Thứ bảy, 22/8/2009, 14h08

Hạnh phúc rớt nước mắt của phụ huynh xóm chạy thận

Hai trong số ba sĩ tử ở “xóm chạy thận” trong bài viết "Đến phòng thi từ…phòng mổ" đã đỗ ĐH, một bạn đang chuẩn bị nộp hồ sơ vào trường CĐ ở Hà Nội.

“Mẹ ơi, con đỗ ĐH rồi!”
Với Phương, quãng đường đại học sắp tới chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn vất vả. Trong ảnh: Phương dẫn mẹ đi bệnh viện.
Ước mơ đỗ ĐH của cô học trò nghèo Phạm Mai Phương đã trở thành sự thật. “Xóm chạy thận” vỡ òa trong niềm vui đón cô gái đỗ ĐH. Năm nay, trường ĐH Công đoàn lấy điểm đỗ là 17, Phương đỗ thừa một điểm.
Chị Nhã - quê Lạng Sơn, xuống Hà Nội chạy thận đã được 4 năm - tươi cười: “Vui lắm, mình ở đây mấy năm rồi mới thấy có Phương - con cô Quế - vừa chăm ngoan lại học giỏi đến thế”. 
Người đầu tiên Phương báo tin vui là mẹ em - cô Mai Thị Quế. Mẹ em sụt sùi: “Thấy con người ta mở tiệc này, làm cơm mời người thân, bạn bè mà mình thấy tủi cho con. Nhà mình nghèo đến tiền cho con may bộ quần áo mới còn phải đắn đo…”
“Quà” cho Phương chính là nụ cười của mẹ: “Chỉ cần mẹ khỏe, mẹ vui thì em chẳng cần tới mấy món quà, bộ quần áo kia đâu”. Từ hôm thi đại học tới nay, đã hơn một tháng em chưa về quê dù nhà chỉ cách xóm trọ hơn 20km. Cô Quế ngồi vuốt tóc con, âu yếm nói: “Sáng hôm đi làm thủ tục dự thi đại học, cháu còn phải đưa mẹ đi chạy thận, sau môn thi cuối cùng, cháu lại vào viện đón mẹ về. Một tuần tôi ba buổi chạy thận, cháu về nhà sao nổi?” 
Mơ ước lớn nhất của Phương lúc này là có thể tìm được một công việc nào đó để có thể vừa học vừa làm, kiếm chút tiền giúp bố và anh trai chăm sóc mẹ. 
Trước khi thi đại học một tháng, theo lời giới thiệu từ một tờ rơi trong công viên Thống Nhất, Phương đã nộp tiền xin vào làm tại một cơ sở gấp phong bì trên đường Trường Chinh. Mấy anh chị trong xóm thương em nên bao nhiêu giấy nhận về, mọi người lại cùng nhau giúp em gấp phong bì. “Gấp xong thì họ bảo không đạt yêu cầu, lại còn đòi bồi thường. Thế là em mất luôn gần 300 ngàn mà chẳng được gì” - Phương phân trần. 
Đợt này, hễ lúc nào mấy anh trong xóm nghỉ đi bán kem, Phương và chị Nhã lại mượn thùng kem của các anh đi bán kem trong bệnh viện Bạch Mai: “Muốn bán được kem thì phải “nhằm” lúc nào trời nắng nhất, may ra họ mới mua nhiều”. Chị Nhã cười buồn: “Vừa trưa qua, hai chị em đi bán “ế”. Lẽo đẽo đi bộ hơn 3 tiếng từ 10h đến 13 giờ mà chỉ bán được 5 trong số 40 cây kem, còn lại thì trả cho người bán”. 
Bố cũng chưa kịp có quà cho con...
Bác Bùi Văn Khẩn (bên trái) và bác Phùng Văn Thức chăm chú đọc bài báo về các con.
Cạnh đó, cùng một niềm vui và nỗi lo lắng như gia đình cô Quế, em Bùi Thị Trang - con bác Bùi Văn Khẩn - cũng đã đỗ ĐH Dược Hà Nội với tổng điểm 27. 
Còn hai hôm nữa mới tới buổi chạy thận tiếp theo, bác Khẩn quyết định thu xếp mọi việc để về với các con. Nhà ở thị trấn An Châu, Sơn Động (Bắc Giang) - cách Hà Nội tới gần 4 tiếng đi xe khách - nên bác cũng hạn chế chuyện về thăm gia đình.  
Nói về chuyện học hành của các con, bác Khẩn nói mình không bất ngờ. Từ hôm Trang - con gái bác - thi ĐH ở HN xong tới khi biết tin con đỗ đại học, bác cũng chưa gặp con được lần nào. "Mình cũng chỉ về nhà nấu mâm cơm gia đình, cùng ăn với các cháu chứ nào có quà cáp gì”- Bác Khẩn chia sẻ. 
Thương bố quanh năm bám trụ đất Hà thành, chống chọi với bệnh tật, cô bé Bùi Thị Trang đã quyết định đăng ký thi ĐH đợt 1 vào trường ĐH Dược, lần 2 vào ĐH Y Thái Nguyên: “Lên Hà Nội học em sẽ cố gắng tìm công việc nào để phụ giúp được bố mẹ tiền lo ăn học cho em” - Trang tâm sự: “Nhưng chắc chắn em sẽ học, học tốt hơn nữa để bố mẹ vui lòng”. 
Hàng sáng, đúng 5h30 bác Phùng Văn Thức trở dậy đi lấy hàng bán đồ ăn sáng: từ bánh mỳ, bánh rán, xôi. Gần 2 giờ đi bộ khắp các nhà C (Khoa Lâm sàng các bệnh về máu), số hàng trong thùng của bác đã bán hết: “Hôm nay may mắn hơn chú ạ” - Bác cười xòa: “Thôi thì cũng vì các cháu, mình có đau yếu thì cũng cố mà dậy, tìm việc gì lo phụ thêm cho mẹ cháu tiền nuôi con”.   
Đợt thi ĐH năm nay, Phùng Văn Mão - con trai bác - chỉ đạt điểm trung bình khá. Mão cho biết sắp tới em sẽ nộp hồ sơ NV2 vào hệ CĐ của Học viện Kỹ thuật Quân sự với hy vọng: “Năm ngoái,nhiều người cũng tầm điểm như em cũng có khả năng đỗ. Còn nếu không được nữa, chắc em sẽ nộp hồ sơ xin vào học một trường trung cấp nào đó về ngành công nghệ thông tin”.
Văn Chung (Vietnamnet)