Chủ nhật, 8/11/2015, 09h49

Hệ trung cấp, cao đẳng: Nhiều trường “chết lâm sàng”

Hơn 110 cán bộ, nhân viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam đứng trước nguy cơ mất việc

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều trường trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) trên địa TP.Đà Nẵng, Quảng Nam ngày một ngắc ngoải, đứng trước nguy cơ đóng cửa vì tuyển sinh kém, GV đối mặt với thất nghiệp!

Trường ngắc ngoải

Theo thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 4/8 trường TC đã tạm ngừng hoạt động. Nhiều trường TC, CĐ còn lại cũng trong tình trạng “chết lâm sàng” vì khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Đến Trường TC Đức Minh (P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), đập vào mắt là một ngôi trường cửa đóng then cài. Được biết, trường được xây dựng vào năm 2005, trong khoảng vài năm đầu khi vừa xây dựng đã có rất đông sinh viên theo học. Tuy nhiên khoảng 5 mùa tuyển sinh trở lại đây số lượng sinh viên theo học giảm hẳn và trường buộc phải đóng cửa trong 2 năm nay vì không thể tuyển sinh. Ông Trần Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng phòng Đào tạo trường - trăn trở: “Thực tế nhà trường đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ tuyển sinh được trở lại trong những năm tới để duy trì hoạt động của trường”.

Không riêng trường TC, các trường CĐ cũng đang gặp khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề số 5, thuộc Bộ Quốc phòng (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) - cho biết kỳ tuyển sinh 2015, trường tuyển 1.000 chỉ tiêu nhưng cuối mùa mới tuyển được 700 học viên, dù nhà trường có rất nhiều chính sách ưu đãi, như: Ký túc xá cho học viên ở xa, giảm học phí, bố trí chỗ ở miễn phí cho bộ đội xuất ngũ và con em gia đình chính sách, giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi ra trường… Còn Trường CĐ nghề Đà Nẵng (Q.Sơn Trà) chỉ tuyển được hơn 1.400/2.000 chỉ tiêu tuyển. Tương tự, Trường CĐ Đức Trí chỉ tuyển được con số vài trăm học viên. Ông Lương Duy Thảo - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho cho biết năm học 2015-2016 dự kiến tuyển 1.500 chỉ tiêu cho 9 chuyên ngành nhưng chỉ nhận được hơn 300 hồ sơ…

Trường TC Đức Minh có cơ ngơi bề thế nhưng hiện đang trong tình trạng “chết lâm sàng” vì 2 năm nay tuyển sinh không được 

Theo lãnh đạo các trường TC, CĐ, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do các trường ĐH tổ chức dạy liên kết, ĐH liên thông, ĐH mở, tại chức thi nhau “mọc như nấm sau mưa” dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu. Bên cạnh đó, tâm lý chuộng bằng cấp vẫn còn tồn tại. Việc phân luồng học nghề chưa thực sự hiệu quả… Theo thống kê của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, năm 2013, thành phố có 592/10.000 em tốt nghiệp THCS đi học nghề (chiếm 5,9%). Năm 2014, có 615/11.000 em tốt nghiệp THCS đi học nghề (chiếm 5,4%)… Tỷ lệ học nghề giảm dần, tỷ lệ vào ĐH tăng đã tạo ra nghịch lý nhiều cử nhân, kỹ sư sau khi ra trường lại phải đi làm công nhân tại các khu công nghiệp như lao động phổ thông.

Giảng viên trước nguy cơ mất việc

Đầu năm học mới 2015-2016, 118 giảng viên, cán bộ, nhân viên đang giảng dạy, công tác tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam, trụ sở đóng tại TP.Tam Kỳ lo lắng vì đề án tinh giản lao động. Theo thống kê, toàn trường tổng số 326 người, trong đó 153 biên chế, 173 hợp đồng (số lao động hợp đồng sẽ hết hạn từ cuối tháng 10-2015 đến tháng 7-2018). Qua rà soát nhu cầu vị trí việc làm, quy định về tỷ lệ cán bộ, giảng viên so với quy mô HS-SV trong trường thì hiện chỉ cần 208 cán bộ, giảng viên. Với con số thừa ra đó, không còn cách nào khác, nhà trường buộc phải xây dựng đề án tinh giản lao động. Theo đó, có 118 trường hợp sẽ bị mất việc sau khi hết hợp đồng lao động. Lộ trình tinh giản thực hiện trong 3 năm, cụ thể năm 2015 là 45 người, năm 2016 là 40 và năm 2017 là 33 người. Kéo theo đó, sẽ có một số khoa buộc phải giải thể.

Theo lãnh đạo nhà trường, nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do số lượng tuyển sinh của trường ngày càng sụt giảm. Cụ thể, kể từ năm học 2012-2013 đến nay, tuyển sinh không năm nào đủ chỉ tiêu. Với quy mô HSSV từ gần 8.000 thời điểm năm 2012 nay giảm xuống chỉ còn 4.500 năm học 2014-2015 và năm học 2015-2016 còn chưa đến 3.700. Mặc dù rất trăn trở với đời sống giảng viên, nhưng lãnh đạo nhà trường cũng không còn cách nào khác khi không thể đảm bảo đời sống bằng lương và phụ cấp cho giảng viên, không thể mua sắm đầu tư thêm trang thiết bị dạy học. Ông Lương Văn Vui -  Hiệu trưởng nhà trường - ưu tư nói: “Là lãnh đạo, tôi cũng rất buồn khi phải thực hiện việc tinh giản lao động này, nhưng tình hình hiện nay không thể duy trì được…”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên