Thứ tư, 11/11/2015, 08h45

Hiểu rõ giá trị nghề nghiệp

Chuyên gia tư vấn đang cung cấp thông tin nghề nghiệp cho học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến

Nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn chọn nghề theo ánh hào quang, không quan tâm đến giá trị nghề nghiệp có phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội hay không? Đó là những nhận định được Ban tư vấn đề cập đến trong chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) vừa qua.

Học khá vẫn có thể theo nghề đam mê

Trở thành bác sĩ là ước mơ của nhiều người, nhưng để được hành nghề bác sĩ phải trải qua quá trình đào tạo lâu dài, đó là chưa kể đầu vào rất khó. Tại TP.HCM, Trường ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hay Khoa Y ĐHQG TP.HCM đều lấy điểm đầu vào rất cao, nhiều thí sinh đạt 27 điểm (3 môn thi) vẫn rớt. Vậy ước mơ trở thành bác sĩ có thực hiện được hay không với những học sinh có học lực khá?

Đối với vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Yến Nhi, Giám đốc dự án MISD tại Việt Nam (đào tạo bác sĩ nha khoa quốc tế), cho biết: “Các trường ĐH có đào tạo ngành bác sĩ nha khoa ở Việt Nam thường lấy điểm chuẩn rất cao. Nếu không thi vào ĐH, các em có thể theo đuổi ngành này ở MISD (dự án do Trường ĐH McGann liên kết với Trường ĐH Prima Indonesia đào tạo). Tại MISD, chúng tôi không lấy kết quả thi THPT quốc gia xét tuyển mà phải có học bạ THPT với điểm trung bình trên 7, điểm IEL trên 6 hoặc tương đương và phải trải qua một kỳ phỏng vấn”.

Theo bác sĩ Yến Nhi, ngành bác sĩ nha khoa có nhu cầu rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng vậy. Nhưng để theo đuổi được ngành này thì người học cần có nhiều tố chất, kỹ năng. Bác sĩ Yến Nhi phân tích: “Ở Việt Nam, một bác sĩ nha khoa phục vụ cho khoảng 1.000 bệnh nhân. Còn ở Mỹ, nghề này được đánh giá đứng top thứ 2 trong số 300 nghề có thu nhập cao nhất. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi người học phải có nhiều kỹ năng. Bởi vậy, khi chúng tôi tuyển sinh, bắt buộc các em phải vượt qua kỳ thi phỏng vấn về kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, định hướng nghề nghiệp đã phù hợp với năng lực và sở thích hay chưa?”.

Đừng chọn nghề theo xu hướng

Trong chương trình tư vấn, các chuyên gia đặc biệt lưu ý các em học sinh: Quá trình học phổ thông ảnh hưởng đến việc xét tuyển ĐH, CĐ của các em như thế nào cũng như xu hướng chọn nghề theo ánh hào quang bên ngoài ảnh hưởng ra sao đến tương lai lâu dài của mình.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho hay: “Tại Hội nghị tổng kết ĐH, CĐ vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được xã hội đồng thuận nên năm 2016, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức một kỳ thi duy nhất là kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, năm 2016 sẽ có thêm nhiều trường ngoài việc căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ xét học bạ. Vì vậy, các em phải tìm hiểu kỹ về cách thức xét tuyển của từng trường và ngay từ bây giờ học sinh THPT phải xác định thái độ học tập nghiêm túc. Hiện nay, nhiều bạn trẻ vẫn chọn nghề theo xu hướng, tức là chọn nghề có lương cao, làm việc ở thành phố… mà quên đi giá trị nghề nghiệp có phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội trong tương lai hay không? Mỗi người có một tố chất, tình cảm, tâm lý, sở trường khác nhau nên các em cần cân nhắc chọn nghề phù hợp, không thể chọn nghề giống như bạn mình theo đuổi được”.

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, góp ý thêm: “Một trong những sai sót của học sinh hiện nay là chọn nghề theo ánh hào quang mà quên rằng nghề có phù hợp với mình hay không. Hơn nữa, các em chỉ nhìn vào hiện tại nghề đang hút nhu cầu nhân lực cao mà không tính toán tương lai nghề đó sẽ như thế nào. Vì vậy, khi chọn nghề các em nên ưu tiên 50% cho sở trường, 30% cho sở thích và 20% còn lại cho các yếu tố khác như thị trường lao động, hoàn cảnh gia đình…”.

Thực tế hiện nay, giới trẻ đang sống trong thế giới mở, cơ hội nghề nghiệp rất cao nhưng sự phù hợp với nghề mới là yếu tố quan trọng nhất để các em phát triển. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhấn mạnh: “TP.HCM là một trung tâm văn hóa, kinh tế, khoa học lớn của cả nước. Các em lại đang ở trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là cuối năm nay Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và chúng ta cũng đã ký hiệp định TPP. Do đó thị trường lao động đang mở cửa, các em đang ở trong một thời kỳ thuận lợi nhưng quan trọng là các em có sự chuẩn bị như thế nào để nắm bắt thời cơ, cất cánh bền vững. Lao động trong thời kỳ hội nhập ngoài yêu cầu về chuyên môn, các em cần trang bị cho mình những kỹ năng để phù hợp với nghề, đặc biệt là làm việc nhóm, xử lý tình huống, giao tiếp, tính kỷ luật…

Bài, ảnh: Minh Châu

“Khi chọn nghề các em nên ưu tiên 50% cho sở trường, 30% cho sở thích và 20% còn lại cho các yếu tố khác như thị trường lao động, hoàn cảnh gia đình…”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khuyên.