Thứ năm, 7/12/2017, 23h53

“Gỡ nút thắt” để bảo vệ con

Một phụ huynh nêu ý kiến tại chương trình

Vừa qua, Trường Mầm non 15 (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã tổ chức chương trình “Hãy bảo vệ con” nhằm trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho giáo viên, phụ huynh xung quanh vấn đề “nóng” hiện nay là phòng tránh xâm hại và bạo hành trẻ.

“Con tôi mới đi nhà trẻ được một tuần nhưng suốt cả tuần đó, đêm nào cháu ngủ cũng mớ, hốt hoảng. Sáng ra đi học thì khóc lóc, không chịu đi. Như thế có phải cháu đã bị cô giáo bạo hành không?”, một phụ huynh đặt câu hỏi. Chia sẻ băn khoăn này, cô Phan Thị Ánh Hiệp (Hiệu trưởng nhà trường) giải thích: “Thông thường trẻ mới đi học, do thay đổi môi trường nên rất dễ bị hoảng loạn, sốt, ói, khóc lóc mỗi sáng. Phải mất một đến hai tuần đầu tiên trẻ mới có thể thích nghi được với môi trường mới. Vì thế, cha mẹ đừng thấy con mình mới đi học có những biểu hiện trên mà vội vàng quy kết cô giáo bạo hành”.

Trước những thắc mắc của phụ huynh về cách giáo viên phạt trẻ có phải là một hình thức bạo hành, cô Hiệp khẳng định lằn ranh giữa bạo hành và răn đe giáo dục trẻ rất mong manh. Những hình phạt nhiều khi chỉ mang tính chất răn đe trẻ. Tuy nhiên, nếu người giáo viên không có cách xử lý sư phạm đúng rất dễ khiến phụ huynh hiểu nhầm. “Giáo viên trước khi phạt trẻ cần phải nêu rõ lý do cho trẻ hiểu, đồng thời phải trao đổi với phụ huynh”, cô Hiệp nhắn nhủ. Để nhận biết bạo hành ở trẻ, TS. xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) cho biết cách tốt nhất là cha mẹ đồng hành cùng con. Chỉ khi đồng hành cùng con như những người bạn, cha mẹ mới hiểu con mình đang gặp vấn đề gì. “Phụ huynh đừng nghĩ con mình còn nhỏ mà chưa chú trọng đến việc giáo dục con trước những kiến thức về giới tính và vấn đề xâm hại. Khi trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, phụ huynh và giáo viên nên dạy trẻ cách phân biệt nam nữ dựa trên quần áo, đầu tóc. Dạy trẻ đi vệ sinh riêng biệt giữa bạn nam và bạn nữ, thay quần áo nơi riêng tư, nói cho trẻ nghe về những tình cảm bạn bè. Bằng cách này sẽ giúp trẻ dần hình thành nên ý thức giới tính, từ đó giúp trẻ tự bảo vệ bản thân mình, phòng tránh xâm hại”, TS. Thúy phân tích. Trước băn khoăn của phụ huynh làm thế nào để nhận biết xâm hại ở trẻ, TS. Thúy nhận định, căn cứ vào biểu hiện của trẻ như sợ người lạ, tinh thần hoang mang. “Trẻ ở độ tuổi này, dù còn nhỏ nhưng hết sức nhạy cảm. Khi trẻ có những biểu hiện đó, phụ huynh nên bình tĩnh tìm hiểu và theo sát trẻ, sẽ nhận biết được trẻ bị xâm hại ở mức nào”, TS. Thúy cho biết.

Sau khi liên tiếp những vụ bạo hành, xâm hại trẻ bị phanh phui, các thầy cô và phụ huynh trong trường cực kỳ hoang mang. “Chương trình như một cách trấn an phụ huynh và giáo viên trước bê bối bạo hành trẻ của những người làm giáo dục sai cách. Từ đó gắn kết mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường, cùng đồng hành giáo dục trẻ tốt hơn”, cô Hiệp chia sẻ.

Trần Yên