Thứ ba, 30/1/2018, 22h11

Hãy để con đặt câu hỏi

Con trai tôi nay lên 5 tuổi, thường gần gũi mẹ nhiều hơn vì tôi hay đi công tác xa nhà. Mỗi ngày, cậu nhóc lại có những câu hỏi “hóc búa” khiến cho vợ tôi “bối rối” vì không biết phải trả lời thế nào, đại loại là: “Mẹ ơi, con muỗi sống bao lâu thì chết? Con cá sấu có thật sự là xấu không (cháu chưa phân biệt được S và X)? Sao ly trà đá con đã đậy kín mít mà nước vẫn thoát ra bên ngoài?”.

Thay vì giải đáp những thắc mắc của con, vợ tôi lại bảo: “Mai mốt con không được hỏi những câu tào lao nữa, nghe chưa”. Thằng bé buồn thiu bỏ đi khi thắc mắc của mình không được giải đáp thỏa đáng. Cũng may những khi ấy có tôi bên cạnh nên gọi con lại và bảo: “Con có những thắc mắc gì cứ hỏi ba nè. Cái gì ba biết ba sẽ trả lời cho con rõ, bằng không ba xin hẹn lại dịp khác”. Như nắng hạn gặp mưa rào, thằng bé huyên thuyên hỏi tôi rất nhiều thắc mắc mà bấy lâu nay không ai giải đáp cho nó biết. Đúng như lời hứa, những câu hỏi nào “nằm trong tầm kiểm soát” tôi trả lời ngay để con tiếp thu kiến thức. Được giải tỏa thắc mắc, “chàng trai” thích lắm, cứ tiếp tục hỏi không có điểm dừng. Nếu vợ tôi không can thiệp bằng việc gọi vào ăn cơm có lẽ thằng bé chơi trò “hỏi - đáp” cho đến chiều.

Thực tế cho thấy hiện nay nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến vấn đề này. Khi con đặt câu hỏi không có trong bài tập, phụ huynh thường lờ đi hoặc nạt nộ con vì làm phiền mình (nhất là lúc đang bận việc). Con nít mà, đâu biết khi nào người lớn vui - buồn, bận rộn - thảnh thơi mà tế nhị, thành ra dẫn đến tác dụng ngược. Theo thời gian, nếu hình ảnh này diễn ra thường xuyên sẽ khiến trẻ lười thắc mắc, kém tư duy, thậm chí là chẳng thèm quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh cuộc sống này. Điều đó rất là gây trở ngại trong việc giao tiếp, quan hệ xã hội và thành công của trẻ trong tương lai. Bởi khoa học đã chứng minh, những đứa trẻ thường xuyên vận động suy nghĩ, hay đặt câu hỏi (dù là ngớ ngẩn, theo cách nghĩ của người lớn), sẽ làm cho trẻ thui chột sáng tạo, trì trệ tư duy, kém hiểu biết, tính thụ động.

Vì vậy cha mẹ nên là người bạn gần gũi với con mình. Khi con có thắc mắc nên giải đáp cho con hiểu. Những gì nằm ngoài tầm hiểu biết, có thể tra cứu sách báo, thông tin trên mạng hay nhờ những người có chuyên môn giải giúp. Tuyệt đối không nên quát nạt khi con hỏi và càng nguy hiểm khi trả lời bừa. Ở những lứa tuổi non nớt, nhưng thông tin mà trẻ kỳ vọng được giải đáp thường lưu rất sâu trong não bộ, trẻ sẽ nhớ dai và lâu. Cho nên những thông tin sai có thể ảnh hưởng đến trẻ trong tương lai.

Nguyễn Hoàng Duy (TP.HCM)