Thứ ba, 30/5/2017, 15h58

Hạ tầng đói vốn

TPHCM đã huy động nhiều nguồn vốn xây dựng các công trình cầu, đường… Tuy nhiên, nhiều công trình vẫn chưa phát huy hết tác dụng do chưa được kết nối đồng bộ mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn.

Tuyến đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn ứ các phương tiện giao thông      Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Tuyến đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn ứ các phương tiện giao thông Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Nhiều công trình dang dở

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, trên địa bàn TPHCM hiện còn khá nhiều dự án giao thông chậm tiến độ kéo dài do thiếu vốn. Đơn cử như dự án đường Vành đai 2 là tuyến đường quan trọng giúp tăng năng lực giao thông của TP và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời giải quyết tình trạng xe tải, xe container đi xuyên qua trung tâm TP, nhất là các quận 2, 4, 7, 9, Thủ Đức và huyện Bình Chánh, giải tỏa cơ bản tình trạng ách tắc giao thông cho khu vực Cảng Cát Lái, Cảng Phú Hữu. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đường Vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 70km, bao gồm nhiều trục đường kết nối thông nhau, tạo thành đường vòng quanh khu vực nội đô. Cụ thể, tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ, nối vào đường vành đai phía đông ra đến ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội), sau đó đi thẳng đến ngã tư Gò Dưa, nối vào quốc lộ 1A, đi về nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ (quận Bình Tân) để khép vào đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, tuyến đường này chỉ mới cơ bản hoàn thành được khoảng 55km, hiện còn 2 đoạn hở vẫn chưa thể khép kín. Đó là đoạn từ cầu Phú Hữu đến nút giao thông Gò Dưa (dài 9km) và đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2km). Nói là 2 đoạn, song thật sự khối lượng còn lại không hề nhỏ, bởi riêng đoạn Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa lại chia thành nhiều dự án nhỏ (đoạn từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái - xa lộ Hà Nội, đoạn ngã tư Bình Thái đến ngã ba Linh Đông và từ ngã ba Linh Đông - nút giao thông Gò Dưa). Chính vì vậy, tuy TP đã bỏ ra hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng cầu Phú Mỹ và cầu Phú Hữu với mục tiêu là khép kín đường Vành đai 2, thế nhưng đến nay, một số đoạn của tuyến đường này vẫn chưa thể thông suốt vì thiếu vốn thực hiện. 

Một dự án quan trọng khác là dự án đường song song với đường Cộng Hòa nhằm giải quyết nạn ùn tắc kinh niên tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến đường này dài khoảng 4,3km, điểm đầu nối từ đường Trần Quốc Hoàn, chạy song song với đường Cộng Hòa, sau đó nối với đường Cộng Hòa tại đoạn gần giao lộ với đường Trường Chinh (quận Tân Bình). Theo tính toán sơ bộ của Sở GTVT, chi phí đầu tư cho con đường với 6 làn xe khoảng 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, tại khu vực này, còn có dự án đường trên cao kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất dài khoảng 3.240m, với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Điểm đầu từ nhà ga quốc tế T2, xây cầu cạn chạy qua trước nhà ga quốc nội T1 ra đường Thăng Long, đi dọc đường Thăng Long qua đường Phan Thúc Duyện, đi qua công viên Hoàng Văn Thụ, vượt qua nút giao và tiếp đất tại 2 nhánh trên đường Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Văn Trỗi. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ thực hiện 2 dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh và Âu Cơ - khu vực thường xảy ra ùn tắc, kẹt xe thuộc địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú, với tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng. 

Linh hoạt hình thức thực hiện

Ngày 17-4 vừa qua, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho TP được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với 12 dự án giao thông do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội. Dự kiến, tổng mức đầu tư của 12 dự án này hơn 66.000 tỷ đồng. Trong đó, có những dự án cấp bách cần xây dựng ngay, như dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 2 để hình thành được tuyến tránh cho các phương tiện giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực phía đông của TP…

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, sở này đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án còn lại, nhằm khép kín đường Vành đai 2. Hiện, TP đang kêu gọi đầu tư 3 đoạn chưa được khép kín thuộc tuyến đường này, với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng. Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu - nút giao thông Bình Thái dài gần 4km, rộng 67m, với vốn đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng. Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái (quận 9) đến ngã ba Linh Đông (đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức) dài 2km, rộng 67m với số vốn khoảng 1.505 tỷ đồng. Đoạn 3 từ nút giao thông An Lập - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dài 5,3km, rộng 60m, có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM đã chấp thuận giao 2 doanh nghiệp lập đề xuất dự án Xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh) theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT). 

Theo Sở GTVT TPHCM, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn ngân sách, khả năng bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn (2017-2020) chưa có, thực tế kêu gọi nguồn vốn ODA bị hạn chế và có nhiều công trình cần ưu tiên, việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư với quy mô thích hợp là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay. Ngoài ra, TP sẽ huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư phát triển đô thị; tuy nhiên, hình thức này cũng gặp khó khăn vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang lại lợi nhuận không cao như những lĩnh vực khác.
Về dự án đường trên cao vào sân bay Tân Sơn Nhất, theo chủ đầu tư, TPHCM chỉ hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 450 tỷ đồng, phần còn lại 2.150 tỷ đồng sẽ do doanh nghiệp ứng vốn xây dựng, sau khi hoàn thành, TP có thể hoàn vốn bằng quỹ đất. 

QUỐC HÙNG/ SGGP