Thứ hai, 13/4/2009, 13h04

Hiện thực hoá “năm Công nghệ thông tin” - Cần sự cộng hưởng từ nhiều phía

Giảng dạy bằng máy chiếu. Ảnh: XN

Năm CNTT do Bộ GD&ĐT phát động đã qua trên một phần hai chặng đường. Những khúc mắc ban đầu được giải toả dần bằng chính sự trải nghiệm thực tế. Nhiều ý kiến khác nhau với mong muốn khai thác triệt để lợi thế của CNTT vào công tác quản lý và dạy -học. Tuy nhiên, có một vấn đề được sự thừa nhận của số đông, đó là: để đạt được cả 4 yêu cầu: chuẩn về nhận thức, chuẩn về kỹ năng, chuẩn về cơ sở hạ tầng, chuẩn về phương tiện ứng dụng thì sự cộng hưởng trách nhiệm là vô cùng cần thiết.

Cơ sở hạ tầng - “có bột mới gột nên hồ”

Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào có sự đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng đều thuận lợi về ứng dụng CNTT vào GD- ĐT. Ngay từ những năm 2000, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư thích đáng của UBND TP, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng CNTT với mục tiêu hướng tới một nền GD điện tử trên cơ sở xây dựng mô hình “trường học điện tử” ở mỗi cấp học. Mỗi năm, cùng với sự hỗ trợ từ các dự án của Bộ GD&ĐT, Đà Nẵng lại bổ sung thêm nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị CNTT hiện đại cho các trường. Ý thức của cộng đồng cùng hướng đến việc ưu tiên phát triển CNTT thể hiện rất rõ ở Đà Nẵng, không chỉ riêng ở những quận trung tâm có mức sống cao mà ngay cả ở những địa bàn có xuất phát điểm kinh tế thấp. Tại Ngày hội CNTT do Sở GD&ĐT TP tổ chức vào ngày 9/1/2009, quận Ngũ Hành Sơn, một trong những quận thuộc “vùng ven” của TP đã dẫn đầu với 23 giải các loại. Ông Đặng Hùng, Phó Phòng GD&ĐT cho biết nguyên nhân cơ bản: Ngành GD&ĐT Ngũ Hành Sơn được sự quan tâm đầu tư rất lớn về CSVC của UBND quận, số trường trên địa bàn ít nên càng được hưởng lợi từ sự quan tâm đó. Tất cả các trường đều được kết nối Internet. Số lượng máy tính trang bị cho các bộ phận và văn phòng đầy đủ. Hầu hết các trường đều có máy chiếu Projecter để giảng dạy bằng giáo án điện tử. Các trường THCS đều có phòng máy vi tính, mỗi phòng có từ 25 đến 30 máy. Các trường tiểu học Lê Lai, Trần Quang Diệu, Mai Đăng Chơn có từ 15 đến 20 máy. Phòng GD&ĐT Ngũ Hành Sơn cũng xây dựng thành công một Website của ngành.

Trong giai đoạn hiện tại, không thể tránh khỏi khó khăn về kinh phí. Vấn đề là làm thế nào để có được các điều kiện tối thiểu về phương tiện, thiết bị máy móc đáp ứng yêu cầu chung? TS Lê Khánh Tuấn, PGĐ Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế đã nêu thực trạng đồng thời cũng chứa đựng giải pháp tháo gỡ tồn đọng: “Phương châm “khéo ăn thì no, khéo nằm co thì ấm” chưa được các hiệu trưởng, các nhà quản lý GD tận dụng triệt để, thậm chí có nơi còn để lãng phí.” Từ năm 2005, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế đã có những định hướng: Tính toán trong số kinh phí có được để lựa chọn hạng mục thiết bị mua sắm hiệu quả nhất; Sử dụng xen ghép các mô hình tổ chức đưa thiết bị dạy học có phòng thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, trong đó khuyến khích hình thức tổ chức phòng học cho từng bộ môn, có sẵn thiết bị, HS di chuyển đến học; Liên kết cụm trường, khu vực và toàn ngành để giảm bớt sự lãng phí thời gian, công sức, kinh phí trong việc tìm kiếm phần mềm dạy học hay soạn giáo án điện tử; Giao quyền tự chủ, tự chủ chịu trách nhiệm cho các hiệu trưởng. Song song với đó, là sự đầu tư thiết bị bằng nguồn vốn hàng năm theo mục tiêu, cuốn chiếu để đạt dần mục tiêu quy hoạch chung, không dàn trải; Tranh thủ các nguồn vốn tài trợ, chất xám của nhà tài trợ để du nhập thiết bị, công nghệ mới, hiện đại vào phục vụ mục tiêu của nhà trường…

Không thể thiếu vai trò “nhạc trưởng”

Kế hoạch tổng thể của Bộ GD&ĐT về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các trường học, cơ sở GD đề ra bước đầu tiên: “Kiện toàn tổ chức chỉ đạo và quản lý ứng dụng CNTT trong toàn ngành”. Yêu cầu về đổi mới công tác quản lý, công tác dạy học từ ứng dụng phương tiện hiện đại buộc người lãnh đạo phải vững vàng cả về nhận thức lẫn năng lực mới có thể xoay chuyển được tình thế. Không ít trường than phiền về sự thiếu thốn nhưng khi được cấp máy móc thì chỉ một thời gian sau đó đã vô hiệu hoá vì những lý do không đâu: điện không ổn định, bị nhiễm vi rút, hư hỏng liên tục không có tiền sửa chữa… Nếu hiệu trưởng có tinh thần trách nhiệm cao thì sẽ không có sự bao biện như vậy, họ phải tham mưu tích cực với các cấp lãnh đạo, tranh thủ sự hỗ trợ vốn từ nhiều nguồn để nhân lên số máy móc đã được cấp cho hoạt động. Đơn cử: Cùng thuộc loại hình bán công trên địa bàn thôn quê nghèo, nhưng Trường THPT BC Núi Thành (Quảng Nam) do hiệu trưởng năng động, làm tốt công tác xã hội hoá GD nên mỗi HS học Tin học đều được sử dụng riêng một máy vi tính. Đa số GV dạy hợp đồng vẫn cố gắng khai thác giáo án điện tử. Ở Trường THPT tư thục Quang Trung - Đà Nẵng, ngay từ trước khi khởi động năm CNTT, ông Phạm Sỹ Liêm, hiệu trưởng đã trăn trở về việc: Tại sao có báo điện tử, thương mại điện tử mà lại không có GD điện tử? Từ đó, ông đã mạnh dạn “bỏ ra tiền tỷ để đổi lấy chất lượng”, bằng sự mua sắm đầy đủ máy tính, máy chiếu cho tất cả các HS đều được tiếp cận với công nghệ hiện đại. Đồng hành với cái khó về CSVC là năng lực đội ngũ rất cần đến vai trò “nhạc trưởng”. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì mỗi trường phổ thông từ tiểu học đến THPT phải có một chuyên viên về CNTT có trình độ trung cấp chuyên nghiệp về CNTT trở lên, nhưng cho đến nay, một số trường vẫn chưa đặt nặng khía cạnh chuyên nghiệp do không tự xoay xoả được vướng mắc ở công tác tổ chức. Năm 2005, Sở GD&ĐT Đắc Nông tuy mới chia tách đã thực hiện đưa CNTT vào trường học. TS Phan Văn Bé cho biết, khi ấy các trường THPT đều đã có GV chuyên trách CNTT nhưng 40 trường THCS thì vẫn thiếu. Lãnh đạo Sở đã tính toán con số 40 này trong tương lai sẽ là 62 trường, và quyết định rút một trường 2 GV ở các bộ môn dôi dư đưa đi đào tạo Cử nhân 2 về CNTT. 65 GV tốt nghiệp khoá học, cộng với tuyển thêm, hiện ở Đắc Nông, mỗi trường đều có ít nhất 2 GV CNTT. Hiệu quả ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng dạy và học ở Đăk Nông vì thế mà được nâng lên rõ rệt. Một dẫn chứng điển hình: Huyện Tuy Hoà mới thành lập, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo, nhưng các trường đều say mê ứng dụng CNTT. Có trường như THCS Quảng Tân, phụ huynh chung tiền điện cho nhà trường để duy trì việc học bằng máy móc thiết bị CNTT của con em.

Cần “lửa” nhiệt thành của người thầy giáo

Trong thực tế, không phải trường nào, GV nào cũng thường xuyên giảng dạy bằng giáo án điện tử, vì những trở ngại như thiếu máy tính, máy chiếu, phòng chức năng. Thêm nữa, một GV trung bình dạy 20 tiết trong một tuần, mỗi ngày thực hiện 4 tiết đều bằng giáo án điện tử đòi hỏi phải thật nhiệt tâm mới hiệu quả. Cho đến nay, khá nhiều trường vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Lãnh đạo Phòng GD quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã nêu cao tính tự chủ: Khi điều kiện kinh tế còn khó khăn thì phải làm theo cách riêng của mình. Hầu hết các trường đều đưa máy chiếu projecter về phòng Tin học để dạy. Trường THCS Lê Lợi có CSVC, trang thiết bị tốt hơn, đội ngũ GV vững vàng hơn được thử nghiệm sớm hơn cả. Phòng máy của trường hoạt động liên tục. Ông Sơn, Hiệu trưởng cho biết: “Từng tổ, từng GV được BGH động viên đăng ký các tiết soạn giảng bằng giáo án điện tử, nhất là những người có máy tính xách tay riêng tỏ ra rất thích được dạy ở phòng máy”. Phòng GD&ĐT quy định chung các tiết thao giảng, dự giờ, thi GV giỏi buộc phải sử dụng giáo án điện tử. Cán bộ quản lý từ trường đến phòng đều phải khai thác, sử dụng thông tin qua trang Web của ngành. Các báo cáo, thông báo, lịch công tác… không phải in ấn để phát ra như trước mà đều tải từ Website. Để khơi dậy phong trào, sự say mê sáng tạo, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã tổ chức khá thành công “Ngày hội CNTT” với các hoạt động như: ứng dụng CNTT trong dạy học, trong quản lý GD; thi sản phẩm ứng dụng CNTT của HS và GV; hướng nghiệp CNTT; Ngay cả những trường thuộc bậc học mầm non, các gian hàng trưng bày sản phẩm, kết quả ứng dụng CNTT cũng khá thu hút. Đến trường Mầm non 20/10 (ĐN), chúng tôi thấy các GV đều vận dụng kỹ năng của Chương trình dạy học Intel, biết sử dụng hiệu ứng kỹ thuật vi tính để khai thác thiết kế trò chơi trên máy, tạo ra các bài dạy trình chiếu thực hành, giới thiệu nhiều hình ảnh trò chơi phong phú cho trẻ khám phá luyện tập trong giờ học; đầu tư tập trung xây dựng giáo án điện tử, sưu tầm tư liệu thiết kế phần mềm phục vụ chương trình giảng dạy theo 9 chủ đề GD trong năm học. Từ việc vận dụng Chương trình dạy học Intel, BGH cũng đã khai thác ứng dụng xây dựng phần mềm quản lý GV, HS và phần theo dõi sức khoẻ nuôi dưỡng của trẻ; tham gia biên tập xây dựng Website của trường và duy trì trang thông tin điện tử; tạo điều kiện cho phụ huynh HS thường xuyên cập nhật, giao lưu trao đổi kinh nghiệm chăm sóc GD trẻ.

Theo GD&TĐ