Thứ tư, 29/12/2010, 20h01

Hết mình với niềm đam mê bartender

Luyện (bên phải) đang hướng dẫn người học bartender

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, những người thường đến Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đều rất quen thuộc với hình ảnh một chàng trai giản dị áo thun, quần soọc, dép lê nhưng thu hút được bao nhiêu ánh mắt thán phục bởi các động tác “múa chai” điêu luyện của một bartender (người phục vụ pha chế thức uống ở quầy rượu). Chàng trai đó là Nguyễn Duy Luyện (sinh năm 1985), một bartender có đẳng cấp tại TP.HCM hiện nay.
Từ một bartender học việc
Nguyễn Duy Luyện tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường Đại học Mở TP.HCM năm 2007, nhưng do quá mê môn nghệ thuật biểu diễn bartender mà anh đã theo học khóa đào tạo bartender ở Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Ở đây, anh được đào tạo chủ yếu là kỹ thuật pha chế cocktail và các loại thức uống khác. Đồng thời, anh tham gia lớp đào tạo bartender biểu diễn ở Trường Trung học Công nghiệp TP.HCM do thầy Võ Tấn Sĩ, Chủ tịch Hiệp hội Bartender Việt Nam đứng lớp. Từ những kiến thức nền tảng ở lớp học, Luyện tìm tòi nghiên cứu nhiều tài liệu, học hỏi kỹ năng của các bartender nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. “Bất cứ ai muốn trở thành bartender cũng đều phải trải qua một quá trình tập luyện nghiêm túc, gian khổ. Một bartender thực thụ phải rất nhạy bén với các loại thức uống, nhuần nhuyễn nhiều động tác biểu diễn, đồng thời đòi hỏi tính sáng tạo cao để tạo nét đặc trưng cho chính mình” - Luyện chia sẻ.
Luyện cùng một người bạn chọn Công viên Gia Định là nơi thoáng mát để tập luyện. Thời gian đầu tập luyện hết sức gian khổ, bởi “đạo cụ” biểu diễn của bartender là những chai rượu, cốc thường bằng thủy tinh và cốc trộn (shaker). Khi động tác chưa được thành thạo, uyển chuyển thì chuyện chai thủy tinh rơi vào vai, cánh tay, đầu gây tím bầm, trầy xước là không thể tránh khỏi, thậm chí chai còn va vào nhau rơi vỡ làm chảy máu. Anh thổ lộ: “Đau thì cũng đau lắm chứ, nhưng nếu có một động tác nào mình chưa tập được là ăn không ngon, ngủ không yên. Cảm giác “sướng” khi luyện thành công một động tác khó khiến những vết thương trên da thịt trở nên nhẹ bẫng”. Luyện khẳng định thêm: “Người nào không thực sự có đam mê với nghề sẽ không thể có đủ kiên nhẫn để khổ luyện đến cùng”. Sau khi đã điều khiển được các “đạo cụ” một cách lão luyện, anh đầu tư vào nghiên cứu sáng tạo những động tác mới, sở trường của anh thiên về các động tác xoay lắc cánh tay và cổ tay. Đến nay, anh có thể tự hào mình đã sáng tạo ra được nhiều động tác rất đặc trưng mang phong cách riêng mà không phải ai cũng có thể… bắt chước được.
Đến “lớp học” bartender ở công viên
Ban đầu, chỉ có hai người tập với nhau sau đó có nhiều bạn trẻ vào công viên chơi thấy thích, xin tập cùng, Luyện đều vui vẻ đón nhận, số thành viên của nhóm tăng lên dần. Luyện trở thành người hướng dẫn, bất cứ ai muốn học đều được Luyện chỉ bảo tận tình từ những động tác cơ bản nhất và hoàn toàn miễn phí. Giờ tập của Luyện trở thành lớp học cố định mỗi ngày từ 9 giờ đến 13 giờ, ai rảnh giờ nào thì đến tập giờ đó. Từ khi có “lớp học” này, Luyện phải sắp xếp công việc để đến tập đều đặn vì “không có mình, nhóm sẽ tập rất rời rạc, không hiệu quả”. Mất thời gian, công sức là vậy nhưng Luyện lại thấy rất vui vì ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm và muốn theo đuổi nghề. Luyện cho biết: “Ban đầu mình chọn công viên là nơi đông người để tập cũng vì muốn để cho nhiều người biết đến bartender. Ước muốn lớn nhất của mình vẫn là làm sao cho nghề này được phát triển rộng khắp, để thuật ngữ “bartender” không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam”. Vì thế mà Luyện chẳng bao giờ “giấu nghề”, kể cả những động tác khó nhất mà học viên nào muốn học anh đều chỉ bảo tận tình đến khi nào làm được thì thôi. Ngược lại, từ lớp học này mà Luyện cũng nhận được nhiều thứ. Quá trình hướng dẫn các bạn trẻ giúp Luyện ôn lại những kiến thức nền và cũng dần dần giúp anh rèn “kỹ năng sư phạm”. Đây còn là môi trường để anh “rèn” về tâm lý, sự mạnh dạn tự tin trước đám đông và khả năng diễn đạt suy nghĩ của mình.
Để tổ chức lại nhóm vào quy củ hơn, cách đây 6 tháng, Luyện thành lập câu lạc bộ “Park Club” với các quy định chặt chẽ giúp sàng lọc bớt những thành viên thiếu thiện chí và đam mê, để những giờ học hiệu quả hơn. Việc ứng dụng những kiến thức về quản trị vào việc quản lý nhóm còn giúp anh đỡ… tiếc 4 năm đại học. Dù ở nhà đã có phòng tập riêng, thế nhưng anh vẫn dành trọn thời gian cho việc hướng dẫn nhóm ở công viên. Bởi Luyện tin rằng “một người dù có giỏi đến đâu cũng sẽ khó làm cho nghề bartender phát triển cũng như làm cho mọi người thay đổi cách nhìn. Nhưng nếu nhiều người cùng thực hiện mục đích đó thì chắc chắn sẽ khác!”.
Thời gian trước, Luyện vẫn làm việc ở các quán bar để kiếm sống và cũng là để có “đất dụng võ”. Gần đây, anh cảm thấy việc thức đêm và môi trường ô nhiễm của quán bar ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mình nên anh quyết định nghỉ và chỉ đi biểu diễn theo các show văn nghệ vì thực tế sở trường và sở thích của anh cũng thiên về biểu diễn hơn là pha chế. Luyện cho biết: “Hiện tại, đa phần người ta vẫn có cái nhìn không tốt về nghề bartender vì thường phải làm việc ở những chốn “ăn chơi”, dễ sa ngã. Nhưng mình nghĩ khác, môi trường chỉ có ảnh hưởng chứ không quyết định được con người, nên hay hư vẫn là do chính bản thân mình”.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

 

Dù đã đạt đến trình độ nhiều bartender khác phải ngưỡng mộ nhưng Luyện vẫn không ngừng tập luyện và tìm tòi sáng tạo. Quá trình này của anh sẽ không bao giờ có điểm dừng.