Thứ tư, 7/6/2017, 09h13

Hành tinh hơn 4.000 độ C nóng nhất vũ trụ

Các nhà thiên văn học Mỹ tìm thấy ngoại hành tinh nóng nhất từ trước tới nay xoay quanh ngôi sao có nhiệt độ gấp đôi Mặt Trời.
Hành tinh có khối lượng lớn gấp khoảng 2,8 lần sao Mộc tên KELT-9b xoay quanh một ngôi sao siêu nóng, International Business Times hôm qua đưa tin. Đây vừa là hành tinh nóng nhất được phát hiện từ trước tới nay, vừa là hành tinh duy nhất quay xung quanh ngôi sao nóng nhất được tìm thấy.
Vào thời gian ban ngày trên KELT-9b, nhiệt độ lên tới 4.327 độ C, kém Mặt Trời 1.200 độ C. "KELT-9b được phân loại là hành tinh dựa trên khối lượng, nhưng khí quyển của nó hầu như không giống bất kỳ hành tinh nào chúng tôi từng quan sát bởi nhiệt độ ban ngày", nhà thiên văn Scott Gaudi ở Đại học Ohio, Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature cho biết.
Minh họa ngôi sao KELT-9 và hành tinh khí KELT-9b.
Minh họa ngôi sao KELT-9 và hành tinh khí KELT-9b. 
Ngôi sao mà hành tinh này xoay quanh tên KELT-9, nằm trong chòm sao Cygnus cách Trái Đất 650 năm ánh sáng. KELT-9 có nhiệt độ gần 9.900 độ C, ở giữa ranh giới phân loại hai kiểu sao nóng. Sao A có nhiệt độ trong khoảng 7.000 - 9.700 độ C trong khi sao B nóng hơn.
Rất hiếm hành tinh quay xung quanh sao A hoặc sao B. Trước đây, các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm thấy 6 hành tinh xoay quanh sao A và chưa phát hiện hành tinh nào xoay quanh sao B.
Bức xạ cực mạnh từ KELT-9 có thể thổi bay khí quyển hành tinh xoay quanh, làm lưu lại một vệt khí phía sau hành tinh.
"KELT-9 bức xạ cực tím mạnh đến mức có thể làm bốc hơi hoàn toàn hành tinh", Keivan Stassun ở Đại học Vanderbilt, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ. "Hoặc nếu những hành tinh khí khổng lồ như KELT-9b sở hữu lõi đá cứng theo như một số giả thuyết, hành tinh có thể bị đun nóng đến mức khô cằn như sao Thủy".
Bên cạnh lượng bức xạ lớn, KELT-9b còn quay rất gần ngôi sao mẹ. Nhóm nghiên cứu kết luận sự sống không có khả năng tồn tại trên hành tinh, bởi nhiệt độ cao nhất để sự sống có thể phát triển trên Trái Đất là 122 độ C. Nhưng nghiên cứu những hành tinh như KELT-9b có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hệ thống hành tinh hình thành như thế nào trong điều kiện cực hạn.
HT (theo khoahoc.tv)