịnh tư vấn.

Với môn văn, thầy Thành đưa ra lời khuyên: Phần đọc hiểu văn bản, HS phải có năng lực đọc hiểu đa dạng các thể loại (theo chương trình Ngữ văn 9); phải luyện tập trao đổi, tranh luận, phải tự đặt ra và giải quyết các câu hỏi khi đọc các văn bản để nâng cao năng lực đọc hiểu. Để làm tốt câu NLXH, HS cần rèn luyện các kỹ năng, các thao tác lập luận (đặc biệt là các thao tác lập luận giải thích, chứng minh và bình luận), cần đọc sách, báo và cần “quan sát và lắng nghe” cuộc sống... Ở câu NLVH, HS cần rèn luyện kỹ năng phân tích thơ, truyện, đọc sâu, nghiền ngẫm để hiểu và cảm nhận tác phẩm, rèn kỹ năng liên hệ, so sánh, khái quát…

Đối với đề thi môn ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh), ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn tiếng Anh, Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT cho biết: “Đề thi môn tiếng Anh đã ổn định từ nhiều năm nay, Sở GD-ĐT thường xuyên bám sát thực tiễn, đưa các vấn đề thời sự vào đề thi nhưng phù hợp với lứa tuổi các em. Năm nay, nội dung đề sẽ tiếp tục theo hướng này”. Nói về cách học, ông Lữ cho rằng, môn tiếng Anh không phải ngày một ngày hai dồn vào ôn tập là giành được điểm cao. Cần phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, chăm đọc sách, báo, xem truyền hình bằng tiếng Anh mới tích lũy được kiến thức để giành điểm cao trong kỳ thi.

Dương Bình