Thứ ba, 25/4/2017, 22h09

Góp ý chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Có thi mới học, không thi sẽ không học. Đó là nỗi lo của người trực tiếp giảng dạy lớp cuối cấp khi thi cử thay đổi trong những năm qua. Thế nhưng, trước tình hình thay đổi thi cử như hiện nay cũng như dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất phù hợp. Những lý do sau đây cho thấy việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là chính đáng để đỡ lãng phí nhiều thứ, phù hợp với cách học và thi theo chương trình mới. Thứ  nhất, cách thi cử như hiện nay thì học sinh dễ dàng đậu tốt nghiệp. Chỉ có những học sinh quá yếu, hay những học sinh vi phạm nội quy, hay có những lý do ngoại lệ khác thì mới… rớt. Tỉ lệ đậu quá cao thì tốt nhất để các trường xét và công nhận tốt nghiệp khi các em hoàn thành tốt chương trình. Ngoài ba môn thi bắt buộc, học sinh tập trung cho tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội (hay có những em chọn cả hai tổ hợp) thì không có gì là khó có tấm vé tốt nghiệp THPT. Thứ hai, việc học sinh xét tuyển vào ĐH dễ như hiện nay, chỉ cần tốt nghiệp THPT là các em vô tư trở thành sinh viên ĐH. Chỉ có những em không muốn vào ĐH thì mới… rớt. Những năm qua, tình trạng thí sinh xét tuyển vào ĐH lại “khó như… rớt ĐH” nên việc công nhận tốt nghiệp cho các em là điều dễ hiểu. Thứ ba, chính vì khó như… rớt ĐH nên sinh viên tốt nghiệp ra trường để thất nghiệp với con số báo động. Từ đó, số học sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT chọn con đường học nghề hay đi làm công nhân ngày càng nhiều. Nếu bỏ thi tốt nghiệp thì những em chọn con đường này đỡ tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 có thể công nhận kết quả tốt nghiệp thì các em ít nhất cũng đỡ tốn thời gian (cũng như công sức và tiền bạc) hơn một tháng như hiện nay.

Đó là những lý do cần bỏ thi tốt nghiệp THPT. Theo dự thảo, việc dạy và học theo chương trình mới - sẽ có nhiều đổi mới gắn liền với thực tế thì việc bỏ thi tốt nghiệp THPT càng nên sớm áp dụng. Theo đó, một trong 3 hình thức đánh giá mà dự thảo chương trình mới đặt ra, đó là việc học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả theo quy định của Bộ GD-ĐT là được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Như GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ rằng, theo chương trình mới thì học sinh sẽ được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, giao cho học sinh những đề án nghiên cứu và nếu các em thực hiện tốt các đề án đó sẽ được tính điểm tốt, không nhất thiết lúc nào cũng tập trung vào kiểm tra lý thuyết và kỹ năng làm bài tập. Và khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng nghĩa với việc bỏ tên gọi kỳ thi tốt nghiệp THPT và nên gọi là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ như trước đây, đúng nghĩa với mục đích của kỳ thi.

Khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay cấp cơ sở, ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên cần tránh bệnh thành tích về tỉ lệ đậu ĐH mà xem nhẹ những môn học không thi cử. Cần thực hiện nghiêm túc dạy và học đúng chương trình, nghiêm khắc để học sinh không coi thường môn học, những học sinh chưa đạt yêu cầu thì không nên công nhận tốt nghiệp. Có như vậy thì nền giáo dục nước nhà mới thực sự “chất”.

Hoàng Thái Hùng
(Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)