Thứ bảy, 21/1/2017, 16h15

Hành trình khởi nghiệp của nữ nông dân

Đang làm nhân viên văn phòng với thu nhập ổn định, chị Trần Ngọc Tuyết (sinh năm 1977, ngụ ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) bỏ ngang công việc, chuyển hẳn sang trồng hoa lan Mokara. Từ diện tích chưa đầy 1 hécta ban đầu, đến nay chị mở rộng đến 5 hécta, mang thu nhập về cho gia đình khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm…

Đam mê trồng hoa giúp chị Ngọc Tuyết vượt qua khó khăn, gây dựng nên mảnh vườn trù phú hoa lan

Tiền tỷ đẻ ra trên mảnh đất cằn

Vườn lan Mokara của chị Tuyết nằm cách biệt khu dân cư ấp 1, xã Hòa Phú khoảng 3km, bao quanh là sông Lu và những cánh rừng tràm. 5 hécta đất phủ kín hoa lan Mokara đủ sắc màu: xanh, đỏ, trắng, tím, vàng đang vươn mình khoe sắc rực rỡ dưới tiết trời se lạnh cuối năm. Mấy ai biết, để có khung cảnh xuân sắc hôm nay thì chị Tuyết đã biến mảnh đất này trước đây được xem là vùng đất chết vì nghèo chất dinh dưỡng, trồng cây gì cũng èo uột, cho năng suất kém.

Chị Tuyết nói: “Từ năm 2003 trở về trước, ông xã tôi chia từng khu trồng trái cây, khu trồng hoa màu theo vụ nhưng năng suất vô cùng thấp, chỉ đủ ăn chứ không nói đến dư giả. Sau đó chuyển sang trồng tràm nhưng kinh tế cũng không đi đến đâu nên hai vợ chồng quyết định phát triển loài lan Mokara này”. Ban đầu, chị mua khoảng 2.000 gốc lan giống từ Thái Lan về trồng thử. Sau gần nửa năm, cây giống ra hoa. Tùy cây cho thu nhập từ 8-12 cành/năm và mang lợi nhuận về cho gia đình chị khoảng 60 triệu đồng.

Vạn sự khởi đầu nan, nhận thấy loài hoa này có khả năng phát triển nơi mảnh đất cằn này, cộng với công chăm sóc không quá nặng nhọc, năm 2007, thành phố có chương trình cho nông dân vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị quyết định vay 800 triệu đồng mở rộng quy mô ra gần 1 hécta. Kết quả qua từng năm, thu nhập luôn tăng, chị tiếp tục tận dụng gần hết diện tích mảnh vườn để phủ kín lan với khoảng 40.000 gốc/hécta. Sản lượng mỗi tháng thu khoảng 15.000 cành, tính ra mỗi năm chị thu về hơn 1,5 tỷ đồng sau khi trừ mọi chi phí.

Bài toán kinh tế cho vùng đất cằn đã được xác lập, chị Tuyết chia sẻ: Muốn có những cành lan đẹp, cánh dày, sức nở bền và đem lại giá trị kinh tế cao thì phải biết cách chăm sóc để cây mập mạp, khỏe mạnh cho hoa đẹp, đúng thời điểm thị trường có nhu cầu lớn vào các dịp lễ, Tết. Lưu ý, giống chọn phải tốt, quá trình chăm sóc phải đảm bảo độ ẩm, ánh sáng, phân bón phù hợp giữa các mùa. Hiện vườn Mokara gia đình chị Tuyết được trồng theo luống, chia thành từng khu tạo giống, khu cho thu bông, phát triển dưới hệ thống lưới che nắng, tưới nước bán tự động. Mục đích chia khu nhân giống nhằm giảm chi phí mua giống, đồng thời có nguồn để bán. Cứ lên cao khoảng 1m, nhánh mới được chiết ngang đem ươm tạo giống, gốc còn lại tiếp tục chăm nảy mầm. Riêng hệ thống tưới bán tự động, chỉ cần một người mở công tắc điện giúp quá trình tưới được thiết lập không cần phải sử dụng 4-5 nhân công như trước đây.

Bỏ việc văn phòng theo đuổi đam mê

Năm 2002, qua tìm hiểu các hộ dân trong huyện xây dựng kinh tế hiệu quả từ lan Mokara, chị đã xin bố mẹ gần 40 triệu đồng làm vốn, mua khoảng 500 gốc trồng trong mảnh vườn nhỏ của gia đình. Thấy con gái có đam mê nên gia đình đã ủng hộ. Tuy vậy, ba chị thường nói vui là bỗng dưng mua hoa cỏ về trồng chật nhà, trồng ra rồi bán cho ai? Vì xưa nay chỉ người già chịu chơi loại hoa này chứ chưa thấy người trẻ.

Sau 6-8 tháng chăm sóc, những nụ hoa đầu tiên đã khoe sắc. Tuần đầu, chị cắt được gần 200 cành, bán với giá 7.000 đồng/cành. Tổng cộng một tháng, chị thu được khoảng 5 triệu đồng tiền lời. So sánh với trồng hoa màu, rau quả, công việc vất vả, cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà thu nhập cả mùa vụ chỉ đủ ăn. Chị còn nhớ, cứ mỗi xe dưa leo 50kg chở ra chợ từ sớm, mẹ chị chỉ thu về được hơn 100.000 đồng, trong khi đó, 200 cành hoa không quá nặng cũng có hơn 100.000 đồng. Từ đây chị đã thuyết phục gia đình duy trì vườn hoa này. Năm 2003 chị lập gia đình và nhân cơ hội này chị “dụ dỗ” chồng cùng bắt tay vào làm. Ham mê đến độ, ngay năm sau, chị nghỉ hẳn công việc văn phòng ở Huyện ủy Củ Chi, tập trung hẳn vào trồng lan.

Thời điểm chị nhân rộng cây lan trên mảnh vườn 5 hécta, chị gặp không ít khó khăn. Đất, nước nhiễm phèn, giống nhập từ Thái Lan không thể kiểm soát chất lượng. Kết quả là cây èo uột, sâu bệnh bủa vây, cành cho hoa nhỏ, bông quắn, nhanh tàn... Trăn trở với vườn lan ngày càng eo xèo, chị tự nhủ: “không thể để cảnh vườn lan chết dần chết mòn như thế này mãi” và chị đã đúng khi đưa ra nhiều giải pháp cấp bách. Để giảm phèn, chị đầu tư cho việc cải tạo đất. Tận dụng nước sông Lu để tiêu tưới, rửa phèn. Bên cạnh đó, tích cực đến các vườn khác trên địa bàn học hỏi kinh nghiệm, tham gia tập huấn, đọc hướng dẫn trên sách báo, internet… Và cuối cùng chị đã vực dậy từ một vườn lan èo uột, thiếu sức sống thành một vườn lan tràn đầy xuân sắc như hôm nay.

Chị đúc kết: “Nhu cầu sử dụng hoa tươi của con người ngày càng tăng nhưng chúng ta vẫn phải nhập một số hoa từ Thái Lan, Đài Loan vì số lượng đầu ra chưa thể đáp ứng. Nguyên nhân do các hộ trồng nhỏ lẻ, thiếu tập trung, kỹ thuật ứng dụng công nghệ thấp, cây giống còn phụ thuộc nước ngoài. Với điều kiện khí hậu, đất đai khá thuận lợi, nhân công rẻ, kinh tế hoa lan còn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con, Nhà nước cần sớm kế hoạch, hướng dẫn bài bản về cách trồng, ứng dụng công nghệ, thậm chí tìm đầu ra rộng lớn, ổn định để nhiều gia đình có thể chuyển đổi kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, phải biến giống của nước ngoài thành giống của Việt Nam thì loài hoa này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn tầm thế giới”.

Năm 2016, chị vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng, và là một trong 63 người đến từ các tỉnh thành được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh nông dân xuất sắc. Trước đó, năm 2009 chị nhận giải thưởng Lương Định Của. Các năm 2010, 2013, 2015 chị liên tiếp nhận được Bằng khen của UBND TP.HCM về nông dân tiêu biểu. Năm 2013, chị nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho cuộc hành trình khởi nghiệp của một nữ nông dân trên vùng đất thép thành đồng - Củ Chi.

Nguyễn Trinh