Thứ ba, 6/10/2015, 21h55

Góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X: GD-ĐT TP.HCM: Tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong

TS. Huỳnh Công Minh đang phát biểu tại một hội thảo khoa học về đổi mới GD. Ảnh: H.Triều

TP.HCM với vai trò, vị trí và điều kiện vốn có, sự nghiệp GD-ĐT địa phương trong thời gian qua đã phát huy tích cực truyền thống tiên phong của mình. Từ những ngày đầu giải phóng - nhanh chóng mở cửa trường phục vụ con em nhân dân, đến công cuộc đổi mới - thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục (GD), triển khai hiệu quả nghị quyết của Đảng về GD và công nghệ, thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp theo tinh thần Quyết định 02/2003/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đón đầu hội nhập quốc tế và đi đầu xây dựng những mô hình nhà trường tiên tiến thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD của Đảng và Nhà nước.

GD-ĐT TP.HCM nhiệm kỳ Đại hội X diễn ra trong bối cảnh cả nước thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 29/TW của Trung ương. Chúng ta phải làm gì trong bối cảnh ấy?

Xin kiến nghị một số giải pháp cơ bản như sau:

Phải trung thành và kiên định với những chuẩn mực đã đề ra của nhà trường

GD phải có yêu cầu - Yêu cầu mục tiêu đề ra để người học phấn đấu, người dạy lao động sáng tạo đạt đến và xã hội tin yêu sử dụng, uy tín nhà trường được nâng cao. Từ khi chúng ta đưa chuẩn quốc tế vào, tình hình dạy và học tiếng Anh khác hẳn, phong trào tiếng Anh có sức sống mạnh mẽ tại địa phương… Bên cạnh chuẩn chuyên môn, một loại chuẩn mực khác cũng rất cần được quan tâm thực hiện là thể chế tổ chức nhà trường, sĩ số ít trong lớp học. Nhà trường các nước phát triển sĩ số thường là 20 HS/lớp, chúng ta cố gắng phấn đấu 30 HS/lớp và tuyệt đối không để sĩ số lên đến 40, 50 HS/lớp.

Sĩ số trong lớp là một vấn đề rất hệ trọng trong công cuộc đổi mới nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học và đặc biệt là đổi mới mục tiêu dạy học từ khoa bảng sang năng lực, hình thành nhân cách con người.

Xung quanh vấn đề sĩ số ít trong lớp vẫn còn một số ý kiến cần phải được nói rõ hơn:

+ Giảm sĩ số trong lớp, mức đầu tư sẽ bị giảm theo? Đây là một thực tế nếu nguồn ngân sách được phân bổ theo đầu HS, nhưng tại TP.HCM từ năm 2009, UBND TP đã cho phân bổ theo số lượng GV từ Thông tư liên bộ số 35/TTLB của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT và Quyết định số 50 của UBND TP với mức lương trung bình theo quy định hiện hành. Trong nhà trường, chúng ta không thể khoán số lượng HS như khoán sản phẩm trong các hoạt động kinh tế.

+ Giảm sĩ số trong lớp, trường lớp có khó đáp ứng? Với cơ chế xây dựng trường học tại TP.HCM theo tinh thần Quyết định 02/2003/ QĐ - UBND, từ khi ban hành đến nay, trung bình mỗi năm ngân sách đã đầu tư cả ngàn tỷ đồng để xây dựng trường học theo quy hoạch đã được phê duyệt qui củ, trường lớp ngoài công lập cũng phát triển rất mạnh tại địa phương. Như vậy trường lớp không thiếu, vấn đề là phân bổ như thế nào cho phù hợp theo chuẩn đổi mới hội nhập quốc tế hiện nay. Trong thực tế, chúng ta đều biết rằng hiện nay vẫn còn có trường không đủ HS nhưng cũng có trường thì quá tải đến 50, 60 HS/lớp.

+ Với sĩ số trong lớp như cũ, nhà trường vẫn hoàn thành nhiệm vụ? Đây là vấn đề thuộc lĩnh vực nhận thức, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực năng lực thay cho khoa bảng thì sự tương tác giữa thầy và trò là một tiêu chí không thể thiếu của nhà trường mới. Trong cách dạy học mới, GV không nói nhiều mà phải lắng nghe HS nói, quan sát HS làm nhiều hơn, nên tất yếu HS trong lớp phải ít, không thể nhiều như cũ được.

Thông tư 30/TT-GDĐT của Bộ GD-ĐT về thay đổi cách đánh giá HS tiểu học là một chủ trương đổi mới tích cực theo xu hướng của thế giới, nhưng dư luận đã phải tốn rất nhiều giấy mực là do sĩ số trong lớp chưa thay đổi theo chủ trương đổi mới đánh giá nói trên.

Phải quan tâm đúng mức đến việc đào tạo, bồi dưỡng CBQL và GV

Một số trường lớp ở vùng sâu, vùng xa không đủ HS đến lớp (sĩ số ít trong lớp) nhưng chất lượng dạy và học chưa cao (GV dạy học thiếu và yếu).  Đây là sự chưa đồng bộ, sĩ số ít trong lớp là cần nhưng chưa đủ cho công cuộc chấn hưng GD vì trình độ GV là một vấn đề mang tính then chốt.

Là những người trong ngành, ai quan tâm đến công cuộc đổi mới hiện nay cũng đều thấm thía rằng phải thay đổi cách dạy cho người GV, mỗi thầy cô giáo đều phải cập nhật về phương pháp và kỹ năng dạy học mới, không nên để thầy cô giáo phải tự lực tìm tòi học tập trong điều kiện hết sức khó khăn như hiện nay. Tu nghiệp là một chế độ phải có trong thời đại ngày nay, nhất là trong lĩnh vực giáo chức.

Phương thức đào tạo bồi dưỡng GV cũng phải được đổi mới khác với những lần bồi dưỡng trước đây, nông cạn, nhàm chán, thiếu hiệu quả. Nhất thiết phải thực hiện theo từng chuyên đề cần thiết cho từng đối tượng, gắn liền với thực hành, trải nghiệm và kế hoạch chuyên môn đổi mới nhà trường.

Phải tạo điều kiện thỏa đáng cho thầy cô giáo thực thi nghề nghiệp cao quý của mình

Điều kiện làm việc của thầy cô giáo là bệ phóng cho những kỹ sư tâm hồn thăng hoa, thực thi một cách đầy đủ thiên chức của mình. Ngược lại sẽ làm thui chột nhà giáo, từ bỏ cái nghề sáng tạo ra những con người sáng tạo để trở về với cuộc sống tầm thường, bon chen, tính toán, so đo, thậm chí còn giả dối.

Theo góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X của TS. Huỳnh Công Minh, thành phố phải tạo điều kiện thỏa đáng cho thầy cô giáo thực thi nghề nghiệp cao quý của mình. Ảnh: H.Triều

+ Điều kiện ấy trước hết là thu nhập, tiếp đến là các chế độ trị bệnh, nhà ở và học hành… đảm bảo đời sống vật chất lẫn tinh thần để người GV có thể an tâm, toàn tâm toàn ý cho công việc dạy người. Trong lịch sử nhà trường nước ta, có lúc lương gấp 5 lần yêu cầu tiêu dùng hàng tháng của cá nhân GV ấy. Từ đó, người GV nào cũng phải tự trọng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất để xứng đáng. Sự tôn trọng của gia đình và xã hội đối với GV cũng rất chân thật, không đối phó, giả tạo, giá trị nhân văn trong đời sống xã hội luôn được giữ gìn và phát huy.

+ Tiếp đến là điều kiện về thời gian và không gian làm việc. Hiện nay có rất ít trường bố trí được chỗ làm việc và nghỉ ngơi cho GV, hoặc có bố trí nhưng không đủ các yếu tố cơ bản để GV soạn bài, chấm bài, nghiên cứu, tiếp phụ huynh… Về thời gian chủ động của GV cũng còn eo hẹp do những kế hoạch đột xuất, thiếu ổn định của nhà trường thường xuyên xảy ra theo kiểu phong trào, không phù hợp với lao động trí óc vốn có.

+ Điều kiện về chế độ lao động của ngành nghề. Thời gian gần đây, nhà trường có chủ trương chính thức cho phép “dạy thêm học thêm” trong trường, là thời điểm bắt đầu khó khăn cho những thầy cô giáo chân chính chỉ biết dạy hết lòng cho sự tiến bộ của HS không biết giữ “ngón” để dạy thêm như đồng nghiệp! Đây là một chủ trương điển hình của các cấp quản lý gây ảnh hưởng tiêu cực trong ngành cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành để tạo điều kiện về chế độ và giá trị lao động tích cực cho GV.

Thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua là những tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ mới sắp đến. Nhưng những điển hình vừa qua chỉ là những điểm son đơn lẻ mở đường mà phải bằng những nét vẽ vừa nêu góp phần làm cho bức tranh GD-ĐT TP.HCM ngời sáng, hệ thống GD quốc dân của địa phương được nâng lên một đẳng cấp mới so với khu vực và thế giới, để mãi xứng đáng với vai trò tiên phong của hòn ngọc Viễn Đông danh bất hư truyền.

TS. Huỳnh Công Minh

(Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)