Thứ hai, 27/2/2012, 09h02

Hiểu đúng đối tượng để dạy tốt

Cô Quế Minh - GV bộ môn tiếng Anh Trường THPT Đinh Thiện Lý - trao đổi khó khăn trong công tác giảng dạy tại buổi tọa đàm

Làm thế nào để nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường? Lựa chọn phương pháp nào và sử dụng ra sao để bài giảng trở nên hấp dẫn?... Đó là những trăn trở của các giáo viên (GV) hiện nay.
Hiểu rõ được vấn đề này, Câu lạc bộ GV trẻ TP.HCM vừa phối hợp với Quận đoàn 7 tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường”.
GV còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm
Ngày nay, cùng với nhịp phát triển của đời sống hiện đại, các GV đã có điều kiện sử dụng nhiều phương pháp phục vụ cho công tác giảng dạy của mình như áp dụng CNTT, hoạt động nhóm, sinh hoạt ngoại khóa… Nhất là với đội ngũ GV trẻ, họ luôn tự mày mò, học hỏi và tìm kiếm nhiều phương pháp lạ, hình ảnh minh họa độc đáo để thu hút sự chú ý của học sinh (HS) vào bài học. Tuy nhiên, do thời gian chương trình quá ít cộng với sự non trẻ trong tuổi nghề đã khiến cho bài giảng của nhiều GV không như ý muốn, thậm chí đi ngược lại với tiêu chí bài giảng. Do đó, lối dạy chủ yếu của GV hiện nay vẫn là sử dụng phương pháp thuyết trình, thông báo tri thức cho HS chứ chưa khai thác được tính chủ động, sự sáng tạo của các em trong bài giảng.
Theo thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại - GV bộ môn sinh Trường THPT Marie Curie - đa phần GV hiện nay chưa đánh đúng vào nhu cầu của HS, dẫn đến việc lựa chọn phương pháp nhiều khi chưa phù hợp. “Mỗi một độ tuổi, lớp học, các em HS đều có khả năng tiếp nhận khác nhau. Ngay trong một lớp học cũng có những em học tốt, học yếu, ngoan ngoãn hoặc hiếu động. Rõ ràng, mỗi đối tượng HS trong một lớp đều thích hợp với một kiểu tiếp thu bài học khác nhau. Nhưng đôi khi lối giảng dạy của GV lại vô tình quên đi những em học yếu, khiến cho những em này đã yếu lại càng yếu hơn”, thầy Thoại cho biết.
Việc ứng dụng CNTT vào bài giảng, mà cụ thể sử dụng Powerpoint chưa được GV phát huy hết ưu điểm vốn có của phương pháp này. Nhiều GV lại truyền tải kiến thức bằng Powerpoint quá nhiều khiến cho phương pháp giảng dạy này chuyển từ đọc - chép sang chiếu - chép. Hay việc sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp gây khó hiểu hoặc khiến HS hiểu sai. Nhiều GV còn tỏ ra lúng túng khi phân chia nhóm để HS thuyết trình.
“Những em yếu trong nhóm sẽ rất thụ động, thậm chí tự ái khi được phân công làm việc cùng với các bạn học tốt hơn”, cô Quế Minh - GV bộ môn tiếng Anh Trường THPT Đinh Thiện Lý - trăn trở. Bên cạnh đó, một số GV còn áp dụng hình thức xử phạt chưa phù hợp như đuổi HS ra khỏi lớp, bắt chép phạt nhiều lần… gây ấn tượng không tốt cho các em về GV hoặc môn học đó.
Con đường đi đến trái tim HS
Là GV có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn GDCD, thầy Trần Tuấn Anh - GV Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) - cho rằng việc sử dụng hình ảnh minh họa phải đi đúng chủ đề bài học. “Những hình ảnh, clip mà tôi sử dụng trên Powerpoint đều gắn liền với đời sống hằng ngày, có thể được sưu tầm trên báo chí, internet... Bản thân tôi sẽ trực tiếp bình những hình ảnh mà mình đưa ra. Để dạy HS về lòng biết ơn cha mẹ, tôi đã dẫn chứng cho các em hình ảnh về những việc làm luôn diễn ra trước mắt các em và nhắn nhủ học trò hãy biết quý trọng những gì mình đang có vì còn biết bao đứa trẻ thèm được nghe tiếng la mắng của ba mẹ mà không được. Bên cạnh đó, tôi còn phối hợp với nhà trường tổ chức những buổi giao lưu với những nhân vật điển hình, đưa HS đi thăm các trại trẻ mồ côi, khuyết tật để giáo dục các em những giá trị cuộc sống”.
Hiểu HS mình cũng là cách mà thầy Thoại lựa chọn để hỗ trợ cho việc giảng dạy. “Tôi thường dành thời gian để nói chuyện với HS trong buổi học đầu tiên của năm học mới để hiểu tính cách các em. Kinh nghiệm của tôi là không nên đặt nhiều câu hỏi khó mà phải đặt câu hỏi dễ để những HS yếu trả lời. Điều này sẽ tạo cho các em niềm tin vào khả năng của mình, dần dần sẽ không còn sợ môn học mà mình học yếu nữa. Và tôi gọi đây là con đường đi đến trái tim HS”, thầy Thoại chia sẻ.
Cô Nguyễn Như Trang - GV bộ môn văn Trường THPT Lê Thánh Tôn - chia sẻ: “Đôi khi, tôi giao hẳn tiết học của mình để các em tự biên tự diễn. Một HS sẽ đóng vai thầy/ cô giáo giảng bài cho HS. Sau đó, tôi sẽ đi ra ngoài để cho HS trong lớp trao đổi với nhau những suy nghĩ của mình về một chi tiết nào đó mà các em thấy chưa thỏa mãn trong bài giảng. Tôi cũng tổ chức hình thức kịch hóa tác phẩm văn học để các em tự cảm nhận và sáng tạo, sau đó mới đưa ra nhận xét về phần thể hiện và kết luận bài học. Cũng có lúc tôi chọn một đoạn thơ nằm ở giữa tác phẩm phân tích trước để các em thấy được cái đẹp và ý nghĩa của đoạn đầu. Hầu hết những phương pháp của tôi đều được HS đón nhận và tỏ ra thích thú”, cô Trang khẳng định.
Một số GV Trường THPT Lê Thánh Tôn cũng chia sẻ thêm về “chính sách” thưởng phạt HS trong lớp học. Thầy Nguyễn Đắc Quyền - GV bộ môn toán - cho hay:  Tôi thường lấy điểm cộng cho những HS xung phong trả lời câu hỏi và điểm trừ cho trường hợp HS không làm bài tập về nhà. Những HS bị điểm trừ sẽ tìm cách phát biểu để gỡ lại điểm trừ bị thầy xử phạt. “Trước giờ lên lớp tôi luôn chuẩn bị nhiều câu hỏi để tất cả HS trong lớp đều có thể trả lời. Ngoài ra, việc GV nhớ tên từng em trong lớp cũng chứng tỏ sự quan tâm của mình tới HS và khiến các em tỏ ra thích thú trước sự quan tâm này”, thầy Quyền “bật mí”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh 
“Để dạy HS về lòng biết ơn cha mẹ, tôi đã dẫn chứng cho các em hình ảnh về những việc làm luôn diễn ra trước mắt các em và nhắn nhủ học trò hãy biết quý trọng những gì mình đang có vì còn biết bao đứa trẻ thèm được nghe tiếng la mắng của ba mẹ mà không được”, thầy Trần Tuấn Anh - GV Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) - chia sẻ.