Thứ tư, 21/3/2012, 14h03

Hiệu quả từ việc sử dụng đàn piano

Tiết mục biểu diễn của Đoàn Vĩnh Long

Sau hai năm đưa đàn piano kỹ thuật số (KTS) vào giảng dạy trong nhà trường, vừa qua tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Liên hoan đàn piano KTS dành cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) mầm non, tiểu học và  THCS lần 1 năm học 2011-2012.
Liên hoan diễn ra tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận với sự tham gia của 26 tỉnh, thành phía Nam. Mỗi đoàn đến với liên hoan đều có sự chuẩn bị chu đáo về trang phục cũng như các tiết mục biểu diễn. Đây là dịp để các tỉnh, thành báo cáo kết quả sử dụng đàn vào giảng dạy trong hai năm học qua. Ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) - nói:“Tôi hy vọng cuộc liên hoan lần này là một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho GV và HS các tỉnh, thành phía Nam. Ở đây, các GV và HS, ngoài việc thể hiện tài năng âm nhạc của mình còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong việc sử dụng cây đàn piano KTS trong giảng dạy và học tập”.
Theo yêu cầu của Ban tổ chức, mỗi đoàn tham gia phải thể hiện 4 tiết mục: Hòa tấu, độc tấu, đàn và hát. Với những yêu cầu này thì Đoàn Vĩnh Long tự tin với tiết mục hòa tấu Bèo dạt mây trôi, bởi lẽ đây là tiết mục thể hiện được việc sử dụng hiệu quả đàn piano KTS trong giảng dạy nhạc dân ca. Ông Nguyễn Bảo Quốc - Trưởng đoàn, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Vĩnh Long - chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi được tham gia cuộc giao lưu hết sức ý nghĩa này. Tại đây, các GV và HS có điều kiện thể hiện việc sử dụng hiệu quả đàn piano KTS trong giảng dạy bộ môn âm nhạc từ những ngày đầu. Các phụ huynh thì rất vui khi thấy con em mình được học đàn, biết đánh đàn…”.
So với những bộ môn khác, được học âm nhạc giúp HS có thời gian thư giãn sau những tiết học căng thẳng. Ngoài ra, giáo dục âm nhạc còn có tác dụng bồi dưỡng tình cảm trong sáng, tình yêu nghệ thuật, làm cho đời sống tinh thần của HS thêm phong phú, lành mạnh và lạc quan khi đến trường. Hơn hết, hoạt động giáo dục âm nhạc trong các trường hiện nay đã hỗ trợ việc triển khai nội dung của phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực” đạt hiệu quả cao, góp phần vào việc giáo dục toàn diện cho HS.
Sau khi nhận đàn 136 cây do Bộ GD-ĐT phân phối, Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức ngay ba buổi tập huấn cho 6 GV nòng cốt giảng dạy âm nhạc tại các trường tiêu biểu. Sau đó những GV này sẽ triển khai truyền đạt kinh nghiệm đến đội ngũ GV các trường khác. Ông Nguyễn Đức Hải - Phó trưởng đoàn tỉnh Vĩnh Long, GV dạy nhạc Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh - cho biết hầu hết các GV dạy bộ môn âm nhạc đều có kỹ năng sử dụng một số nhạc cụ, nhất là đàn organ. Tuy nhiên điều kiện sử dụng đàn piano KTS còn ít, vì thế GV khá lúng túng khi tiếp cận. Được tập huấn, GV mới biết khai thác triệt để chức năng của đàn, ứng dụng vào giảng dạy hiệu quả hơn. Chỉ cần GV nắm bắt được phương pháp sử dụng là có thể khai thác triệt để tất cả các loại âm sắc của nhạc cụ như: Nhạc hiện đại, nhạc dân ca… phục vụ tối đa cho việc giảng dạy các thể loại nhạc”.
Ông Hải chia sẻ thêm, mục tiêu của dạy nhạc cho HS lớp 1, 2, 3 là học hát, thuộc bài hát; đối với HS lớp 4, 5 học tên và vị trí các nốt nhạc là chính. Việc thiếu nhạc cụ để thực hành khiến cho tiết học mang tính truyền miệng là chính nên không lôi cuốn HS, tiết học tẻ nhạt. Được tiếp cận với đàn piano KTS khiến cho các em HS có tinh thần học tập hơn, tiết học trở nên sinh động và tạo ra sự tích cực hơn.
ÔngLê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - phân tích: “Với nhạc cụ piano KTS, các em HS dễ dàng tiếp cận, học tập môn âm nhạc. Đây còn là điều kiện để những HS có năng khiếu và yêu thích âm nhạc phát huy tài năng của bản thân. Trường học là nơi nuôi dưỡng tài năng âm nhạc, và đây cũng là cái nôi lan tỏa tài năng âm nhạc ra xã hội. Điều này sẽ góp phần cho việc giáo dục âm nhạc được thành công hơn”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Với 10.000 cây đàn piano KTS do Công ty Xây dựng Booyoung Hàn Quốc trao tặng năm 2009, Bộ GD-ĐT đã phân chia đến các trường mầm non, tiểu học và THCS trên toàn quốc nhằm tăng thêm trang thiết bị dạy học cho bộ môn âm nhạc trong nhà trường. Trong mỗi cây đàn đều đã ghi âm sẵn bài hát tốt nghiệp dành cho HS tiểu học của Hàn Quốc được dịch sang lời Việt. Qua đó, các em HS hiểu thêm về âm nhạc, văn hóa Hàn Quốc.