Thứ bảy, 12/8/2017, 19h20

Hãy để các trường tự chủ trong cộng điểm ưu tiên

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh bằng hình thức cộng điểm khi xét tuyển ĐH, CĐ với một số đối tượng thí sinh (TS) đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Đây được xem là chính sách nhân văn nhằm khuyến khích, tạo điều kiện học tập cho những TS con em gia đình chính sách, gia đình ở vùng vùng sâu, vùng xa, miền núi… Mặc dù vậy, với những thay đổi lớn về cách thức tổ chức, quy chế tuyển sinh trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, việc thực hiện chính sách cộng điểm ưu tiên cho TS cần có những điều chỉnh hợp lý, linh hoạt trong thời gian tới nhằm phù hợp hơn với thực tiễn cũng như đảm bảo sự công bằng trong khâu tuyển sinh.

Theo quy chế tuyển sinh, có 3 nhóm TS được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển ĐH, CĐ, đó là: Nhóm ưu tiên theo đối tượng chính sách; nhóm ưu tiên theo khu vực; nhóm các TS được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ nhưng không dùng quyền này mà dự thi và xét tuyển như các TS khác. Chính sách cộng điểm ưu tiên đã được triển khai từ bấy lâu nay nhưng năm nay là năm đầu tiên các trường ĐH, CĐ công khai rộng rãi, chi tiết điểm thi thực và điểm ưu tiên trên mạng. Cũng bởi vậy mà vấn đề này trở thành chủ đề quan tâm của nhiều người, nhất là với những TS chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc cộng điểm ưu tiên khi tham gia xét tuyển.

Năm nay, mức độ đề thi dễ hơn để TS có học lực trung bình cũng có thể đạt mức điểm đậu tốt nghiệp. Điều này đã dẫn tới việc phổ điểm chung của TS cao hơn hẳn, nhiều em chưa cần cộng điểm ưu tiên đã đạt và vượt mức điểm sàn xét tuyển. Do đó, số lượng TS được hưởng lợi cũng như bị tác động từ việc cộng điểm ưu tiên là không hề nhỏ. Một số trường đã phải sử dụng tới các tiêu chí phụ là điểm học bạ phổ thông để tuyển sinh do sự chênh lệch về điểm số quá ít trong khi số TS bằng điểm nhau quá nhiều. Không ít trường hợp TS có điểm thi thực tế ở mức cao nhưng vẫn phải “nhường chỗ” cho các TS khác do không được cộng điểm ưu tiên.

Có thể khẳng định, chế độ cộng điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực đã thực hiện trong thời gian qua là đúng đắn, cần thiết và mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện để mọi đối tượng TS đều có cơ hội tiếp cận giáo dục, đồng thời góp phần hỗ trợ đào tạo đội ngũ trí thức cho các vùng, miền khó khăn. Mặc dầu vậy, cùng với sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là khi có sự điều chỉnh, thay đổi trong cách thức tổ chức thi, việc cộng điểm ưu tiên cũng cần có sự thay đổi, điều chỉnh hợp lý. Theo đó, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền đang từng bước được thu hẹp, biên độ điểm ưu tiên giữa các khu vực có thể xem xét điều chỉnh giảm xuống còn 0,25 điểm thay vì 0,5 điểm như hiện nay để khoảng cách điểm ưu tiên giữa khu vực 1 và khu vực 3 là không quá lớn. Việc cộng điểm khuyến khích cho các TS đạt giải quốc gia cũng nên có sự điều chỉnh hợp lý, linh hoạt. Thay vì cho TS cộng dồn tất cả các điểm ưu tiên, Bộ GD-ĐT chỉ nên cho phép TS cộng một mức điểm ưu tiên cao nhất vào tổng số điểm nhằm đảm bảo công bằng hơn cho những TS không được cộng điểm. Phương án cởi mở hơn, Bộ GD-ĐT nên để các trường tự chủ trong việc áp dụng chính sách cộng điểm ưu tiên trong quá trình tuyển sinh dựa trên những tiêu chí về chất lượng đầu vào và nhu cầu đào tạo.

Bùi Minh Tun
(Giáo viên Trưng THPT Kim Liên, Ngh An)