Thứ bảy, 4/11/2017, 22h07

Hình mẫu người thầy

Hiện nay, nhiều người vẫn nhìn về người thầy với sự kỳ vọng và cả xét nét. Cùng một việc làm nhưng với người khác thì đôi khi dư luận không quá nặng nề, nhưng là thầy cô giáo thì bị xăm soi kỹ và có cả “búa rìu”.

Trong môi trường giáo dục, thầy cô giáo phải là hình mẫu đẹp trong mắt học sinh để các em noi gương. Trong ảnh: Giáo viên đang rèn học sinh viết chữ đẹp. Ảnh: N.Trinh

Dĩ nhiên không phải người ta không yêu quý người thầy mà chính vì mọi người trông đợi đòi hỏi và có ý đặt người thầy vào những hình mẫu nào đó có tính biểu tượng. Điều đó đặt ra yêu cầu bản thân người thầy phải chú ý đến tính hình mẫu của nghề, của nghiệp mang tính biểu tượng trong mắt người khác.

Thứ nhất, người thầy phải là hình mẫu, dĩ nhiên càng đẹp càng tốt, trong mắt các học sinh (HS). Người thầy có lời nói, ứng xử, hành vi chuẩn mực đều có thể đọng lại trong tình cảm, nhận thức của HS; một lời khen nhẹ nhàng, một tiếng động viên… có thể khích lệ sự vươn lên mạnh mẽ của một HS có năng lực, có khát khao cầu tiến; một cử chỉ nghiêm trang, lịch sự có thể gieo cho HS một ấn tượng và trở thành tấm gương để noi theo; một sự vượt khó, cố gắng không bỏ cuộc trước nghịch cảnh có thể là động lực thôi thúc những HS khó khăn không ngừng tiến bước… Hay gần hơn, một người thầy có kiến thức sâu rộng, có khả năng gắn những điều trong sách vở với thực tiễn đời sống có thể khuyến khích HS nỗ lực học tập để chiếm lĩnh tri thức, giải quyết những vấn đề thực tế quanh mình…

Thứ hai, người thầy cũng phải là hình mẫu trong quan hệ với đồng nghiệp ngay trong trường học. Người học đâu chỉ nhìn người thầy lúc đang đứng lớp mà còn nhìn ở các không gian và thời gian khác. Trong quan hệ ứng xử, người học có thể nhìn xem thầy cô giáo của mình nói chuyện với người khác bằng thái độ nào, đối xử với người khác bằng tấm lòng, tình cảm ra sao, có biểu lộ sự chân thành, lịch sự hay không… Người học có thể so sánh điều mà người thầy thể hiện trên lớp với cái biểu hiện ở những môi trường khác, nhất là ngay trong nhà trường, để xem người thầy có thống nhất các vai đó không, có thống nhất trong lời nói và hành động không, có thống nhất trong lời dạy, lời khuyên với cách hành xử của bản thân không… Nếu “khớp nhau” thì sự thuyết phục dĩ nhiên sẽ tăng lên, còn trái lại, uy tín, hình ảnh có thể bị giảm sút, mức độ tin cậy sẽ không còn nguyên vẹn; thậm chí trong một số trường hợp nào đó còn có thể phản tác dụng.

Thứ ba, người thầy cũng cần ứng xử hợp lý với phụ huynh. Xét nhiều góc cạnh, phụ huynh là “khách hàng” của nhà trường, của các giáo viên, bởi phụ huynh là người mang con đến giao phó với sự tin cậy cao cho nhà trường, cho giáo viên; đồng thời là người đóng tiền để góp phần duy trì hoạt động của trường học. Phụ huynh còn là người phối hợp, hỗ trợ với nhà trường, với giáo viên để thực hiện việc giáo dục con em họ và giúp giáo viên, nhà trường hoàn thành nhiệm vụ “trồng người” cho xã hội, cho đất nước. Do đó, người thầy phải tỏ ra tôn trọng phụ huynh đúng mực, không chỉ để duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên mà còn tạo ra niềm tin, sự thuyết phục đối với phụ huynh, từ đó mới có sự tôn trọng ngược lại, cũng như có thể giúp việc giáo dục trẻ hiệu quả hơn.

Thứ tư, người thầy dĩ nhiên còn phải là hình mẫu ngay trong gia đình mình. Theo đó, người thầy phải chú ý xây dựng gia đình hạnh phúc, có thái độ ứng xử kính trên nhường dưới, hiếu kính với ông bà, cha mẹ, yêu thương, quý trọng con cháu… Người ta có thể lên án với đứa con bất hiếu một nhưng sẽ lên án với người thầy là đứa con bất hiếu nhiều lần. Là một người hiếu đễ trong gia đình, người thầy sẽ càng được tôn trọng hơn, khả năng thuyết phục được nâng lên nhiều hơn; ngược lại, một người thầy không có được hình ảnh đẹp trong gia đình hẳn sẽ khó làm hình mẫu cho người học cũng như phụ huynh.

Thứ năm, người thầy còn phải xây dựng hình mẫu trong sinh hoạt đời thường và các quan hệ xã hội khác. Đi đứng, nói năng, thái độ, cách thức sinh hoạt… đều có thể đọng lại thành hình ảnh một người thầy trong mắt HS. Liệu có thể thuyết phục không khi người thầy khuyên bảo HS này nọ mà bản thân rượu chè bê tha, văng tục, xem thường người khác, không tôn trọng pháp luật…? Liệu có thể rao giảng đạo đức cho người học hay không nếu bản thân người thầy dối trá, lừa lọc…? Tức là, người thầy phải xây dựng hình mẫu không chỉ ở trong trường, trong nhà mà còn ở ngoài xã hội, khi mà luôn có nhiều con mắt nhìn vào.

Thứ sáu, người thầy phải xây dựng hình mẫu không phải cho người học, cho người khác nhìn vào mà chính là cho bản thân mình, đó là một hình mẫu theo chuẩn mực đạo đức chung đồng thời không ngừng làm đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Người thầy làm hình mẫu không phải để đẹp lòng người học hay người khác nhìn vào mà chính là tạo nên giá trị riêng cho bản thân mình, từ đó mới có thể dạy dỗ, thuyết phục người học. Vì vậy, câu khẩu hiệu trong nhà trường “tiên học lễ, hậu học văn” thì nên hiểu thêm một ý rằng, người thầy trước khi dạy “văn” (kiến thức) thì phải dạy “lễ” (đạo đức làm người), trước khi làm hình mẫu về “văn” (có kiến thức sâu rộng…) thì phải là một hình mẫu về “lễ” (tư cách, phẩm chất…).

Làm được điều đó, người thầy càng cao quý hơn, xã hội càng kính trọng hơn!

Nguyễn Trúc Giang