Thứ năm, 20/4/2017, 08h18

Hạn chế xe máy, tăng xe ô tô: Có ổn?

Nếu hạn chế xe gắn máy để phát triển xe ô tô 4, 7 chỗ thì nỗ lực giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông (TNGT) là điều không thể làm được. Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tại Hội thảo Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP phối hợp với Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM tổ chức sáng 20-4.

PGS.TS Phạm Xuân Mai trả lời báo chí bên lề hội thảo. Ảnh: T.A 

Xe máy - “thủ phạm” gây ùn tắc giao thông

Thống kê cho thấy, hiện TP.HCM có 910 xe máy/ 1.000 dân, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới, con số này ở Hà Nội là 653; Băng Cốc (Thái Lan): 265; Delhi (Ấn Độ): 175; Jakarta (Indonesia): 160.

Một trong những nguyên nhân khiến lượng xe máy trên địa bàn TP nhiều được ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý GTVT đường bộ, Sở GTVT TP.HCM - lý giải: Tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP diễn biến phức tạp đã khiến lộ trình các tuyến xe buýt không đảm bảo, thời gian hành trình kéo dài không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy người dân phải chọn phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông.

Cũng theo ông Đức, sự xuất hiện dịch vụ kết nối vận tải thông qua ứng dụng như Uber, Grap dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân sở hữu xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng. Xe cá nhân tăng mạnh là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của xe buýt và áp lực lên vận tải hành khách công cộng trong tương lai.

PGS.TS Phạm Xuân Mai - ĐH Bách khoa TP.HCM - cho biết: Những năm gần đây, tại TP.HCM, TNGT hàng năm làm chết khoảng 700-800 người và hàng ngàn người bị thương. TNGT chủ yếu xảy ra ở khu vực nội đô (65%), trong đó do xe gắn máy gây ra là 71%. Quỹ đất TP hiện khoảng 26 triệu m2, không đủ sức chứa 75-80% lượng xe gắn máy hoạt động với tốc độ cho phép. Với diện tích chiếm chỗ khi di chuyển là 12m2, TP cần 91,2 triệu m2 mặt đường (gấp 3,5 diện tích hiện có). Do đó ùn tắc giao thông là tất yếu mà “thủ phạm” chính là xe gắn máy.

“Nhà nước phải thấy rằng sự tồn tại của xe gắn máy và công nghiệp xe gắn máy không hướng tới, thậm chí đi ngược lại xu hướng của một đô thị văn minh có hệ thống giao thông bền vững trong tương lai”, ông Mai nói.

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Minh Hòa - Giám đốc Diễn đàn Quốc tế phát triển bền vững đô thị châu Á tại Việt Nam - cho rằng, hạn chế xe cá nhân là xe gắn máy mà để xe ô tô 4, 7 chỗ phát triển thì quả là không ổn, bởi diện tích chiếm mặt đường của một xe 4 chỗ bằng 4-6 xe gắn máy.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Bích Hằng (ĐH GTVT, phân hiệu TP.HCM) khẳng định, TP.HCM có nỗ lực trong quản lý nhu cầu giao thông. Tuy nhiên giải pháp không đồng bộ và chưa đúng hướng đã khiến cho tình hình giao thông đô thị không những không được cải thiện mà còn trở nên phức tạp hơn.

Kiểm soát xe cá nhân bằng cách nào?

Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, việc tìm ra một giải pháp tức thời để giảm hay loại bỏ xe gắn máy là một điều không thể làm được, nếu không muốn nói là không tưởng. Hiện nay, xe gắn máy vẫn là phương tiện được coi là tối ưu nhất cho cá nhân nhưng đồng thời lại là tai họa cho xã hội. Xe máy giảm dần sau ít nhất 10-15 năm nữa nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không làm gì cả. Việc giảm xe máy là sự tích hợp và cộng hưởng của nhiều giải pháp, có thể là những giải pháp vĩ mô như quy hoạch lại không gian cư trú nhằm phân tán con người và xe cộ trên một diện rộng, phát triển hệ thống metro với 6 tuyến. Bên cạnh đó cũng cần kể đến các giải pháp nhỏ như đi bộ, đi xe đạp ở các cự ly ngắn…

Trong khi đó theo TS. Nguyễn Thị Bích Hằng thì cần phát triển không gian đô thị tập trung dọc các hành lang công trình giao thông công cộng; Quy định mức phí đậu xe thay đổi theo thời gian và khu vực, kiểm soát bãi đậu xe. Về chính sách kinh tế, lượng hóa các chi phí tăng thêm cho việc sử dụng phương tiện, yêu cầu người đi xe chi trả đủ các chi phí cho chuyến đi của mình…

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đức cho biết: Theo chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến đến 2020 khoảng 200-220 tuyến xe buýt (tăng khoảng 80 tuyến buýt mới so với 2015) để kết nối với các khu dân cư, khu vực ngoại thành. Trong năm 2017, Sở GTVT đã đưa ra 7 nhóm giải pháp nhằm tổ chức, bố trí lại mạng lưới xe buýt, như thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm TP; nghiên cứu sử dụng tuyến xe buýt 9 chỗ trong tổ chức kết nối mạng lưới tuyến xe buýt, xe buýt nhanh và metro…

Đối với việc hạn chế xe máy, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng có thể hạn chế đến mức 60% xe gắn máy với các giải pháp cụ thể như quản lý các loại xe gắn máy đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe, phí lưu hành xe, phí kẹt xe, phí ô nhiễm môi trường; hạn chế hay cấm xe gắn máy lưu thông trên tuyến đường có xe buýt hoạt động tốt…

T.Anh