Thứ hai, 19/9/2016, 09h50

Hô biến... giấy cũ thành nghệ thuật

Chỉ bằng những mảnh giấy cũ bỏ đi, Vũ Đình Kinh Luân và Huỳnh Gia Hy đã 'hô biến' thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Điêu khắc bằng bột giấy
Vốn là một loại hình còn khá mới mẻ tại VN, thế nhưng Vũ Đình Kinh Luân, cựu sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, đã mày mò và bén duyên với những mảnh giấy vụn bỏ đi để vò, ngâm rồi xay nát tạo bột, nặn thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống điêu khắc nên từ nhỏ Luân đã được làm quen với loại hình này. Tuy nhiên, lúc đó anh chỉ tiếp xúc với các nguyên liệu như: đất sét, gỗ, nhựa... còn giấy thì mãi cho đến những năm gần đây Luân mới chọn để theo đuổi.
Luân đang thực hiện tác phẩm điêu khắc con ngựa bằng bột giấy  /// Ảnh: N.V
Luân đang thực hiện tác phẩm điêu khắc con ngựa bằng bột giấy. Ảnh: N.V
“Trong một lần tham gia dự án của người Nhật, thấy người ta sử dụng bột giấy để làm giấy dó cho mấy em thiếu nhi vẽ tranh nên mình học được cách để tạo bột giấy từ đó. Rồi vô tình biết đến một tác phẩm điêu khắc bằng bột giấy nổi tiếng thế giới của một nghệ sĩ người Pháp nên mình mày mò và sáng chế ra những tác phẩm điêu khắc bột giấy của riêng mình”, Luân kể.
Hiện nay, Luân đã sở hữu một “gia tài khủng” - những sản phẩm điêu khắc độc đáo này. Lúc đầu chỉ làm vì tò mò, đam mê nhưng bây giờ đơn đặt hàng từ những công ty, quán cà phê… khiến Luân lo sợ sẽ không kham nổi. Bởi anh luôn nghĩ: “Mình chỉ nghịch giấy cho vui thôi mà”.
Quy trình điêu khắc bằng bột giấy cũng tương tự như điêu khắc bằng các chất liệu thông thường khác, chỉ khác ở tạo bột và sản phẩm cuối cùng sẽ nhẹ hơn, tinh khiết. Các chi tiết tạo hình rất tinh tế nhờ vào tính chất tự nhiên của giấy.
Để tạo được một sản phẩm điêu khắc như vậy, đầu tiên là công đoạn tạo bột. Luân cho biết đây là công đoạn không quá khó nhưng lại quyết định rất nhiều đến thành phẩm: “Tất cả các loại giấy đều được, chỉ cần vò nát, ngâm rồi cho vào cối xay xay thật nhuyễn, sau đó cho ra túi lọc, lọc bỏ nước chỉ lấy phần bã. Bã này đem trộn với keo sữa hoặc bột mì sẽ cho ra bột giấy. Tuy nhiên, phải cảm nhận được độ kết dính của bột thì mới có thể dùng được. Nên cần chú ý đến liều lượng của từng nguyên liệu khi cho vào”.
“Khi nặn phải nặn liền tay. Tức là nặn liên tục chứ không được nghỉ vì bột bằng giấy nên dễ bết lại rồi nhanh khô nên nếu làm sai muốn sửa lại cũng rất khó. Chính vì thế đòi hỏi sự khéo léo cũng như độ tập trung rất cao”, Luân nhấn mạnh.
Với sản phẩm Vòng hoa hồng được điêu khắc bằng bột giấy, Luân đã xuất sắc vượt qua hơn 200 đối thủ để giành quán quân trong cuộc thi “Cảm tác hoa hồng Takashimaya” do Nhật Bản tổ chức vừa qua.
Hô biến... giấy cũ thành nghệ thuật 2
Gia Hy bên mô hình tòa nhà Bitexco của mình Ảnh: N.V
Gấp hàng trăm tác phẩm
Khác với Luân, Huỳnh Gia Hy, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM, chọn theo thể loại khá quen thuộc với giới trẻ, đó là bộ môn gấp giấy origami. Thế nhưng, khó tìm được một người có đủ kiên trì để cho ra đời hàng trăm tác phẩm gấp giấy phức tạp như Hy.
Từ khi còn nhỏ, chàng trai này đã rất thích nghịch giấy. Cứ rảnh rỗi là lại cắt, gấp những mảnh giấy vụn thành những mẫu vật đơn giản. Càng lớn, Hy càng thấy được sở trường của bản thân nên bắt đầu theo đuổi bộ môn này. Nhờ sự sáng tạo và khả năng nắm bắt nhanh các kỹ thuật nên những mô hình gấp giấy của Gia Hy đã đạt đến độ cực khó chỉ trong thời gian ngắn.
Nhiều tác phẩm Hy gấp mất 3, 4 tháng liền, đa phần đều là những tác phẩm với kích thước lớn. Tác phẩm khó nhất mà Hy thực hiện được cũng chính là mẫu được đánh giá là phức tạp nhất hiện nay trên thế giới. Đó chính là rồng thần 3.5.
“Gấp giấy origami là bộ môn chỉ được gấp trên một tờ giấy và không được cắt ghép. Chính vì thế những tác phẩm với kích thước lớn đòi hỏi người gấp phải có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật gấp origami. Nhưng thông thường với bộ môn này ai cũng chọn học cách gấp những mẫu có kích thước nhỏ, vì đa phần không đủ kiên nhẫn ngồi mày mò từng nếp gấp trong hàng tháng trời”, Hy tâm sự.
Hy cho biết thêm việc tạo được mẫu origami không chỉ đòi hỏi người gấp phải có năng khiếu cũng như con mắt nghệ thuật mà còn liên quan rất nhiều đến quy tắc hình học. Tất cả các kiến thức về hình học như các đường nét, hình không gian, các khối 3 chiều... đều bổ trợ rất nhiều cho kỹ thuật gấp.
Ngoài gấp giấy, Hy còn sáng tác rất nhiều tác phẩm từ những vật dụng bỏ đi như: mút xốp, tăm, bìa giấy... Chỉ với những dụng cụ đơn giản như kéo, dao và tốn thêm ít tiền để mua keo dính là Hy đã có thể cho ra đời nhiều mô hình đẹp đến từng centimet.
Hy từng mày mò mô hình san hô bằng mút xốp theo ý tưởng trang phục của một nhà thiết kế thời trang và được chọn trưng bày trong chương trình Tuần lễ thời trang quốc tế VN.
Với sự tỉ mỉ và tinh tế, những sản phẩm của Hy đã được nhiều người biết đến. Một công việc tưởng chừng như chỉ để giải trí này đã mang về nguồn thu nhập và là công việc chính của Hy hiện nay.

Nữ Vương (TNO)