Thứ ba, 8/8/2017, 21h34

Giúp trẻ tự tin đến trường

Trẻ lần đầu đến trường hoặc đã từng đến trường ở những năm học trước nhưng vẫn nhút nhát, tự ti khi gặp nhiều người, e ngại không dám tham gia các hoạt động của trường lớp sẽ rất cần sự quan tâm chân thành từ phía gia đình và nhà trường.

Nhà trường và gia đình cần quan tâm giúp trẻ tự tin đến trường. Ảnh: IT

Trẻ tự ti vì lo sợ bị bỏ rơi!

Nhật Vy - 4 tuổi ngụ Biên Hòa, Đồng Nai những ngày đầu đến nhà trẻ luôn có biểu hiện rối nhiễu tâm sinh lý như nôn ói, giật mình la hét khi ngủ, khóc rất nhiều mỗi khi đi học... khiến cha mẹ cháu rất phiền lòng. Mỗi lần đến lớp cháu chẳng chịu chơi với bất kỳ ai khiến cháu càng có dấu hiệu khép nép, thu mình.

Tương tự, trường hợp bé Minh Nhân - 7 tuổi (Bình Thạnh, TP.HCM). Năm trước vào lớp 1, Nhân cũng khiến cha mẹ hết sức lo lắng vì rơi vào các trạng thái tiêu cực như đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ... và nhất quyết không chịu đi học. Gia đình cháu đã phải đưa con đến trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em mới tìm được cách giúp cháu tự tin và hòa nhập với các bạn. 

Không giống như bé Nhật Vy, lứa tuổi bắt đầu vào lớp 1 như Minh Nhân, sự lo lắng, căng thẳng lại tập trung hướng vào những khó khăn khi thay đổi môi trường học mới. Các em từ môi trường chơi là chủ đạo thì khi lên lớp 1, hoạt động chủ đạo là học tập. Bên cạnh đó, các em phải nghiêm túc chấp hành các quy chuẩn của nhà trường như ngồi ngay ngắn tại chỗ, không được phép ra ngoài khi chưa đến giờ ra chơi... Biểu hiện những rối nhiễu tâm lý ở lứa tuổi này cũng khác biệt. Với những trẻ em thiếu tự tin khi bắt đầu đi học thì đó là cảm giác sợ hãi khi lần đầu tiên phải xa người thân, phần lớn các em rơi vào một triệu chứng là lo lắng, sợ hãi và sợ bị bỏ rơi... Cha mẹ cần phải gần gũi quan tâm và thấu hiểu để trẻ không tự xoay xở một mình. Hầu hết các bậc cha mẹ đều nhận thức được điều này. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rằng chúng ta rất dễ làm mất đi sự tự tin của trẻ bằng những lời nói, việc làm, bằng những hành vi và cách cư xử. Việc học hành của trẻ không tốt cũng thường khiến trẻ dễ bị thiếu tự tin hơn những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi bắt đầu đến trường rất quan trọng, sẽ giúp trẻ tăng cường tính tích cực, chủ động và tự tin. Những đứa trẻ tin vào chính minh luôn sẵn sàng đương đầu với những điều mới lạ, kết bạn và gặt hái thành công. Những đứa trẻ tự ti thì ngược lại, lo sợ mọi thứ và luôn thất bại. Sự tự tin của trẻ có quan hệ với những thành công trong học tập và ngoài xã hội của chúng.

Bồi dưỡng cho trẻ lòng tự tin trong cuộc sống nói chung và tự tin khi đến trường là cả một quá trình và trẻ rất cần sự đồng hành của các bậc cha mẹ, cũng giống như việc chăm sóc một chồi non để thành một cây lớn cứng cáp phải cần bao công sức và thời gian.

Trước hết, cha mẹ hãy giúp trẻ tự tin về thân thể của chúng. Đây là cơ sở để trẻ tự tin vào cuộc sống. Tiếp đó, gia đình hãy tìm hiểu hứng thú của trẻ đối với việc học tập và động viên kịp thời nếu con gặp khó khăn hay rắc rối để trẻ bớt lo lắng, sau đó nếu cần hãy đồng hành với trẻ để tìm cách giải quyết vướng mắc. Không nên ép buộc trẻ học quá nhiều hoặc phải giống như người khác. Hãy trang bị cho trẻ một số kỹ năng giao tiếp cần thiết như kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng định hướng trước khi giao tiếp, kỹ năng điều khiển quá trình giao tiếp theo ý muốn của mình…Đây là những công cụ sắc bén giúp trẻ tự tin khi hòa nhập với bạn bè. Khuyến khích trẻ trò chuyện, trao đổi những vấn đề trẻ gặp phải, một mặt giúp trẻ diễn đạt được những gì mình mong muốn, mặt khác đây là cách cha mẹ thu thập thông tin từ con một cách khách quan. Từ đó, có cách giáo dục cho phù hợp.

Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường

Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường nhằm tạo một môi trường học đường thân thiện, có nhiều niềm vui... để trẻ thoải mái thích thú khi đến trường. Giúp con quen dần với thời gian biểu mới. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ sẵn sàng đến trường như những điều hiển nhiên trong cuộc sống kiểu con trẻ đi học giống như mẹ ba đi làm. Vào những ngày kề ngày đến trường, cần nói cho con hiểu tại sao những đứa trẻ phải cần đến trường và sẽ được lợi ích gì khi đi học. Phải xây dựng cho bé những khung cảnh khiến bé thích thú và hào hứng khi chuẩn bị nhập học. Động viên, khuyến khích con kịp thời khi con có biểu hiện lo lắng, băn khoăn. Hãy tỏ ra rõ thái độ đồng cảm của cha mẹ dành cho con cái. Nói với con là bạn hiểu nỗi lo lắng và khi còn nhỏ bạn cũng từng có cảm giác tương tự như vậy. Hãy bảo con nếu gặp khó khăn, đã có cha mẹ luôn đồng hành để giải quyết. Cha mẹ cố gắng làm tốt việc kiểm tra sức khỏe tổng quát cho con trước năm học mới. Đặc biệt là tập trung khám thị lực, thính giác, răng miệng là những việc rất quan trọng đối với con, vì thể chất mạnh khỏe sẽ giúp trẻ có một tinh thần tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết. Cha mẹ hãy đưa con đến trường vài lần trước khi học chính khóa... để con không cảm thấy bị bỏ rơi và tự tin hơn khi một mình đến trường. Lòng tự tin của trẻ sẽ được vun đắp tùy vào cách cư xử của cha mẹ. Hãy đồng hành tích cực với con vì tương lai của gia đình và xã hội.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)