Thứ ba, 26/6/2012, 10h06

Hà Nội: Lương công nhân không đủ nuôi thân

KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội ) là nơi có hàng nghìn công nhân đến từ nhiều tỉnh thành phố trong cả nước đang làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Dù mang bầu nhưng Ngọc Yên vẫn chỉ dám ăn cơm với rau và khoai vì cuối tháng hết tiền.
Trời nhá nhem tối tôi mới gặp nhóm công nhân của Cty Canon về xóm trọ tại thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Dọc đường vào các xóm trọ trong khu dân cư là chợ cóc mọc len lỏi.
Thu Đào, 19 tuổi (ở Đại Từ, Thái Nguyên) trả tiền mớ rau muống, tâm sự: “Tháng này chưa được nhận lương nên em không còn tiền mua đồ ăn mặn, chỉ dám mua mớ rau về nấu canh chan ăn cho xong bữa. Mà một mớ rau ở đây cũng đắt gấp 3 lần quê em”.
Căn phòng Đào thuê rộng 15 m2 nằm trong một dãy nhà trọ có 8 phòng không có vật dụng nào giá trị, ngoài cây quạt đứng. Đào cho biết, vừa mới tăng lương thêm 300.000 đồng thì ngay lập tức chủ nhà trọ tăng giá tiền phòng từ 500.000 đồng lên 600.000 đồng/tháng, tiền nước 40.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng, tiền điện 3.000 lên 4.000 đồng/kwh.
Thu nhập của Đào tổng cộng được 2,8 triệu đồng/tháng. Năm nay 19 tuổi, với thu nhập chỉ đủ chi tiêu không có tích luỹ, nên Đào không dám mơ tương lai chuyện chồng con sẽ ra sao.
Đào kể: “Có những hôm nóng quá em không ngủ được, đêm phải đặt chậu nước trước quạt rồi dùng khăn mặt ướt đắp lên người để chống nóng. Cả ngày làm việc vất vả, ăn không đủ chất rồi đêm cũng ngủ không ngon nhưng vẫn phải bám trụ, vì về quê biết làm gì, bố mẹ lại
phải nuôi”.
Cạnh phòng Đào là phòng của Ngọc Yên (quê Hiệp Hòa, Bắc Giang) có thâm niên 4 năm đi làm cho Cty TNHH Hoya.
Không giấu được nỗi lo lắng khi đang mang bầu 3 tháng, Yên cho biết, em mới được tăng lương với tổng thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn không đủ chi tiêu vì ăn uống bây giờ đắt đỏ. Em đang có bầu nên không thể ăn sơ sài như ngày trước được.
Thu Đào không giấu diếm chuyện “góp gạo thổi cơm chung” với người yêu tại nhà trọ. Bởi theo Đào, sống chung, cũng giảm được chi phí ăn uống, sinh hoạt, đồng thời cũng cảm giác yên tâm hơn.
Dạo qua các phòng trong xóm trọ có đến 7/8 phòng nam nữ công nhân trong KCN sống chung.
“Cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt như ghen tuông, cãi vã nhưng vì cuộc sống khó khăn nên mới phải chấp nhận. Con trai làm trong KCN ít, con gái thì đông nên nhiều cô có muốn cũng không có người yêu mà rủ về ở cùng” - Đào ngậm ngùi.
Ngọc Mai (TPO)