Thứ hai, 22/2/2010, 08h02

Hết Tết nhưng hàng hóa, dịch vụ vẫn hét giá... trên trời

Rau xanh, củ quả đang bị hét giá trên trời (ảnh chụp ngày 19-2-2010)

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã hết, mọi người bắt đầu trở lại làm việc. Chợ búa cũng đã hoạt động trở lại, nhịp sống dần trở lại bình thường, thế nhưng giá cả, dịch vụ hiện vẫn còn quá đắt đỏ!
Đầu năm là thời điểm người dân du Xuân, lễ chùa. Theo đó, tại các chùa chiền, dịch vụ ăn theo hoạt động khá rôm rả, phức tạp, tự ý nâng giá. Trước cổng chùa Bà (đường Trương Định, Q.1), đội quân giữ xe tràn xuống lòng đường chèo kéo, tranh giành khách. Dịch vụ bán nhang đèn, hàng ăn uống vây kín khu vực cổng chùa. Giá các dịch vụ tại đây cũng bị đẩy lên cao ngất ngưởng: bó nhang, đèn ngày thường có giá khoảng 5.000 đồng giờ được đẩy lên với giá 20.000 đồng. Tại chùa Vĩnh Nghiêm (đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.3) nhộn nhịp khách đến cúng viếng lễ chùa. Trước cổng chùa, sách bói toán, tử vi tràn ngập. “Đội quân” bán nhang đèn vây kín cổng chùa chèo kéo khách thập phương gây mất trật tự, ảnh hưởng không khí trang nghiêm nơi chùa chiền. Đương nhiên, giá dịch vụ tại đây cũng bị đẩy lên rất cao khiến khách bức xúc. Chị Thanh Dung (Q.3) đi lễ chùa nói: “Chùa chiền là nơi tôn nghiêm nhưng không hiểu sao lại để họ (người giữ xe, buôn bán...) tranh giành khách ì xèo, giá cả thứ gì cũng hét trên trời. Mình vừa đến cổng chùa là bị chèo kéo, chào mời mua đủ thứ hết nên thấy phiền phức quá”.
Ăn theo không khí Tết, giá dịch vụ, ăn uống tại TP.HCM đồng loạt leo thang. Ghi nhận vào ngày 20-2, hàng quán phục vụ ăn uống khá vắng khách nhưng giá vẫn tăng từ 30% - 40% so với ngày thường. Phở 20.000 đồng/tô vào ngày thường tăng lên 25.000 - 30.000 đồng/tô, mì Quảng 12.000 đồng/tô tăng lên 15.000 - 16.000 đồng/tô, bún 15.000 đồng/tô tăng lên 20.000 - 25.000 đồng, cafe đá 17.000 đồng/ly tăng lên 25.000 đồng/tô... Chủ quán bún riêu trên đường Bắc Hải (Q.10) lý giải “hiện tượng” nâng giá lên cao ngất ngưởng: “Do nguyên liệu, thực phẩm ở các chợ tăng lên khoảng 30% so với ngày thường, giá nhân công phục vụ Tết cũng tăng cao nên phải bán giá cao mới có lãi. Phải qua rằm tháng Giêng giá cả mới trở lại bình thường”.
Bài, ảnh: CÔNG VIỆT