Thứ hai, 8/11/2010, 14h11

Hiệu trưởng không nên áp đặt công việc

Hiệu trưởng giỏi ngoài năng lực chuyên môn ra phải có tầm nhìn chiến lược đúng, tạo ra bầu không khí vui vẻ trong nhà trường (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Muốn cho giáo viên (GV) kính phục thì hiệu trưởng (HT) cần phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Do đó, sau khi đọc xong tình huống về hai ông HT trong đề thi, tôi xin phép được nêu lên nhận xét về cách quản lý của hai ông này như sau:
Ông HT trường A: Đây là một HT có năng lực, quan tâm rất nhiều đến học sinh, ông chú ý đến từng chi tiết trong việc giáo dục để đạt được kết quả tốt nhất, ông là một người quá cầu toàn vì ông mong muốn sự hoàn thiện, mọi việc được thực hiện một cách trôi chảy và thuận lợi chứ không phải ông mong đợi thành tích cá nhân nào cả, nếu xét về năng lực thì đây là một HT có tài. Tuy nhiên với cách quản lý như vậy thì ông sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng mệt mỏi vì quá nhiều việc phải làm và đặc biệt là tạo ra thói hư ỷ lại của các cán bộ, nhân viên trong trường, vì họ có suy nghĩ là mọi việc đều có HT rồi và theo lối suy nghĩ này sẽ không phát huy được năng lực, sự sáng tạo, cố gắng và lòng yêu nghề của mỗi cán bộ. Dần dần mọi việc đều do ông trực tiếp quản lý và đạo diễn thì đến một ngày không có HT sẽ ra sao? Mọi việc sẽ rối tung lên như “con rắn không đầu” mất phương hướng, không ai có thể đứng ra chỉ huy và không thể phân chia công việc thì sẽ thế nào đây?
Ông HT trường B: Đây là HT biết cách phân chia công việc cho các phòng ban để từ đó các phòng ban có thể tự thực hiện tốt công việc của mình và ông chỉ làm đúng vai trò và công việc của một HT phải làm. Cách quản lý như vậy sẽ tạo cho mọi cán bộ, nhân viên trong trường có thể phát huy hết năng lực, sự sáng tạo để hoàn thành tốt công việc được giao mặc dù có thể vắng mặt ông cũng không sao, và ông cũng sẽ làm vai trò của mình một cách tốt nhất. Không bao giờ có sự ỷ lại ở đây.
Tiêu chí để trở thành HT mẫu mực: Trong nhà trường, HT cần thể hiện tính dân chủ, cần thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng của GV và cần đáp ứng nếu yêu cầu của GV là thỏa đáng. Tôi xin đưa ra một trường hợp cụ thể sau: Thầy H. là HT của một trường THCS ở tỉnh L.A rất được GV trong trường nể phục vì sự dân chủ của thầy. Cứ vào đầu năm học thì thầy cho GV có quyền chọn lớp dạy. Thí dụ, thầy cho các GV dạy cùng môn toán tự họp với nhau để cuối cùng báo cho thầy danh sách ai sẽ dạy toán khối lớp nào để thầy phân công. Vì sự dân chủ này mà GV luôn thấy hứng thú trong giảng dạy và họ dạy rất nhiệt tình, say mê. Nhờ vậy mà kết quả học tập của học sinh luôn đạt rất cao. Đây là một sáng kiến hay đáng để cho các HT khác học tập. Có thể khẳng định chính bản thân mỗi GV luôn biết họ dạy môn gì và khối lớp nào tốt nhất, vì vậy HT không nên áp đặt công việc phân công. Phân công GV hợp lý chính là một trong những yếu tố giúp cho chất lượng giáo dục nâng cao.
Ngoài ra, muốn cho GV kính phục thì HT cần phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Một HT mà chỉ lo vun vén quyền lợi cá nhân chứ không hề quan tâm đến những khó khăn mà GV đang chịu thì làm sao mối quan hệ giữa HT và GV gọi là thân thiện. Hiện nay với chủ trương của ngành giáo dục là “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì vai trò của HT lại càng quan trọng để nhà trường đạt được tiêu chuẩn này. Trong những cuộc họp HT cần nói năng lịch sự, hòa nhã để tạo niềm tin yêu cho GV. Khi GV đã nể phục HT thì họ sẵn sàng dạy nhiệt tình để giúp HT hoàn thành tốt những chỉ tiêu mà nhà trường đã đưa ra vào đầu năm học. Hiện nay theo quy định của ngành giáo dục thì mỗi HT ở trường THCS phải dạy 2 tiết trong một tuần. Do đó, HT cần phải dạy lớp vì thông qua những tiết dạy lớp sẽ giúp cho HT nắm được tình hình học tập của học sinh mà thể hiện rõ nhất là mức độ chuyên cần của các em.
Tiêu chuẩn của một HT được xây dựng theo nguyên tắc: Bảo đảm tính pháp lý, khoa học, hiện đại và khả thi. HT phải có năng lực nghề nghiệp cơ bản; nhà lãnh đạo là có tầm nhìn chiến lược và là nhà quản lý có thể giữ cho trường được trật tự, có năng lực thể hiện qua sự lãnh đạo…
Qua những phân tích trên cho thấy làm HT trong trường học không hề là việc đơn giản. Vì vậy các cấp lãnh đạo ngành giáo dục cần biết chọn những HT có đủ tài, đủ tâm để lèo lái con thuyền nhà trường cập vào bến bờ vinh quang.
Bùi Thị Hường
(Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp)