Thứ ba, 1/12/2015, 23h00

Góc nhìn nhà giáo: Vì sao học sinh ít phát biểu?

Không chỉ riêng bậc học nào, nếu người thầy không say mê, không hết lòng… thì học sinh (HS) luôn ngồi im, mong sao cho mau hết giờ; chẳng thèm phát biểu làm gì cho mệt!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bài giảng một chiều này (mặc dù có đổi mới phương pháp, lấy HS làm trung tâm…).

Một là chương trình các môn học vẫn còn nặng nề; giáo viên lo “chạy theo” khối lượng kiến thức đã mệt, nói gì đến việc đặt câu hỏi, khơi gợi vấn đề. Nếu đặt câu hỏi, nêu vấn đề ra ngoài nội dung bài dạy (dù có liên quan) thì sẽ bị phê bình, nhắc nhở phải bám theo sách giáo khoa!

Hai là kiến thức quá hàn lâm, nặng về lý thuyết nên những câu hỏi vận dụng vào thực tế thì HS không vận dụng được. Vì vậy, các em đành… ngồi im cho “ổn thỏa”.

Ba là các em phải học thêm nhiều, liên tục nên thời gian tự học, tự tìm hiểu; mở rộng, nâng cao kiến thức hầu như không có. Từ đó, dẫn tới tình trạng ỷ lại, trông chờ vào thầy cô giải đáp; không tự mình giải đáp được. Việc học thêm đã triệt tiêu tính tự chủ, tính năng động; tự giải quyết vấn đề của người học.

Bốn là nội bộ HS thiếu tính cộng đồng; còn chê bai nhau khi một bạn phát biểu nhiều (nào là “thích làm nổi”, nào là “có vẻ ta đây”…) nên dần dần những HS này cũng chán nản, phải theo số đông là… ngồi yên lặng!

Năm là thầy cô thiếu nhiệt tình, say mê bộ môn. Mình đã không say mê thì làm sao truyền được ngọn lửa say mê cho các em? Họ coi việc dạy cũng như bao công việc khác; dạy xong bài rồi về nhà; chẳng cần quan tâm HS năng động, hiểu bài ra sao nên không đầu tư cao cho bài giảng.

Sáu là người dạy thiếu kiến thức khi nêu và khi HS trả lời câu hỏi. Việc vận dụng kiến thức liên môn, liên ngành để cho bài giảng sinh động thì chưa làm được. Khi HS trả lời xong, giáo viên không động viên, khuyến khích. Ngược lại, có khi còn tỏ ra khó chịu, dè bỉu, gay gắt khi HS trả lời chưa “trùng khớp ý” với mình!

Mặt khác, do trình độ người dạy, trình độ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy nên giáo viên dạy môn nào chỉ biết kiến thức môn đó (thực ra, các môn học đều có mối quan hệ hữu cơ với nhau). Một giáo viên môn lịch sử, địa lý mà không có vốn văn học; vốn ca dao, tục ngữ thì khó làm cho bài giảng sinh động!

“Các vị ngồi đây trong lặng yên” là câu thơ của Huy Cận mà chúng tôi thường nói với nhau khi chứng kiến cảnh lớp học: Bên cạnh học sinh thụ động là sự thiếu chủ động, thiếu sự định hướng tranh luận của người dạy…

THẠCH HOÀI LAM (Nhà giáo ở Sóc Trăng)