Thứ năm, 25/8/2016, 21h06

Hình thành kỹ năng cộng tác trong học tập

Một trong những kỹ năng mà học sinh rất cần trong quá trình học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động trong nhà trường đó chính là kỹ năng cộng tác trong học tập.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trong một tiết học được chia theo nhóm, mỗi nhóm được giáo viên giao phụ trách một bài tập trong bài học. Ảnh: D.Bình

Cộng tác trong học tập là một quá trình làm việc theo nhóm, mỗi thành viên đóng góp và giúp đỡ nhau để cùng đạt được một mục đích chung. Nhưng hoạt động có quy trình cụ thể và khoa học hơn là học nhóm, làm việc nhóm. Lớp học chính là một môi trường lý tưởng để rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm mà sẽ rất cần cho học sinh trong cuộc sống sau này. Những nhân tố giúp một nhóm làm việc hiệu quả gồm: Thứ nhất, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Các hoạt động của nhóm nên bắt đầu cho các thành viên làm quen, hiểu rõ cách thức làm việc của cả nhóm. Thủ lĩnh có thể do một học sinh tự nhận hoặc do nhóm chỉ định. Đảm nhiệm công việc hướng dẫn bằng việc đưa ra các gợi ý để thảo luận mà không cần phải áp đặt câu trả lời cho cả nhóm, đặc biệt với những nhóm gặp khó khăn khi làm việc cùng nhau. Do đó, nhóm chỉ nên gồm 3 đến 5 người. Các nhóm dưới chỉ định của giáo viên thì sẽ hiệu quả hơn nhóm tự chỉ định lẫn nhau. Các thành viên không chỉ chịu trách nhiệm đóng góp trong sở trường của mình mà còn có thể giúp các thành viên khác tìm hiểu thêm về lĩnh vực đó. Thành viên nào gặp khó khăn hoặc còn chưa thoải mái khi làm việc trong nhóm nên được các thành viên khác động viên, giúp đỡ. Sự đa dạng trong kiến thức và kinh nghiệm sẽ có tác động tích cực đến việc học, tăng thêm các phương thức giải quyết vấn đề tăng thêm chi tiết để cân nhắc. Đóng góp của mỗi người cho công việc phải được thống nhất. Thứ hai, nhóm hoạt động với nguyên tắc tôn trọng nội bộ của nhau. Các nhận xét nội bộ nên được giữ kín, và đó là cách khá tốt để đánh giá ai đang đóng góp hoặc không đóng góp. Giữa các nhóm có thể chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng giải quyết công việc. Tuy nhiên, thành viên giữa các nhóm khác nhau không nên can thiệp quá sâu vào tình hình nội bộ của nhau, nhất là khi có xung đột, mâu thuẫn. Nhóm có quyền “sa thải” hoặc tẩy chay các cá nhân không tích cực đóng góp hay không có tinh thần xây dựng nếu sau khi mọi biện pháp khuyên can đều không thành. Một thành viên cũng có quyền bỏ nhóm nếu như họ cảm thấy họ làm phần lớn công việc trong khi người khác không làm hoặc không giúp đỡ. Thứ ba, tôn trọng ý kiến của mỗi thành viên. Chia sẻ trách nhiệm trên tinh thần đoàn kết, yêu thương giữa các thành viên, do đó trong cả nhóm nên thống nhất trách nhiệm, nguyên tắc làm việc cùng nhau, vì lợi ích của tất cả mọi người. Quy định rõ nghĩa vụ phải tham gia, chuẩn bị trước các buổi gặp gỡ và phải đến đúng giờ, tôn trọng ý kiến của mỗi thành viên. Tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến, tập trung vào giải quyết vấn đề, những nội dung học tập và tránh việc chỉ trích, xem thường cá nhân. Các thành viên có trách nhiệm chia sẻ công việc và hoàn thành công việc đúng thời hạn. Và đôi khi, học sinh cũng cần phải làm những công việc mà bản thân có ít kinh nghiệm, cảm thấy chưa chuẩn bị đầy đủ hay thậm chí còn có người trong nhóm có khả năng làm tốt hơn bạn. Hãy chấp nhận thử thách đó, nhưng cũng đừng ngại để cho mọi người trong nhóm biết là bạn cần sự giúp đỡ, huấn luyện, hay thôi không làm được mà xin làm việc khác.

Để tăng cường đoàn kết, các thành viên cần thường xuyên đặt ra các mục tiêu cụ thể sát với điều kiện khách quan của nhóm, xem xét mức độ thường xuyên sinh hoạt, các phương tiện để các bạn liên lạc với nhau, đánh giá công việc, quyết định và giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó đánh giá các nguồn lực, nhất là xem ai có khả năng hướng dẫn, kiểm tra, đưa ra lời khuyên cho nhóm kể cả khả năng phân xử nếu nhóm nảy sinh xung đột, bất hòa. Thủ lĩnh của nhóm phải là người thật sự uy tín để tạo sự đoàn kết và truyền lửa hoạt động cho cả nhóm… Các nhóm gặp phải những thử thách, khó khăn khi làm việc với nhau nên gặp gỡ và trao đổi với giáo viên để trình bày hoàn cảnh của nhóm và tìm cách giải quyết hợp lý nhất.

Lưu ý: Cộng tác trong học tập là hoạt động mang tính giúp đỡ, chia sẻ, cho nên là một thành viên của nhóm, học sinh cần có trách nhiệm cùng chia sẻ một mục đích chung của nhóm mình và tập thể lớn. Đóng góp ý kiến vào việc giải quyết vấn đề, đặt ra các câu hỏi hay tìm giải pháp để cùng nhóm giải quyết vấn đề trong các môn học của mình. Mỗi thành viên đều có quyền yêu cầu người khác phải trình bày ý kiến, phát biểu và đóng góp…

Lê Phạm