Thứ sáu, 6/1/2012, 15h01

Hãy xem ngoại ngữ như một công cụ!

Trong việc cải tiến tuyển sinh ĐH, chúng ta hãy xem ngoại ngữ là một công cụ chứ đừng xem như một môn học. Môn học để thi và đánh giá kiến thức nhưng công cụ để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Trong Đề án 2020, Bộ GD-ĐT cũng chú trọng đến vấn đề sử dụng ngoại ngữ, bước đầu cơ bản là tiếng Anh. Ngay từ bây giờ, chúng ta nên có những bước đi cụ thể trong việc cải tiến cách đánh giá môn ngoại ngữ thì mới mong việc sinh viên Việt Nam có thể sử dụng ngoại ngữ như một công cụ để tiếp cận với nguồn tri thức nhân loại. Theo tôi, chúng ta cũng nên đánh giá học sinh, sinh viên theo hướng quốc tế để không lạc hậu so với trình độ chung của thế giới. Bài thi ngoại ngữ của các khối nên thiết kế theo hướng giao tiếp và tùy vào yêu cầu của khối thi mà chúng ta có thang điểm cụ thể cho từng đối tượng thí sinh. Lấy ví dụ, thí sinh dự thi khối D thì yêu cầu về điểm số chắc chắn sẽ phải cao hơn khối A, B hay C. Ở một khía cạnh khác, những người có trách nhiệm nên thiết kế hình thức thi môn ngoại ngữ thế nào để học sinh được làm quen dần ngay từ ở bậc phổ thông để khi tham gia kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ các em sẽ không bỡ ngỡ. Ở góc độ xã hội, chúng ta cũng cần phải làm thay đổi tư tưởng “xem ngoại ngữ là một môn học” của các bậc cha mẹ. Nhiều phụ huynh học sinh cho rằng con em mình học giỏi ngoại ngữ khi nhìn thấy những điểm 10 trong các bài kiểm tra viết. Thực tế đã cho thấy, nhiều em học sinh làm bài thi viết rất tốt nhưng không có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ! Học một ngôn ngữ thì phải ứng dụng vào thực tế cuộc sống một cách có hiệu quả. Ở góc nhìn sư phạm, chúng ta hãy đặt ngoại ngữ đúng vai trò của nó - là một công cụ sử dụng chứ không phải là một môn học để thi!
Lê Tấn Thời (An Giang)