Thứ hai, 1/4/2013, 12h04

Hiệu trưởng phải làm gì để đổi mới quản lý?

HIệu trưởng giỏi luôn được đồng nghiệp và học sinh yêu mến (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Người hiệu trưởng (HT) cần đổi mới quan điểm, phải có cách nhìn mới, sâu rộng hơn và rất cần cái nhìn khách quan (nhất là đối với HT lâu năm luôn đặt cái nhìn chủ quan lên mọi hoạt động của nhà trường)...
Tuy nhiên, điều quan trọng là người HT phải tự học, tự rèn luyện, học ở lãnh đạo, học ở đồng nghiệp, học thông qua các hoạt động… Không học tập, không cập nhật cái mới dù siêng năng chăm chỉ, dù nhiệt huyết đến đâu thì người HT cũng sẽ dần lạc hậu và không thể thành công vì mọi việc, mọi vật thay đổi từng ngày.
Đổi mới mối quan hệ với người lao động
Người HT phải đạt được sự thỏa thuận thống nhất giữa hai bên: Người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Phát huy cao độ vai trò của công đoàn cơ quan (công đoàn là cầu nối giữa ban giám hiệu với GV, CNV và ngược lại); công đoàn phải là người đại diện cho quyền lợi nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng LĐ. Thông qua công đoàn, HT hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của NLĐ. Khi đã hiểu được nhu cầu của từng NLĐ, HT cần phải xem xét khả năng thực hiện các nhu cầu đó. Khi có điều kiện để thực hiện từ 7-10 nhu cầu của NLĐ thì cần thông báo cụ thể thời gian đạt được và phải giải thích rõ ràng các nhu cầu chưa đạt được vì sao để có sự đồng cảm chung trong tập thể. Ngoài ra, người HT và những cộng sự phải là hạt nhân nòng cốt tạo bầu không khí trong lành gắn kết các thành viên lại gần nhau trong sinh hoạt cũng như trong công tác. Cụ thể, HT cần tổ chức sinh hoạt nhóm và thường xuyên có thay đổi các thành viên trong nhóm để NLĐ luôn được mở rộng các mối quan hệ giao lưu trong đơn vị. Ngoài ra, HT cần có bản lĩnh, có khả năng giải quyết các xung đột mâu thuẫn giữa các nhóm, giữa các thành viên khi cần. Khi có thành viên mới hoặc đầu năm học mới HT cần thống nhất các văn bản mô tả công việc của từng nhóm, của từng thành viên để mọi người xác định rõ và kỹ công việc được phân công (đâu là nhiệm vụ chính, đâu là kiêm nhiệm). Khi giao việc cần nói rõ quyền hạn và nhiệm vụ, cần theo dõi kiểm soát để có biện pháp giúp đỡ khi cần thiết.
Thực hiện chính sách động viên
Học và tự học, tự rèn luyện là điều không thể thiếu ở một người HT.
Đây là quyền lợi của NLĐ cần được công khai rõ ràng và đi đến thống nhất trong thỏa thuận. Trước tiên là phải tuân thủ các chế độ chính sách bảo hiểm theo đúng luật định. Tiền lương phải xứng với công LĐ. Phải đảm bảo công bằng trong đối nội; không được hứa rồi phủ nhận làm mất niềm tin ở NLĐ. Tiền lương phải đủ để tái tạo sức LĐ, phải giúp NLĐ an tâm, nuôi sống bản thân và góp phần nhỏ cho gia đình không để cảnh “đứng núi này trông núi nọ”. Phần thưởng, bồi dưỡng, lời khen tặng động viên cần đúng lúc, đúng chỗ và phần nào đúng vào tâm tư nguyện vọng của NLĐ (khen nhiều nhưng không đúng lúc làm ngược lại tác dụng), không khen thưởng động viên cũng khiến NLĐ buồn chán, tạo không khí nặng nề sẽ dễ stress trong tập thể. Ngoài ra, khen thưởng cần phải công bằng mới tạo được sức đẩy sáng tạo trong công việc. Người HT cần lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng người, thông qua NLĐ, thông qua công đoàn và các thành viên để hiểu về hoàn cảnh gia đình, tình cảm gia đình, cuộc sống cá nhân để tạo điều kiện thuận lợi giúp NLĐ an tâm hợp tác, cống hiến nhiều ý tưởng đạt hiệu quả cao nhất cho thành tích đơn vị.
Chính sách động viên luôn luôn gắn liền với các phong trào thi đua khen thưởng nếu công bằng đúng lúc, đúng người... sẽ đạt hiệu quả cao, bằng không sẽ gặp hậu quả ngược lại. Giao việc, giao quyền, giao nhiệm vụ phải đúng khả năng sở trường, sở đoản của từng thành viên, trong quá trình thực hiện cần kiểm soát phát huy mặt mạnh và giúp đỡ khắc phục điểm yếu thể hiện sự quan tâm đúng lúc kịp thời đối với NLĐ. Cùng làm cùng hợp tác với NLĐ, người lãnh đạo không có nghĩa là “chỉ tay năm ngón” không thể thiếu sự kiểm soát và giúp đỡ (kiểm soát giúp đỡ nhiều hơn là kiểm soát đánh giá phê bình gây áp lực căng thẳng không cần thiết).
Vai trò của người lãnh đạo
Đây là điểm then chốt của chủ đề “Người HT làm gì để đổi mới công tác quản lý và xây dựng “thương hiệu” nhà trường trong thời kỳ hội nhập”. Người HT phải có năng lực trình độ chuyên môn tốt (ở đây không thể nào cần cù bù năng lực); phải biết quyết đoán trong công việc. Biết lắng nghe, thu thập thông tin với cái nhìn khách quan, xử lý thông tin nhanh, chính xác... Có thể nói, HT giỏi luôn là người được tập thể tin yêu và sẵn sàng hợp tác. Người HT có kế hoạch (ngắn - dài) phải là người có tầm nhìn xa trông rộng và phải biết “tiên lượng” dự đoán trước việc sắp tới. Định hướng trong công việc giúp NLĐ xác định mô tả công việc một cách chính xác trước khi làm. Người HT phải là người thân thiện, người bạn, người thầy của mọi thành viên trong đơn vị. Có thể khẳng định rằng, HT là người thầy trong công việc; biết kiểm tra đánh giá, sẵn sàng khen ngợi và cũng mạnh dạn đấu tranh góp ý khi có những sai phạm xảy ra.
Tóm lại: Người HT muốn đổi mới quản lý, xây dựng “thương hiệu” nhà trường trước tiên phải tự đổi mới chính mình. Đổi mới từ nhận thức đến quan điểm, cách nhìn và xử lý công việc, nhất là mối quan hệ với NLĐ, trân trọng NLĐ, thỏa mãn nhu cầu của NLĐ một cách đúng mức; biết lắng nghe và hiểu NLĐ thì mới quản lý được NLĐ.
Lê Thị Kim Vân
(Hiệu trưởngTrường Mầm non Mèo Con, Q.7, TP.HCM)
HT trường mầm non cần cập nhật thêm kiến thức mới
Hiện nay, bên cạnh những việc làm được thì còn có nhiều vấn đề cần đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục trong trường mầm non. Cụ thể, người HT cần quan tâm đến công tác quản lý và xây dựng “thương hiệu” vì trên thực tế hiện nay các trường công có bề dày thành tích, HT ít quan tâm đến việc xây dựng “thương hiệu” vì “thương hiệu” đã có sẵn từ lâu. Trong khi đó, HT các trường mầm non nhỏ hoặc nghèo hơn, hoạt động của nhà trường luôn gặp khó khăn nhất là kinh phí hoạt động và đời sống nên cũng ít quan tâm đến “thương hiệu”, làm tới đâu hay tới đó vì lương lãnh theo bằng cấp, thâm niên (lãnh lương theo loại trường không đáng kể vì chỉ tính theo phụ cấp trường loại 1, trường loại 2...). Một số HT trường mầm non hiện còn thiếu, còn yếu về kiến thức mới và kỹ năng quản lý trường học, vì thực tế các HT học quản lý giáo dục 2-3 năm để làm HT.