Thứ hai, 13/3/2017, 11h31

Giúp thí sinh định hướng vào lớp 10: Bài cuối: “Cân não” chọn nguyện vọng

Ngoài trang bị kiến thức đầy đủ, HS còn phải tính toán kỹ năng lực của mình phù hợp với điểm chuẩn trường THPT nào để vạch chiến lược chọn trường phù hợp. Nếu chọn trường quá cao so với sức học, các em có thể rớt cả 3 nguyện vọng (NV), ngược lại nếu lựa chọn các trường quá an toàn, các em dễ hối tiếc vì không được vào trường mình mong muốn.

Thí sinh trao đổi sau khi làm bài thi vào lớp 10 năm 2016 tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân. Ảnh: D.Bình

Vẫn chia top chọn NV

Nếu những năm trước, nhiều trường THCS có thời gian để ôn tập, tổ chức thi thử vào lớp 10 cho HS lớp 9 thì năm nay không ít trường băn khoăn liệu có tổ chức thi thử cho các em được hay không?

Trao đổi với phóng viên vào chiều 10-3, cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 cho biết: “Nhà trường thường thống kê điểm chuẩn, chỉ tiêu của các trường THPT trong 3 năm gần nhất (mỗi năm có một ít thay đổi) và chia thành từng top. Khi có kết quả học kỳ 2, nhà trường cộng điểm 3 môn (toán +văn)x2+ ngoại ngữ, HS sẽ dựa vào kết quả này để chọn NV vào lớp 10 cho phù hợp”.

Cũng theo cô An, điểm thi học kỳ 2 chưa đủ để các em cân nhắc chọn NV do nội dung tuyển sinh lớp 10 là kiến thức trong chương trình THCS, chủ yếu năm lớp 9. Vì vậy, thông thường sau một vài tuần ôn lại kiến thức học kỳ 1, nhà trường sẽ tổ chức cho HS thi thử. Sau đó sẽ lấy điểm thi thử này làm căn cứ để tiếp tục tư vấn giúp HS điều chỉnh NV (Hàng năm, sau khi thông báo số lượng đăng ký NV ban đầu, Sở GD-ĐT TP đều dành một khoảng thời gian để HS điều chỉnh NV - PV). Riêng năm nay, “Lịch thi sớm hơn, thời hạn chọn NV cũng sẽ sớm hơn nên việc thi thử có thể nhà trường không tổ chức được. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chia các trường THPT thành từng top rồi phân loại HS giỏi, khá, trung bình để tư vấn”, cô An nói.

Được biết, kỳ tuyển sinh năm 2017, giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn đã chia các trường THPT thành 5 top, cụ thể: Top 1 là những trường có điểm chuẩn từ 35 điểm trở lên như THPT Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định…; top 2 là những trường có điểm chuẩn từ 30-34,75 như THPT Trưng Vương, Marie Curie, Võ Thị Sáu…; top 3 là những trường có điểm chuẩn từ 25-29,75 như Nguyễn Thị Diệu, Trần Hữu Trang…; top 4 là những trường có điểm chuẩn từ 20-24,75 như THPT Hàn Thuyên, Thanh Đa…; top 5 là những trường có điểm chuẩn dưới 19,75 điểm. Từ 5 top trường, căn cứ vào học lực 3 môn toán, văn và tiếng Anh để tư vấn cho HS chọn NV.

Tương tự, Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh cũng căn cứ vào học lực thực tế của HS để tư vấn. Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Tuyển sinh lớp 10 sẽ áp lực hơn, độ khó cao hơn so với điểm thi học kỳ nên các em cần trừ hao 30% số điểm. Đồng thời, NV sau phải thấp hơn NV trước 2 điểm”.

Ngoài ra, theo nhiều hiệu trưởng, những kỳ tuyển sinh trước dù nhà trường đã tư vấn kỹ nhưng phụ huynh vẫn quyết định chọn trường cho con theo kỳ vọng của mình mà “né” học lực thực tế của HS. Và hậu quả là HS rớt cả 3 NV, dù điểm thi không tệ. “NV 1 là NV kỳ vọng, các em chọn trường có điểm chuẩn cao nhất so với các NV còn lại, NV sau phải thấp hơn NV trước. Tuy nhiên, có phụ huynh lại kiên quyết chọn 3 NV vào 3 trường THPT có điểm chuẩn đầu vào gần bằng nhau, cũng có phụ huynh chọn NV quá cao, có phụ huynh lại quá an toàn chọn NV vào những trường THPT có điểm chuẩn thấp. Số lượng này tuy không nhiều nhưng năm nào cũng xảy ra”, cô An thông tin.

Đừng chọn trường quá xa

Thực tế, một số phụ huynh muốn cho con bằng mọi giá phải vào được trường THPT công lập để học lên các bậc cao hơn. Vì vậy, dù biết thực lực của con không thể trúng tuyển ở các trường gần nhà nên đã chấp nhận chọn những trường rất xa địa bàn sinh sống do lấy điểm chuẩn thấp.

Ngay cả huyện Cần Giờ, muốn sang học phải qua phà nhưng vẫn có HS ở quận nội thành đăng ký NV. Thầy Ngô Tấn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh (Cần Giờ), cho biết: “Năm ngoái, trường có 4 HS ở Trường THCS Phan Tây Hồ, Q.Gò Vấp đăng ký và trúng tuyển ở NV 3. Tuy nhiên, cuối cùng không có trường hợp nào theo học vì đường quá xa”.

Tại tọa đàm về Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng HS lớp 9 và tuyển sinh lớp 10 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại huyện Bình Chánh cách đây không lâu, cô Nguyễn Phạm Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh, cho hay: “Vì sợ không đủ điều kiện vào các trường công lập ở nội thành nên một số HS trung bình lại đổ về Bình Chánh. Tuy nhiên, học được một thời gian các em theo không nổi vì đi lại quá xa”.

Đà Nẵng tuyển 9.800 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập

Ngày 11-3, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết vừa có quyết định về quy định chỉ tiêu (CT) tuyển sinh lớp 10, năm học 2017-2018. Theo đó, toàn thành phố sẽ tuyển 9.800 CT lớp 10 vào 20 trường THPT công lập với 242 lớp. Cụ thể, Phan Châu Trinh: 1.240 CT, Trần Phú: 720 CT, Thái Phiên: 720 CT, Ông Ích Khiêm: 560 CT; Phạm Phú Thứ: 440 CT, Hoàng Hoa Thám: 520 CT; Ngũ Hành Sơn: 360 CT, Nguyễn Trãi: 400 CT, Tôn Thất Tùng: 480 CT, Nguyễn Thượng Hiền: 400 CT, chuyên Lê Quý Đôn: 300 CT, Thanh Khê: 440 CT, Ngô Quyền: 440 CT, Cẩm Lệ: 400 CT, Liên Chiểu: 240 CT, Võ Chí Công: 280 CT, THCS-THPT Nguyễn Khuyến: 200 CT, Phan Thành Tài: 440 CT, Hòa Vang: 360 CT, Nguyễn Hiền: 560 CT. Ngoài ra, 3 TTGDTX số 1, số 2, số 3 tuyển sinh 790 CT, lần lượt với 210, 400, 180 CT.

Hình thức tuyển sinh lớp 10 vào các trường trên là thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Về xét tuyển, HS đang học tập tại các trường THCS thuộc địa bàn quận, huyện nào thì được đăng ký 2 nguyện vọng (NV) xét tuyển thẳng vào các trường THPT thuộc quận huyện đó, ưu tiên xét tuyển thẳng theo NV 1 trước, nếu được tuyển thẳng theo NV 1 thì không xét tuyển thẳng theo NV 2. Riêng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ thi tuyển với 300 CT, trong đó 280 CT dành cho HS TP.Đà Nẵng và 20 CT dành cho HS tỉnh Quảng Nam. Trong đó, chuyên toán: 60 CT, chuyên ngữ văn: 25 CT, chuyên vật lý: 50 CT, chuyên lịch sử: 10 CT, chuyên hóa học: 35 CT, chuyên địa lý: 10 CT, chuyên tin học: 20 CT, chuyên tiếng Anh: 35 CT, chuyên sinh học: 35 CT, chuyên tiếng Pháp: 10 CT, chuyên tiếng Nhật: 10 CT.

Riêng các trường THPT ngoài công lập không giới hạn CT tuyển sinh, được tuyển theo khả năng và phù hợp các điều kiện hiện có của nhà trường. Quy định tối đa 40 HS/lớp.

Vĩnh Yên

Từ thực tế này, đại diện nhiều trường cho rằng, HS cần tính toán khoảng cách địa lý để chọn trường. Cô Mai Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Phú (Q.2 - đây là địa bàn chỉ có 2 trường THPT công lập) đưa ra lời khuyên: “HS nên căn cứ vào lịch học các trường, địa bàn cư trú và nơi làm việc của bố mẹ để chọn trường. Thông thường, nhà trường chia nhóm trường để các em chọn như nhóm 1 là THPT Nguyễn Văn Tăng, Long Trường (Q.9); nhóm 2 là THPT Thủ Thiêm (Q.2); nhóm 3 là THPT Giồng Ông Tố (Q.2), Gia Định (Bình Thạnh)… Vì Q.2 giáp với Q.Bình Thạnh, Thủ Đức, Q.9 nên các em có thể chọn những trường trên để đăng ký NV”.

Tại Q.Bình Thạnh, thầy Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ: “Quận có khá nhiều trường THPT nên NV 1 các em có thể chọn THPT Gia Định, Võ Thị Sáu, NV 2 có thể chọn THPT Hoàng Hoa Thám, NV 3 có thể chọn THPT Trần Văn Giàu, Thanh Đa… Nhìn chung, đa số HS của trường chọn NV 1 là THPT Gia Định, HS yếu có thể chọn những quận giáp ranh là Q.2 như Giồng Ông Tố, Thủ Thiêm”.

Cô Trần Thúy An cũng cho rằng, HS không nên cố vào trường công lập cho bằng được khi địa bàn cư trú quá xa với trường. Cô An thông tin: “Đa số HS khá, giỏi của trường chọn trường chuyên, lớp chuyên hoặc các trường tốp trên như THPT Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Định… Số còn lại chọn các trường như THPT Võ Thị Sáu, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thị Diệu…”.

Dương Bình