Thứ tư, 31/8/2016, 21h13

Hai lần khởi nghiệp từ tay trắng

Shop hoa mang tên Hoa Yêu Thương (HYT), có 35 nhân viên với thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/ tháng. Chủ shop là anh Phạm Hoàng Thái Dương, người khá thành công trên con đường khởi nghiệp của anh khi áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc kinh doanh hoa tươi.

Rời IT đến hoa tươi

Có lẽ đó là ngã rẽ ngoạn mục trong quá trình khởi nghiệp của Thái Dương, người con của vùng cao nguyên Đạ Tẻ (Lâm Đồng). Vốn có niềm đam mê CNTT, nên sau khi tốt nghiệp cử nhân, anh mở công ty chuyên gia công phần mềm và đã phát triển tốt ở thời điểm năm 2010. Tuy nhiên qua quá trình kinh doanh đã gặp phải sự cố về khủng hoảng vốn nên chàng trai trẻ quyết định “dừng cuộc chơi” và rời công ty với hai bàn tay trắng. Trong lúc đi lang thang để tìm ý tưởng mới, anh mua hoa tươi tặng cho một người bạn và nhận ra phân khúc ở thị trường điện hoa còn sơ khai, chưa có ai dùng CNTT để khai phá. Khi đó nhiều nước trên thế giới đã thành công khi áp dụng CNTT vào kinh doanh ngành này. Biết là không thể so bì, nhưng anh biết Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích trồng hoa lớn nhất châu Á - khoảng 8.000ha, nghĩa là có tiềm năng rất lớn. Nghĩ vậy nên anh quyết định bắt tay vào kinh doanh hoa tươi với số vốn là 700 USD do một người bạn cho mượn. Rồi Dương tự lập website, tự mua hoa về cắm và đi giao 12 đơn hàng online trong ngày bán đầu tiên vào ngày 20-10-2010.

Tuy nhiên, khi kinh doanh hoa tươi, ông chủ trẻ đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Dương kể có lần vào cuối tháng 5-2011, anh bị đuổi ra khỏi nhà trọ khi trong túi còn đúng 500.000 đồng. Tết 2014, một lần nữa anh lại bị phá sản với số nợ lên đến 300 triệu đồng. Thất thểu về quê ăn Tết với gia đình trong khi tiền trong túi đã cạn, cha mẹ vì thương con nên đã bắt con trai cam kết sẽ từ bỏ ngành hoa và anh cũng đã hứa. Tết xong, ngày trở lại Sài Gòn, trong túi Dương chỉ có vỏn vẹn 350.000 đồng. Đang nản lòng, một người bạn đã khuyến khích anh trở lại nghề hoa lần nữa để kinh doanh dịp Valentine 14-2 và Quốc tế Phụ nữ 8-3. Từ lời động viên của bạn, Dương đã quyết định đi cầm chiếc máy ảnh được 15 triệu đồng và coi như đây là phiên “đặt cược cuối cùng”. Tuy nhiên, để “bảo toàn” số vốn buôn bán cho ngày 14-2, anh đã năn nỉ chủ nhà cho khất nợ tiền thuê nhà thêm 15 ngày nữa. May mắn là sau hai đợt bán hoa ngày 14-2 và 8-3, Dương đã vực công ty hoạt động trở lại.

Để việc kinh doanh tiếp tục có những bước phát triển mới, vốn là “dân CNTT”, Dương đã chủ động đưa vào vận hành HYT dựa trên rất nhiều công nghệ như quảng cáo, eCommerce, quản lý, phân tích… Hiện nay website của HYT tương thích trên cả phiên bản di động lẫn PC. Ứng dụng này vừa dành cho khách hàng, vừa hỗ trợ đắc lực cho nhân viên giao hoa, cắm hoa sắp xếp lịch làm việc một cách dễ dàng, thuận lợi. Riêng “ông chủ” cũng sử dụng CNTT để quản lý, điều hành công việc từ xa. Dương khẳng định, vai trò của công nghệ chiếm 50% trong sự thành công hiện tại của công ty, còn 50% còn lại là trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Để dần mở rộng thị trường, không chỉ tập trung phát triển ở cơ sở chính tại TP.HCM (quận 3), HYT đã liên kết với 150 shop hoa ở các tỉnh thành nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách rộng khắp.

Phục vụ 24/24

Tính tới thời điểm này, HYT là đơn vị đầu tiên và duy nhất phục vụ nhu cầu của khách hàng 24/24 giờ. Xuất phát từ thực tế trong 5 năm phục vụ, HYT thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại lúc nửa đêm về sáng cần đặt gấp một dịch vụ điện hoa.

Tháng 5 vừa qua, HYT cũng đã đầu tư một ứng dụng giao hoa tiện ích, có tên gọi là “Người giao hàng vui vẻ”. HYT xác định việc đầu tư này là “đầu tư cho cảm xúc của khách”. Vì thực tế khách hàng thường có tâm trạng nôn nóng, khi chờ hoa được giao tới. Do đó sau mỗi cuộc gọi thắc mắc của khách hàng về việc giao hoa, bộ phận tổng đài chăm sóc khách hàng phải mất từ 5-10 phút để dò tìm lại thông tin, liên lạc với người giao hoa, báo qua tổng đài… rồi mới có thể hồi đáp khiến khách hàng đôi khi không cảm thấy thoải mái. 

Với công nghệ này, HYT đã đầu tư hơn 200 triệu thiết kế hệ thống kết nối giữa người giao hoa, người điều hành shop hoa, người nhận hoa và người đặt hoa. Theo đó, trước khi giao hoa, bộ phận giao hoa sẽ dùng một phần mềm trên điện thoại chụp lại phiếu giao hàng, hệ thống phần mềm sẽ phân tích gửi link qua SMS cho cả người nhận và người đặt hoa để thông báo lộ trình người giao hoa bắt đầu di chuyển... Khi đó người nhận và người đặt hoa chỉ cần nhấn vào link trong SMS là có thể theo dõi lộ trình người giao hoa di chuyển và ước lượng thời gian giao hoa tới mà không cần phải cài bất cứ ứng dụng gì.

Ưu tiên dùng hoa Việt

Về nguồn hoa, anh Dương khẳng định hoa nội luôn là ưu tiên của HYT. Vì trong thời gian khởi nghiệp, anh nhận thấy nguồn hoa ngoại nhập ở Việt Nam rất được ưa chuộng, đặc biệt là hoa Trung Quốc, Thái Lan hoặc nguồn hoa từ châu Âu. Trong đó miền Bắc có số lượng hoa ngoại nhập rất lớn. Mục tiêu HYT hướng đến là xây dựng hệ sinh thái cho ngành hoa tươi Việt Nam, cho nên nếu đưa nguồn hoa ngoại vào việc phát triển của công ty là đồng nghĩa với việc “khai tử” thị trường hoa trong nước. Chưa kể đến yếu tố “hoa đẹp là do người cắm đẹp, cắm hoa có nghệ thuật, biết cách phối hợp thì sản phẩm đó vẫn gây được cảm xúc cho người thưởng thức, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn hoa”.

Theo Dương, sở dĩ HYT chỉ dùng hoa trong nước nhưng vẫn được lòng khách hàng là do giá tốt, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, chất lượng hoa tốt với cam kết hoa tươi từ 3 đến 5 ngày. Trong trường hợp hoa héo trước thời gian cam kết, khách hàng có thể đổi lại một lẵng hoa khác. Đây là điểm rất khác biệt so với việc mua hoa ở lề đường, vì nguồn hoa này có thời gian tươi tắn rất ngắn và rất có thể sẽ bị héo ngay trong ngày hôm sau.

“Bài toán của HYT không chỉ là mở một shop hoa ở TP.HCM, mà nó là bước khởi đầu để xây dựng hệ sinh thái ngành hoa tươi ở Việt Nam góp phần thúc đẩy ngành hoa tươi phát triển. Vì cho tới thời điểm này nước ta chưa có công ty hoa tươi nào giữ vai trò chủ đạo của tất cả các lĩnh vực liên quan đến hoa, từ đào tạo huấn luyện, cây giống cây trồng, sản xuất, kinh doanh, bán hoa lẻ theo ngành điện hoa”, Dương bộc bạch. Sứ vụ này theo Dương là rất cần thiết, vì thực tế đã có những người trẻ muốn trở thành thợ cắm hoa hay muốn trở thành một nhà kinh doanh hoa chuyên nghiệp nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu, thì hệ sinh thái sẽ cung cấp cho họ công thức để làm sao đạt được điều mình đang mong muốn, giúp họ học cách cắm hoa, cách kinh doanh, hiểu được đặc điểm của nguồn hoa, hoặc kiến thức về cách gieo trồng, cung cấp giống, đầu tư vốn, phát quỹ đầu tư về ngân hàng, hay là các hệ thống đấu giá, các sàn giao dịch hoa...

Quán quân của cuộc thi khởi nghiệp

Cùng với 300 đội thi tranh tài, vào ngày 22-12-2015, Phạm Hoàng Thái Dương cùng với Dự án HYT đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi thử sức kinh doanh Venture Cup 2015 (trị giá 15.000 USD) do Công ty Samsung tài trợ và nhận được đánh giá cao từ giới đầu tư là dự án có lộ trình dài và có tính khả thi ở Việt Nam. Dương hy vọng dự án xây dựng hệ sinh thái ngành hoa tươi thành công, sẽ thay đổi cuộc sống của người dân và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai.

Được biết, để tiến đến mục đích xây dựng hệ sinh thái về hoa, sẽ có hàng ngàn bài toán nhỏ cần giải quyết. Ở thời điểm này, HYT đang tập trung vào các bài toán ưu tiên cho điện hoa, “đầu ra” sản phẩm cho nông dân. Do đó, các giống hoa mới của nông dân trồng được HYT đều thu mua để giới thiệu ra thị trường.

Bích Vân