Thứ hai, 28/11/2016, 14h27

Hạn chế thấp nhất sự lây truyền vi rút Zika tại cộng đồng

Dịch bệnh do vi rút Zika hiện đang diễn biến phức tạp và số người nhiễm bệnh ngày càng gia tăng tại một số địa phương. Trước tình hình trên, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu về tình hình dịch bệnh và các hoạt động ứng phó của Việt Nam để phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Xin Cục trưởng cho biết về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới và ở nước ta hiện nay?

Hiện nay dịch bệnh do vi rút Zika vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Theo thông báo ngày 17/11/2016 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến nay đã có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. 

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 20/11/2016 đã ghi nhận 93 trường hợp mắc rải rác tại 9 tỉnh, thành phố. Số mắc tập trung ở khu vực phía Nam và chưa bùng phát thành dịch lớn (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa và Phú Yên); trong đó đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi mắc chứng đầu nhỏ nghi liên quan đến vi rút Zika tại Đắk Lắk. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế nhận định, vi rút Zika đã lưu hành tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ ghi nhận thêm các trường hợp mắc do sự giao lưu thương mại, du lịch giữa các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực; đồng thời do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh Zika đã lưu hành rộng trên cả nước và miễn dịch của cộng đồng với vi rút Zika còn thấp. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Trước tình hình diễn biến phức của dịch bệnh do vi rút Zika, đặc biệt là số người nhiễm vi rút Zika đang gia tăng, Việt Nam đã triển khai kịp thời những biện pháp gì?

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika, xây dựng kế hoạch đáp ứng dịch bệnh theo các tình huống: Dịch chưa xâm nhập; đã xâm nhập nhưng ghi nhận rải rác; dịch bùng phát. Bộ Y tế liên tục cập nhập tình hình và có thông tin khuyến cáo để người dân chủ động phòng chống, tránh gây hoang mang trong cộng đồng dân cư. Mục tiêu hiện nay là triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất sự lan truyền vi rút Zika tại cộng đồng và phòng Zika lây truyền ở các bà mẹ mang thai. 

Bộ Y tế cũng ban hành các hướng dẫn về giám sát, phòng chống, chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn chăm sóc phụ nữ mang thai và tổ chức tập huấn cho toàn bộ ngành y tế trên cả nước. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, trang thiết bị, để thu dung điều trị bệnh nhân nếu dịch xảy ra. 

Các hoạt động giám sát, phát hiện người mắc Zika được tăng cường, đặc biệt là có các biện pháp khám sàng lọc để phát hiện phụ nữ mang thai nghi mắc Zika và trẻ sơ sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến Zika; từ đó, có biện pháp tư vấn và điều trị phù hợp. Bộ Y tế cũng phát động chiến dịch người dân tự diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy để phòng vi rút Zika lần 1 và 2 trên quy mô cả nước. 

Ông có thể cho biết thời gian tới, ngành y tế sẽ có những biện pháp cụ thể gì để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh? Bộ Y tế có khuyến cáo gì đối với người dân, đặc biệt là phụ nữ đang và sẽ mang thai để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika?

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo địa phương tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết” lần 2 và huy động các nguồn lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Đồng thời, Bộ tiếp tục triển khai giám sát, theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, chủ động dự phòng các trường hợp mắc mới và dự phòng trẻ mắc chứng đầu nhỏ trong bối cảnh có vi rút Zika; chỉ đạo hệ thống sản khoa, nhi khoa tiếp tục triển khai quyết liệt sàng lọc, giám sát chứng đầu nhỏ trước và sau sinh, quản lý tốt thai nghén đặc biệt phụ nữ mang thai có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ để được tư vấn, xét nghiệm khi cần thiết. 

Ngành y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và người dân về tình hình dịch bệnh, các chỉ đạo, khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, đặc biệt đối với những phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai. 

Bộ Y tế thường xuyên cập nhật kế hoạch đáp ứng nhanh với vi rút Zika, quy trình giám sát, chẩn đoán xác định trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika, phác đồ điều trị bệnh do vi rút Zika; tổ chức tập huấn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em về khám sàng lọc, giám sát, xét nghiệm, theo dõi trẻ mắc chứng đầu nhỏ và các biện pháp xử lý đối với các phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang mang thai nhiễm vi rút Zika; tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. 

Bộ Y tế khuyến cáo: Bệnh do vi rút Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn. Loài muỗi này sống ở trong nhà, sinh sản trong các vật chứa nước sạch. Hơn 80% người nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện bệnh; còn lại biểu hiện bệnh nhẹ. Bệnh thường tự hết sau một tuần điều trị triệu chứng thông thường và không để lại di chứng gì, trừ trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể sinh con tật đầu nhỏ với tỷ lệ khoảng 1-10%. 

Để chủ động phòng chống bệnh, người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần thưc hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng (bọ gậy) như: Ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày; dùng kem xua muỗi, hương muỗi, vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Người dân loại bỏ loăng quăng (bọ gậy) bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào chum vại chứa nước, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, thu dọn các vật dụng không chứa nước, thường xuyên thay nước bình bông, bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, thu gom tiêu hủy các vật phế thải, lốp xe có thể gây đọng nước quanh nhà. 

Phụ nữ mang thai nên chủ động đăng ký theo dõi thai sản sớm để được theo dõi sức khỏe định kỳ, chẩn đoán trước sinh phát hiện chứng đầu nhỏ ở thai nhi. Nếu có biểu hiện nghi ngờ, hãy đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn điều trị, xét nghiệm khi cần thiết. 

Trân trọng cám ơn Cục trưởng!

Thu Phương (Thực hiện)/ Tin tức